Phóng sự

Những người mưu sinh lúc nửa đêm

08:06, 04/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-23h, khi những hạt sương đã ướt lạnh trên cành cây, ngọn cỏ, mọi con đường trên TP Vinh trở nên thênh thang, vắng lặng. Cảnh vật thành phố như đã ngủ yên sau một ngày dài sôi động, nhường lại không gian tĩnh mịch cho đêm đông lạnh giá… Thế nhưng, trên con phố Nguyễn Cảnh Hoan (gần đình chợ Vinh - P.V) mọi thứ hoàn toàn khác hẳn, dường như tất cả đã bừng tỉnh, tiếng xe cộ xình xịch, tiếng cười nói râm ran, gọi nhau í ới…, mọi thứ đang diễn ra nhộn nhịp dưới ánh đèn điện hắt ra từ các sạp hàng hay ánh đèn cao áp, như muốn xóa tan màn đêm u tịch.
 
Đã từ lâu, khi màn đêm buông xuống, mọi cảnh vật chìm sâu trong giấc ngủ thì hoạt động mua, bán ở “chợ đầu mối” TP Vinh lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nói là “chợ đầu mối” cho oai, thực ra, đó là cảnh mua, bán, giao thương hàng hóa tứ phương diễn ra trên mấy con phố gần khu vực đình chợ Vinh.
 
Bắt đầu từ 23h30, tại các con phố, như: Hồng Sơn, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Phú… tấp nập xe ôtô chở hàng hóa tứ phương kéo về: Hàng hóa từ các huyện trong tỉnh chuyển đến, hàng từ miền Bắc vào, từ miền Nam ra…, mùa nào thứ ấy. Tại đây, sau khi xe ôtô tải đổ hàng cho các đầu mối xong, thương lái bắt đầu mua sỷ, mua lẻ đem về chợ huyện bán, thậm chí có nhiều thương lái từ thành phố Hà Tĩnh đưa cả xe ôtô ra Vinh mua hàng giá sỷ đem về bán lại kiếm lời. “Chợ đầu mối” Vinh thường bắt đầu từ 23h30 hôm trước cho đến 5h hôm sau. Cảnh mua, bán, chuyển hàng tấp nập không khác gì ban ngày, có chăng là ánh đèn điện sáng trưng hắt ra từ các sạp hàng để phân biệt thời gian.
 
Người đàn ông với xe xích lô đầy hàng
Người đàn ông với xe xích lô đầy hàng
Vào dịp cuối năm, hàng hóa được vận chuyển về “chợ đầu mối” Vinh tấp nập hơn, phần nhiều là các loại rau, củ, quả như: Bắp cải, cà chua, hành tây, cà rốt, cam, chanh…, tùy sản phẩm để thương lái đóng gói, chống dập nát, hư hỏng. Cam thì được đựng trong thùng cát tông, cà rốt đựng trong bì lưới, bắp cải, hành cho vào những bao bóng lớn…
 
Đi một dọc hết con đường Nguyễn Cảnh Hoan sang đường Hồng Sơn, trước mắt chúng tôi  cơ man là rau, quả, mùi dứa thơm, mùi ngò thơm phảng phất trong gió. Lân la qua các sạp hàng, chúng tôi gặp bà Mỹ trú ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu - Một phụ nữ ngoài ngũ tuần, vừa bán hàng, bà vừa trò chuyện vui vẻ: “Tôi đi đêm về hôm như thế này gần 20 năm rồi, ngày mưa cũng như ngày nắng. Ban ngày thì thu gom hàng ở ngoài quê rồi vận chuyển lên xe ôtô, 21h thì xe bắt đầu chuyển bánh vào Vinh, đến nơi khoảng 22h30. Ngày nào cũng vậy, đi lâu trở thành quen không cảm thấy lạ lẫm nữa chú ạ, hôm nào bị ốm phải ở nhà là cảm thấy buồn lắm!”.
 
Khi chúng tôi băn khoăn về thời điểm nào để bà có thể ngủ, nghỉ, bà Mỹ cười nói: Buổi tối, ăn cơm xong tranh thủ ngủ được gần 2 tiếng đồng hồ, lên xe ôtô lại ngủ gật cho đến khi vào chợ Vinh. Từ lâu lắm rồi, tôi ngủ ngồi trên xe ôtô nhiều hơn ngủ trên giường. Đoạn, bà nói tiếp, tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo để nuôi 4 đứa con thôi. Giờ đây, hai cháu đã lập gia đình rồi, một cháu học xong ra trường chưa xin được việc làm, cháu út đang học đại học. Con tôi lớn lên và được nuôi ăn học cũng nhờ vào gánh chợ đêm này cả đấy. Hỏi về thu nhập cho mỗi chuyến hàng vào “chợ đầu mối”, bà Mỹ chỉ cười…, nhưng có một điều chúng tôi thấy toát lên ở người phụ nữ này là bà đang rất hài lòng với công việc mình đã và đang làm bấy lâu nay.
 
