Phóng sự

Tù binh phi công Mỹ ở Hỏa Lò: Những bí mật được 'giải mã'

16:20, 22/12/2013 (GMT+7)
Trong cuộc gặp gỡ nhân dịp ra mắt cuốn sách "Phi công Mỹ ở Việt Nam" (NXB Công an Nhân dân) của nhà văn Đặng Vương Hưng, chúng tôi đã gặp nhiều nhân chứng, từng là Quản giáo trại giam Hỏa Lò những năm 1968-1973. Những ký ức của họ góp phần giải mã bí mật về số phận và cuộc sống của những phi công Mỹ ở Việt Nam, thể hiện chính sách nhân đạo của chúng ta trong chiến tranh.
 
Giải mã những bí mật
 
Ông Trần Trọng Duyệt là trại trưởng tù binh Hỏa Lò từ năm 1968 đến 1973. Năm nay đã 80 tuổi, cả một đời chinh chiến trên nhiều chiến trường Nam - Bắc,  đối với ông, thời gian ở Hỏa Lò dù chỉ 5 năm nhưng đó là quãng đáng nhớ trong cuộc đời. Thời đó, ông vừa là Chỉ huy trại vừa là chính trị viên, kiêm Bí thư chi bộ. Trại có 5 quản giáo đều giỏi tiếng Anh, một tổ bảo vệ cũng biết ngoại ngữ. Chính John Mac Cain đã dạy tiếng Anh cho Đại tá Trần Trọng Duyệt, nên tiếng Anh ông dùng hồi đó, đặc sệt chất Anh- Mỹ. Ông khẳng định: "Trên thế giới, có lẽ không có nước nào đối xử với tù binh Mỹ tốt như ở nước ta. Đó là nhờ truyền thống khoan hồng và nhân đạo đã có từ hàng ngàn năm trước của dân tộc ta".
 
Theo ông Trần Trọng Duyệt, trong số á hơn 400 tù binh có 4 vị cấp tá, 38 vị Trung tá, 177 vị Đại úy... Trong chiến tranh, tại Hà Nội, tù binh phi công Mỹ được giam giữ chủ yếu ở ba địa điểm chính: Khu vực Fafim đường Nguyễn Trãi bây giờ (tù binh phi công Mỹ gọi là Sở thú), số nhà 17 phố Lý Nam Đế (gọi là Đồn điền) và Hỏa Lò (tù binh Mỹ hài hước gọi là Khách sạn Hilton) thường xuyên có đông tù binh nhất.
 
Ông kể, lúc đầu, những tù binh phi công Mỹ không thừa nhận nước ta, trong tư tưởng của họ, Việt Nam vẫn là một nước bé và Mỹ là nước lớn. Thế nên, các quản giáo trại giam đã phải dẫn họ ra Văn Miếu, hồ Hoàn Kiếm, kể những câu chuyện về lịch sử 4000 năm, mang văn hóa Việt Nam, chèo, tuồng ra diễn để cảm hóa và thuyết phục họ.
 
Đại tá Trần Trọng Duyệt
Đại tá Trần Trọng Duyệt
 
Chế độ chăm sóc các tù binh Mỹ cũng rất đặc biệt. Họ hưởng chế độ 1.6 trong khi chế độ của anh em mình không bằng 1/3. Họ vẫn thường được ăn những thứ xa xỉ thời gian khổ ấy như sữa, gà tây, súp thịt hầm. Bà Trần Thị Nghiên - người chuyên cung cấp thực phẩm cho nhà tù phi công Mỹ kể rằng: "Mua thức ăn cho quân ta, chỉ cần chất lượng điểm 6 là được rồi, nhưng mua cho phi công Mỹ, chất lượng phải đạt chuẩn 10. Thời đó, tôi đội mưa bom, bão đạn, đi tận từng làng để đặt mua đồ ăn ngon nhất, phục vụ họ. Thức ăn thường xuyên là gà tây, thịt bò, chuối tiêu...".
 
