Phóng sự

Căn nhà bị hai ngôi mộ 'ám' khiến người trong nhà 'ba hồi tỉnh, một hồi say'

13:52, 30/03/2014 (GMT+7)
Có một ngôi nhà nằm ở trung tâm thành phố Huế nhưng bấy lâu nay được bà con chòm xóm gọi là căn nhà “ma ám”. Bởi vì, trong ngôi nhà ấy có 8 người thì một nửa trong số đó bỗng dưng hóa điên dại. Chuyện xảy ra bí ẩn, rùng rợn như thế khiến những người dân ở quanh đây rất sợ hãi, phải dè chừng mỗi khi ghé qua. Và tất thảy mọi người đều buông ánh mắt ái ngại khi chúng tôi hỏi đường vào ngôi nhà mang tiếng “ma ám” này...
 
Những người điên trong ngôi nhà “ma ám”
 
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Muôn (60 tuổi), ở số 4/149 ở đường Hùng Vương, phường An Cựu (TP Huế),  nằm nép mình bên chợ An Cựu (TP Huế) nên trông có vẻ vui nhộn, ồn ào vì mỗi ngày đều rất đông người qua lại trước sân để mua bán hàng hóa. Nhưng đấy chỉ là bề ngoài, bởi khi bước chân vào qua cánh cửa gỗ ngăn cách với thế giới sôi động bên ngoài, thì một không lạnh lẽo, tối tăm đến không ngờ bất chợt ùa tới, khiến nhiều người dù cứng bóng vía đến mấy cũng phải rùng mình, sởn gai ốc. Cảnh tượng căn nhà lạnh lẽo, trống huơ, trống hoắc ấy cộng thêm những lời đồn thổi “ma ám” của bà con lối xóm “mách nhỏ” riêng với chúng tôi càng khiến cảm giác lành lạnh sống lưng trỗi dậy.
 
Bà Muôn chỉ vị trí cất bốc hai “ngôi mộ” của người Chăm
Bà Muôn chỉ vị trí cất bốc hai “ngôi mộ” của người Chăm
 
Ngôi nhà cấp bốn chưa đầy 15m2 nằm lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ chẳng khác gì một phòng trọ bé tẹo. Đây là chốn đi về của bà Muôn và những đứa con đầu óc chậm chạp. Ngôi nhà ấy chạy dọc bên hông chợ An Cựu, trong nhà không có một thứ gì đáng giá. Chưa kịp hỏi thăm chủ nhà, thì bất thần bà Muôn từ bên hông nhà cất tiếng hỏi làm chúng tôi giật bắn mình. Sau khi nghe trình bày lý do, rồi cái phút giây ngạc nhiên nhưng đượm buồn của bà Muôn khi thấy chúng tôi hỏi chuyện có chăng căn nhà mình bị “ma ám” hay không? Bà Muôn lẳng lặng không nói như muốn nén tiếng thở dài vào phía sâu trong lồng ngực. Vài phút sau khi chúng tôi yên vị, bà Muôn mới dần dà bộc bạch: “Chuyện xảy ra ở gia đình tôi thì quanh đây ai cũng đều biết. Không hiểu tại vì sao con cái tôi, từ ngày cha chúng nó mất bỗng đâm ra điên dại. Đứa lớn, đứa nhỏ đều chung một biểu hiện: Phá phách nhà cửa, nhảy sông, đi lang thang, rồi đâm ra ngớ ngẩn. Tôi đi xem bói thì người ta bảo ngôi nhà này bị vong hồn của người đã chết “ám” không thể sống được, cũng chẳng ngóc đầu lên được nên cứ làm ăn lụn bại mãi, còn con cái thì đau ốm triền miên, gia đình gặp phải nhiều tai bay vạ gió. Thầy bói khuyên phải chuyển đi mới được yên ổn làm ăn. Chứ còn ở là còn “ám”. Tôi nghe mà rụng rời tay chân. Nhưng giờ biết chuyển đi đâu cho đặng!”.
 
