Phóng sự

Bạc lắm nghề vàng

16:18, 18/12/2013 (GMT+7)

Rất khó để tiếp cận với các “bưởng” vàng, vì họ luôn giữ thế cố thủ và  nghi kỵ với mọi  người. May mắn, trong chuyến đi Minh Lương lần này, nhờ một mối "thân tình" đặc biệt, chúng tôi gặp một số “bưởng”, có thâm niên làm vàng nhiều năm ở Lào Cai. Câu chuyện của “bưởng”, có phần phũ phàng, nhưng đó là sự thật của những kẻ đi tìm giấc mơ vàng.

Chuyện của những “bưởng” vàng

Xuống núi trong trạng thái rã rời chân tay. Nhưng cái mệt vì tinh thần chẳng thấm vào đâu khi chứng kiến, nghe kể về những cái chết thảm của phu vàng. Ngay ở Minh Lương - Văn Bàn, cuộc sống của người dân quanh quẩn ở bãi vàng này, không biết bao giờ mới thoát ra. Một ngày vạ vật ở Minh Lương, tôi chứng kiến cảnh, những người đàn ông dặt dẹo đi lại trong thôn. Không khí ảm đạm, nghi kỵ vẫn bao trùm lên mảnh đất nhỏ bé này. Từ khi cái tên Minh Lương nổi lên trên bản đồ khai thác vàng lậu, thì người dân ở đây cũng khốn khổ vì vàng.

Dân Nà Lộc, Văn Bàn đổ xô lên núi kiếm vàng. Ngày đó thanh niên cả thôn bị nghiện, tiêm chích, chết cống, chết rãnh rất nhiều. "Nhiều gia đình, cả 3 anh em đi đào vàng, chết cả ba, không phải tai nạn, mà vì nghiện. Kẻ chết dọc đường, kẻ rơi xuống núi, nói chung là thảm. Nhiều gia đình ở Văn Bàn, Nà Lộc tiêu điều vì vàng". Đức, một thanh niên trong làng thở dài.

"Tỷ lệ thanh niên nghiện ở Minh Lương giờ cao nhất Lào Cai. Ngày trước dân ở đây lên đào vàng. Nhưng bây giờ, 80% là dân ngoài đến, dân Minh Lương chỉ đi mót, vì nghèo, không có tiền đầu tư. Ngày trước, mặt trên còn kiếm dễ một tí, giờ ở độ sâu 100m rồi, phải đầu tư máy móc nên gần như bán hết cho đội Thái Nguyên. Chủ trước bán cho chủ sau, giang hồ bán cho nhau theo luật giang hồ chứ không có ai quản lý. Có những hố vàng, bán cho nhau lên tới 500, 600 triệu chứ chẳng chơi".

Khai thác vàng ở rừng Vầu - Minh Lương, Lào Cai.
Khai thác vàng ở rừng Vầu - Minh Lương, Lào Cai.

Cái xã bé tẹo và nghèo đói này mà có đến 10 hiệu vàng. Hoàng, một “bưởng”  khai thác vàng lâu năm ở Minh Lương kể: "Giờâ hội làm vàng lẫn sâu vào rừng Vầu, rừng Xanh, tiền rơi vào túi các bưởng, nếu dân đi làm thuê thì không bao giờ biết chủ là ai. Tiền lương cũng chẳng được nhận trực tiếp. Dân chỉ thiệt hại là nhiều thôi. Nghiện ngập, ma túy, đủ các tệ nạn ở bãi vàng. Mấy năm nay, hóa chất làm ô nhiễm nguồn nước, người thì chưa thấy ốm đau chứ trâu bò chết trôi sông liên tục. Nguồn nước ở đây không dùng được nữa, phải dẫn nước từ Nậm Xé về. Nước chảy từ trên núi xuống, mang theo chì, và nhiều hóa chất độc hại, vàng cả sông".

Hoàng là một chủ “bưởng” có thâm niên 10 năm ở Minh Lương. Từng chinh chiến rừng Vầu, rừng Xanh, sang cả Nậm Xé, Mù Căng Chải... Bên chén rượu, trong ngôi nhà dân tộc Tày truyền thống, Hoàng say sưa kể về cuộc đời chinh chiến của mình. "Hồi đó, đi bộ đội, xuất ngũ trở về, chẳng có việc gì làm,  anh em chúng tôi rủ nhau đi làm ăn. Đầu tiên chỉ nghĩ, đi tìm vận may, lấy chút vốn liếng làm ăn. Ai dè, càng làm càng mê.

Làm vàng rủi ro nhiều lắm. May ít hơn. Cả đời tôi cứ đi săn, với hy vọng mình trúng số độc đắc. Giờ già rồi, cũng sợ núi rừng nên rút về, làm loanh quanh địa bàn kiếm sống qua ngày thôi". Hoàng nhỏ thó, có vẻ khôn ngoan của một kẻ trải đời, nhưng cũng có cái lành hiếm thấy của những kẻ từng tung hoành dọc các bãi vàng miền Bắc này.