Thời đó, bộ đội và nhân dân ta còn phải ăn sắn độn khoai mới no. Thế nhưng, chúng ta vẫn dành một chế độ đặc biệt đối với các tù binh Mỹ. "Bởi đó là vốn quý, để sau này chúng ta có thể đấu tranh trên mặt trận ngoại giao với địch. Đó là một nhiệm vụ đặc biệt".
 
Hoạt động của các tù binh phi công Mỹ ở trại giam Hỏa Lò
Hoạt động của các tù binh phi công Mỹ ở trại giam Hỏa Lò
 
Không những đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt, các tù binh Mỹ ở Việt Nam còn được đáp ứng nhu cầu tinh thần. Hàng ngày họ ra sân phơi nắng, chơi bóng chuyền, bóng rổ, đọc sách báo. Đặc biệt, những ngày lễ quan trọng như ngày Độc lập, ngày lễ Tạ Ơn, Noel... tôn trọng tín ngưỡng của tù binh, trại còn mời cả mục sư Bùi Hoàng Thử đến làm lễ theo nghi thức tôn giáo của họ. Rồi còn đưa tù binh Mỹ đi thăm quan Văn Miếu, chùa Một Cột, Hồ Hoàn Kiếm... vừa thay đổi không khí, vừa để cho họ có cơ hội hiểu về Việt Nam.
 
Ông Đặng Xuân Xiêm- Tổ phó quản giáo trại giam Hỏa Lò từ 1970-1973 kể: Ông hỏi những tù binh rằng, vì sao lại đến Việt Nam. Trong đầu họ gần như không có khái niệm gì về mảnh đất này, họ chỉ chấp hành mệnh lệnh của chính phủ và lên đường mà thôi.
 
Ông Đặng Xuân Xiêm trả lời phỏng vấn
Ông Đặng Xuân Xiêm trả lời phỏng vấn
 
Có một câu chuyện thú vị, Đại tá Trần Trọng Duyệt kể lại hào hứng: "Thời đó, tôi còn cho tù binh Mỹ đi đóng phim. Bộ phim “Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn” của Bộ Công an, sử dụng hai phi công Mỹ vào vai cố vấn Mỹ ở Sài Gòn, một trung tá và một đại tá. Nhưng có một chi tiết buồn cười là từ đầu đến cuối bộ phim, hai vị này chỉ mặc độc một bộ quần áo. Sau này xem phim, hai ông bảo, phim hay, nhưng ông cho tôi đóng vai đại tá Mỹ nghèo nhất thế giới, chỉ có một bộ quần áo".
 
Chuyện con mèo của nữ tù binh duy nhất ở Hỏa Lò
 
Đó là khoảng giữa năm 1971, Đại tá Trần Trọng Duyệt nhớ lại một kỷ niệm thú vị trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Ông nhận được chỉ thị của Tổng cục Chính trị, phải đảm bảo chế độ đặc biệt cho nữ tù binh duy nhất. "Cô ấy tên là Monica, nguyên là sĩ quan quân y trong quân đội Mỹ, gốc Đức, dáng người mảnh mai, xinh đẹp. Lúc đó, chúng ta đang cần sự ủng hộ của các nước đồng minh, nên việc giam giữ nữ tù binh này rất quan trọng. Tôi đã bố trí cho Monica một phòng riêng, rộng khoảng 10m, kê một chiếc giường hộp (loại giường này chỉ dùng cho cấp tá quân đội ta), với đầy đủ ấm chén, phích nước và một lọ hoa. Lúc đầu Monica không chịu. Cô ta tuyệt thực. Các đồng chí quản giáo giải thích như thế nào cô cuũng chỉ khóc lóc và đưa ra lý do, không thích ở một mình vì phòng đó xấu và sợ ma". Chính đại tá Trần Trọng Duyệt đã phải trực tiếp gặp và dẫn Monica lên phòng làm việc của mình xem và nói: "Cô xem, tôi là trại trưởng, tôi cũng phải ở phòng không hơn phòng của cô, thậm chí không có lọ hoa. Vậy cô muốn gì nữa đây".
 
Từ đó, cô gái ngoan ngoãn đồng ý và lúc nào gặp Đại tá Duyệt cũng vui vẻ.
 