Trong câu chuyện về gia đình mình, bà Muôn liên tục gọi đó là “bi kịch”. Bi kịch đầu tiên đến với gia đình bà Muôn là cái chết của chồng bà là ông Hồ Ngọc Lợi vào tháng 5-2012. Bình thường chồng bà Muôn không phải là người bê tha rượu chè, chỉ khi nào không đừng được mới thấy ông cầm ly lên uống rượu. Vậy mà chẳng hiểu sao hôm ấy ông Lợi đi chơi ở nhà bạn về rồi quá chén, vì đã ngà ngà say nên khi đi về ông bị trượt chân ngã xuống bờ hồ chứa nước gần nhà mà không gượng dậy nổi. Lúc sự việc xảy ra trời đã quá khuya, người nhà không thấy ông về nên tá hỏa đi tìm thì mới hay ông đã đuối nước, xác nổi lên ở bờ hồ kia. Họa vô đơn chí khi ông Lợi vừa mất được 3 tuần, thì bỗng dưng cậu con trai đầu là Hồ Ngọc Phú (25 tuổi) cũng hóa ra ngây dại. Suốt ngày Phú chỉ biết hùng hổ chửi bới mọi người trong nhà, rồi phá phách nhà cửa, nhiều lần lật đổ cả ban thờ khiến cả nhà sợ hãi. Cũng rất nhiều lần nửa đêm Phú đang ngủ bỗng vùng dậy chạy ra khỏi nhà. Mọi người đổ xô đi tìm thì thấy Phú đang thất thểu bên bờ hồ. “Nghe đâu trước đó, ngày ông nhà tui mất, trong đêm giá rét đó Phú lao mình xuống vớt thây cha mình lên mang về khâm liệm, nên giờ nó mới bị ám như thế!” - bà Muôn đúc kết một phần bi kịch của gia đình mình như thế.
 
Từ ngày Phú đổ bệnh, bà Muôn dù đã cất công đi “vái tứ phương”, rồi mời không biết bao nhiêu “thầy, bà” về cúng nhưng bệnh tình Phú chẳng thuyên giảm chút nào. Bà Muôn buồn bã thuật lại: “Ngày thằng Phú tự nhiên hóa điên dại, nó rất hung dữ. Ai nói cũng không nghe. Đút cơm ăn thì nó phun phì phì vào mặt người đút. Không những thế nó còn dọa dẫm, đòi đánh các chị nó và tôi. Đã nhiều lần Phú phá đổ ban thờ và phá hỏng các cửa nhà để chạy đi ra đường. Vì thế nên tôi phải buộc lòng xích nó vào cái giường cha nó từng nằm, cho nó bớt đi!”. Vừa kể bà Muôn vừa lật tấm vạt giường chỉ cho chúng tôi thấy những vòng xích để buộc Phú những lúc cậu ta phát bệnh. Mắt nghẹn nước, bà Muôn cám cảnh: “Chẳng ai muốn trói buộc, xích các con của mình cả. Nhưng tôi đã già, không còn đủ sức để đi tìm chúng nó nữa đành làm như thế này thôi. Chắc khi tỉnh lại chúng nó sẽ thông cảm cho tôi...!”. Mặc dù dằn lòng phải chấp nhận trói, xích con như vậy. Nhưng để giữ được Phú mỗi khi cậu ta lên cơn điên dại đâu phải là chuyện dễ. Vì thế nên bà Muôn phải chạy khắp xóm nhờ cậy những thanh niên, chú, bác tới xích hộ mình khi Phú phát bệnh.
 
Oái oăm thay, khi Phú chưa lành bệnh thì 2 người chị của Phú cũng có biểu hiện “ba hồi say, một hồi tỉnh” như cậu. Người chị cả Hồ Thị Thanh Ly (33 tuổi) thì tự dưng bị cấm khẩu. Cả ngày cô chỉ uống mỗi nước lã mà không ăn uống gì cả. Trong khi đó, cô chị gái thứ hai là Hồ Thị Thanh Phương (27 tuổi) lại có biểu hiện điên dại, phá phách nhiều hơn cậu em mình. Khi ấy, nhà của bà Muôn suốt ngày vọng ra những tiếng kêu gào, khóc lóc quát mắng của những người con điên dại, cùng những tiếng khóc nức nở của người mẹ già. Đứng trước tình cảnh đó, bà Muôn suy sụp hoàn toàn, bà có ngờ đâu những đứa con hiền ngoan, ham ăn, vụt lớn kia lại thay nhau phát bệnh khó hiểu đến như vậy. Trước bi kịch chồng chất ập đến với gia đình mình như vậy, bà Muôn thật đã hết chỗ để đau.
 