Rời sạp hàng của bà Mỹ, chúng tôi ghé một quán nước nằm cạnh con phố Nguyễn Cảnh Hoan. Chủ quán là bà cụ đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, mái tóc bạc trắng màu sương, nhưng trí nhớ và đôi mắt cụ còn sáng lắm. Ở cái chợ đêm này, ai cũng biết cụ và cụ cũng tường tận mọi việc quanh khu vực này. Cụ nói: “Tôi thức cùng chợ đêm, bán nước chè, nước giải khát, thuốc lào, đồ ăn nhẹ cho khách…. Họ vào uống nước nói đủ thứ chuyện trên đời, nên dù ở một chỗ nhưng tôi cũng biết khá nhiều chuyện. Rồi cụ nói như trấn an chúng tôi, nghe là để biết vậy thôi, xã hội giờ phức tạp lắm cháu ạ!”. Gian hàng của cụ chỉ vỏn vẹn chiếc bàn con, bày mấy thứ hàng hóa lặt vặt, bánh trái, thuốc, nước…, ba chiếc ghế dài được bày biện xung quanh chiếc bàn nhỏ. Khách “ruột” đến quán cụ, không ai khác là các bác tài xế đang chờ bốc dỡ hàng hóa, mấy bác cửu vạn, xích lô tranh thủ vào uống nước trong lúc chờ đợi người đến thuê. Cụ cho biết thêm, mỗi đêm như thế này cũng kiếm được vài chục nghìn đồng, đêm nào “đỏ” trời không mưa, đông khách thì được nhiều hơn. Rồi cụ cười hiền, “già rồi mà vẫn kiếm được tiền như thế này là vui rồi cháu ạ”.
 
Ông Phú áo ướt đẫm mồ hôi giữa đêm đông lạnh giá
Ông Phú áo ướt đẫm mồ hôi giữa đêm đông lạnh giá
 
Cầm ly nước chè xanh nóng hổi đang bốc khói, rồi xoay xoay trong lòng bàn tay như để ủ ấm, anh Thắng - Một người làm nghề xích lô lâu năm than thở: “Gần Tết rồi mà hàng hóa về ít quá, từ đầu buổi tới giờ mới được có hai chuyến hàng, khéo đêm nay xem ra đói”. Rít khói thuốc lào rồi ngẩng mặt lên trời cho khói cuộn ra, anh Thắng nói tiếp, bây giờ cái gì cũng tăng giá vùn vụt, riêng tiền bốc vác và tiền chở hàng thì không ai tăng cho mình. Rồi đột nhiên anh quay sang nói với tôi, “hay họ nghĩ mình đi xích lô không tốn xăng phải không chú em?”. Được biết, mỗi chuyến hàng, chủ trả công cho xích lô chở thuê từ 25.000 - 30.000 đồng và mỗi đêm thức trắng như vậy, người nào khỏe cũng chỉ kiếm được hơn 150.000 đồng.
 
Càng về khuya, sương rơi thêm nặng hạt, gió rít lên từng hồi lạnh lẽo. Dù mặc rất nhiều đồ ấm nhưng dường như cái rét vẫn cố tình len lỏi vào tận da thịt, tôi cầm chiếc bút trên tay mà lạnh cóng không ghi được dòng nào. Thế mà, cách chúng tôi không xa, hai người đàn ông đang bốc dỡ xe hàng bắp cải, mồ hôi ướt đẫm chiếc áo phông mỏng tang trên ngực. Tôi đặc biệt chú ý đến người đàn ông tên Phú, trông chừng cũng phải trên 50 tuổi, với bọc hàng trên vai hơn 30 kg, bước chân ông vẫn cứ thoăn thoắt như một người đi bộ. Phải chăng, sự khó nhọc, gánh nặng cơm áo đã rèn luyện cho những con người này có một sức khỏe, sức bền đến vậy! Những khi đỡ hàng trên vai xuống, hai cánh tay ông Phú gồng lên, lộ rõ cơ tay cuồn cuộn… Tôi đưa nhanh ống kính lên ghi lại khoảnh khắc này, ông Phú liền nói: “Có gì đâu mà chụp ảnh hả con, nghề kiếm sống thôi mà…”. Lao động quần quật là vậy, nhưng mỗi tấn hàng, những người khuân vác như ông Phú cũng chỉ được chủ trả công 60.000 - 70.000 đồng.
 
Đến 4h, khung cảnh trao đổi hàng hóa tại “chợ đầu mối” vẫn diễn ra nhộn nhịp, người bốc vác, người đẩy xe, tiếng í ới gọi nhau không ngớt…, còn tôi, cơn buồn ngủ làm hai mí mắt không thể cưỡng lại được, đành phải ra về sau 4 tiếng đồng hồ tham quan các sạp hàng chợ đêm.
 
Trên đường về, cơn mưa phùn bắt đầu nặng hạt, nhưng trong đầu tôi cứ miên man hình ảnh bếp lửa nhóm vội của những người khuân vác, họ đang nương nhờ hơi ấm của bếp lửa để bám trụ mưu sinh trong những đêm đông giá buốt. Rồi tôi chợt nghĩ, nếu có một “chợ đầu mối” được xây dựng khang trang thì có lẽ cuộc mưu sinh lúc nửa đêm của những con người này đỡ hơn phần nào giá lạnh.

Đức Thắng

Các tin khác