Những ngày ở trong trại Hỏa Lò, nữ tù binh này được chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Lần đầu tiên, Đại tá Trần Trọng Duyệt đã cử một cậu lính trẻ đi mua đồ dùng cá nhân thiết yếu, thậm chí cả mua sắm "phụ tùng" cho Monica. Người lính trẻ chưa vợ, xấu hổ, đi lùng cả Hà Nội, nhiều lúc ngượng đỏ chín mặt.
 
"Hình như cô gái đó rất có cảm tình với tôi. Có những lúc, tôi còn dẫn Monica đi dạo phố, qua Thủy Tạ, lên Hàng Ngang, Hàng Đào. Lúc đó, chúng tôi đi bên cạnh nhau như một đôi tình nhân". Lần đó, ông Duyệt và Ban chỉ huy trại còn bị nhắc nhở là "thiếu tinh thần cảnh giác".
 
Có một câu chuyện thú vị về cô gái này. Đó là lá thư Monica viết cho ông Trần Trọng Duyệt để xin nuôi một con mèo làm bạn. Lá thư viết một bên tiếng Đức - một bên bằng tiếng Anh, chữ nhỏ li ti và rất thẳng hàng. Monica viết:  "Kính gửi ông chỉ huy
 
Từ tháng 12 năm 1971, tôi đã xin phép nuôi một con mèo. Tôi rất thích động vật, nhất là loài mèo, vì vậy tôi rất vui vì nhà cầm quyền cho phép. Tôi cho rằng, đối xử như vậy là nhân đạo, dù là hành động nhỏ, nhưng rất văn minh, biểu lộ chính sách khoan hồng, nhân đạo của nhà nước Việt Nam..."
 
Sau đó, Monica được nuôi mèo, cô ta rất vui. Lá thư của Monica đang được lưu giữ tại Phòng trưng bày hiện vật tù binh phi công Mỹ ở Hỏa Lò. Rất tiếc, Đại tá Trần Trọng Duyệt không có tấm ảnh nào chụp với nữ tù binh duy nhất của trại Hỏa Lò. Đã 30 năm trôi qua, Đại tá Trần Trọng Duyệt vẫn nhớ ánh mắt chớp chớp của Monica tại sân bay quay lại nhìn ông lần cuối trước khi về nước. "Như một cuộc chia ly. Tôi nghĩ, cô gái có tình cảm đặc biệt với mình. Lúc đó, tôi chợt nhớ đến bộ phim Người thứ 41- Một bộ phim nổi tiếng vì sự cảm hóa của cái đẹp đã xóa nhòa ranh giới giữa kẻ thù. Tôi nghĩ, tình cảm con người, đã vượt lên khỏi giai cấp, thù hận".
 
Rất nhiều, những câu chuyện về tù binh phi công Mỹ ở Việt Nam được tiết lộ một cách đầy đủ và hệ thống trong cuốn sách của nhà văn Đặng Vương Hưng, qua lời kể của các nhân chứng. Những câu chuyện đã thuộc về quá khứ, nhưng góp thêm cái nhìn về một góc khuất của lịch sử.
 
Số phận của những tù binh Phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam luôn là một câu hỏi lớn. Họ bị bắt làm tù binh, giam giữ ở đâu? Họ được ăn ở, sinh họat và đối xử như thế nào? Phía Mỹ đã tố chức một cuộc tập kích đường không quy mô và rất kỳ công để giải cứu những tù binh nhưng bất thành ra sao? Tác giả cuốn sách Phi công Mỹ ở Việt Nam (Nhà xuất bản Công an Nhân dân) - nhà văn Đặng Vương Hưng đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhân chứng, tài liệu lưu trữ "tuyệt mật" một thời của cả phía Việt Nam và phía Mỹ. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, cuốn sách muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía, góp phần làm sáng rõ những bí ẩn của lịch sử, với những chuyện còn ít biết về Tù binh phi công Mỹ ở Việt Nam, những chi tiết đời thường thú vị, nhưng mang tính nhân văn sâu sắc.

 

CSTC

Các tin khác