Con cái bỗng nhiên lành bệnh?
 
Từ khi con cái đổ bệnh điên dại, hàng ngày người mẹ ấy phải gồng mình để gánh nước thuê ở chợ An Cựu (TP Huế), chiều tối bà nhận thêm công việc quét rác. Quần quật cả ngày nhưng bà chỉ kiếm được 30.000 - 40.000 đồng nuôi các con tâm thần. Dù bà Muôn đã cố gắng chạy chữa nhưng bệnh tình các con không những không khỏi mà còn nặng hơn trước nữa. Thế nên, một mặt bà Muôn phải vai gồng, vai gánh chạy chợ kiếm tiền thuốc thang cho con. Mặt khác những lúc rảnh rỗi bà lại phải túc trực chăm sóc con cái mỗi khi chúng trở bệnh. Gia cảnh bà Muôn mỗi ngày càng lâm vào khó khăn, bần hàn hơn. Rồi một ngày, bà Muôn đi xem bói thì được thầy bói phán rằng nguyên nhân khiến gia đình bà rơi vào vòng tai ách như thế là bởi ngôi nhà mà gia đình bà đang ở có hai “ngôi mộ” của người Chăm vẫn đang “án ngữ”. Vì nhà bà Muôn khi xây không làm lễ xin phép và di dời mà lại làm đè lên trên hai “ngôi mộ” ấy nên con cái bị “ám” như vậy.
 
Nghe lời thầy phán, bà Muôn hoảng hồn ghép nối các sự kiện lại rồi cho người mời thầy cúng về làm lễ cẩn trọng, rồi đào nền nhà mình lên, thấy phần đất mùn màu đen ít ỏi dưới nền đó, thầy liền phán ngay rằng đó là phần hài cốt đã phong hóa của người xưa. Sau đó bà Muôn đã đem chôn cất lại ở nghĩa địa phía Tây TP Huế. Từ ngày bốc cất hai “ngôi mộ” đó cộng với những bài thuốc chữa bệnh tâm thần của các thầy thuốc danh tiếng trong vùng, những đứa con của bà Muôn dần dần khỏi bệnh, trở lại bình thường như lúc trước. Bây giờ, cả Phú, Ly và Phương đều đã tỉnh táo như không có chuyện gì xảy ra. Khi được hỏi lại về lúc phát bệnh có nhớ lại gì không, thì không ai mảy may nhớ gì cả, tất cả chỉ cười nhưng bớt ngây ngô hơn.
 
Ông Trần Ngữ, Tổ trưởng tổ dân phố cho biết: “Chuyện xảy ra với gia đình bà Muôn thì ai cũng biết. Gia cảnh bà ấy vốn rất khó khăn khi chồng mất, con cái thì bệnh tật liên miên. Thế nhưng một năm trở lại đây, người ta bất ngờ thấy những đứa con trong gia đình này bất ngờ tỉnh lại thì ai cũng ngạc nhiên. Thấy chúng biết làm ăn, biết chào hỏi, vui vẻ với người dân trong xóm ai cũng mừng. Nghe bà Muôn nói bà nhờ “thầy pháp” về cất bốc 2 bộ hài cốt trong nhà, và nhờ thầy chữa trị nên lần lượt từng đứa con trong nhà bà trở nên tỉnh hẳn! Tuy nhiên đó cũng chỉ là những lời nói của gia đình bà Muôn, còn thực hư như thế nào vẫn chưa được kiểm chứng!”. Hơn nữa, ngoài việc mời thầy cúng thì bà Muôn còn chữa bệnh cho con bằng phương pháp chữa Đông y của một thầy thuốc ở TP Huế. Việc con bà khỏi bệnh có thể là do được điều trị đúng thuốc, chứ đâu phải do cất bốc 2 bộ hài cốt mà không bị “ma ám” nữa.

ANTĐ

Các tin khác