"Nghề vàng bạc lắm. Kẻ may, trúng “ục”, thì cười phớ lớ. Mà trúng “ục”, không cẩn thận lại lắm kẻ rình mò, tranh giành, giết nhau như chơi. Có kẻ cả đời, chỉ đủ ăn. Rồi chết chóc, nghiện ngập. Đời tôi làm vàng chứng kiến nhiều trận kinh hoàng. Có những vụ sập hầm, nghe thấy tiếng người kêu cứu mà không thể cứu được vì đất đá lấp sâu quá. Giờ, hầm sâu hơn 20m, sập thì chỉ có nước chết mà thôi. Có lần đào vàng còn tìm thấy xác người, gọi chính quyền lên mang về. Chắc do dân tự moi và sạt nên chết. Còn thời tôi làm ở Mù Căng Chải, người ở đó chết oan nhiều lắm, rơi xuống núi, mất tích là chuyện thường".

 Tài sản còn lại của “bưởng” vàng sau trận sạt lở ở Minh Lương.
Tài sản còn lại của “bưởng” vàng sau trận sạt lở ở Minh Lương.

“Bưởng vàng”, chẳng phải ai cũng ăn sung mặc sướng. Trúng "ục" thì phất nhanh, nhưng không may sập hầm, nhiều khi chết cả chủ lẫn phu vàng thì chẳng ai biết mà tìm. Thậm chí, phu vàng chết nhiều, không có tiền đền, vỡ nợ thì cũng bỏ trốn luôn. Thế nên, chuyện những phu vàng ra đi không trở về là chuyện thường tình. Phu nhặt dọc đường, thì đừng có nói đến chuyện tìm kiếm, mang xác về đền bù cho gia đình. Những người mà họ về lấy tận nơi thì may ra mới mang xác về trả.

Theo lời anh Hoàng, "bưởng" vàng địa phương Minh Lương đều gác kiếm cả vì không có đủ tiền, "không lại được" với những “bưởng” từ Thái Nguyên về. Hoàng theo nghề 10 năm, chinh chiến vùng sâu, vùng xa, thuộc đủ mọi mánh lưới của dân đào vàng, nhưng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống bình thường. "Chả được cái gì cả. May là đến bây giờ vẫn còn được yên". Hỏi vì sao rủi ro thế, không bỏ đi làm nghề khác. Hoàng cười: "Nó như một niềm đam mê ấy". Giấc mơ vàng như một cơn ảo mộng của những kẻ đi tìm sự may rủi của số phận.

Không từ bỏ giấc mơ đổi đời

Rất nhiều câu chuyện trên bãi vàng, như một xã hội thu nhỏ. Ở đó cũng có chuyện tranh giành lãnh địa, thanh toán nhau theo luật giang hồ. "Mỗi bưởng vàng sẽ xác định chủ quyền của mình, kẻ nào xâm phạm sẽ bị xử lý theo luật giang hồ. Nhiều khi đào sâu, vô tình gặp nhau trong hang sâu, có thể đánh nhau tranh giành, chết người... Hoặc sẽ thỏa thuận ăn chia. Nói chung, kẻ mạnh bao giờ cũng nắm đằng chuôi". Khi tôi có ý định thâm nhập bãi vàng lậu ở Minh Lương để viết bài, thì Hoàng ngăn: "Không ai đảm bảo được tính mạng cho chị ở một nơi như thế. Nghiện ngập, ma túy, đủ các tệ nạn, nguy hiểm tính mạng... Có những cái chết rất thảm, chẳng biết ai, quê quán ở đâu, mất xác trong rừng sâu".

Rồi khi đã la đà men rượu, Hoàng kể: "Nhiều “bưởng” cho phu vàng dùng ma túy khi mệt mỏi để lấy sức làm việc. Rồi họ nghiện, chúng buôn ma túy lên bãi, bán cho phu. Tiền lương còn chẳng đủ để trả tiền thuốc".

 Tài sản còn lại của “bưởng” vàng sau trận sạt lở ở Minh Lương.
Tài sản còn lại của “bưởng” vàng sau trận sạt lở ở Minh Lương.


"Thế phu vàng chết, ai là người chịu trách nhiệm". "Chẳng có ai chịu trách nhiệm cả, thỏa thuận một khoản tiền với gia đình là xong. Ngày xưa, thường khoảng 100 triệu đồng, còn bây giờ mỗi xác 175 triệu. Đó là “bưởng” về tận quê săn phu. Chứ phu nhặt dọc đường, thì còn lâu nhé, chết mất xác là chuyện thường ngày. Như vừa rồi, số người chết trong vụ sạt lở vàng ở rừng Vầu và rừng Xanh ở Minh Lương, chắc chắn không dừng lại ở con số 12 người. Có chuyện, họ chuyển xác chết xuống núi vào ban đêm, các cơ quan chức năng không kiểm soát được.

Tôi được biết, có hầm sập cả lò, chết rất nhiều. Đó là những gia đình có thỏa thuận. “Bưởng” mà gặp đận xui xẻo thế coi như là toi, còn làm ăn gì nữa. Nhiều “bưởng” cũng phải bỏ xứ mà đi. Tôi may mắn làm cùng mấy anh em, bắt chuột nhỏ thôi, lại là dân bản địa, quá thông thuộc địa hình thời tiết, nên đỡ rủi ro".

Câu chuyện Hoàng kể, khiến chúng tôi sửng sốt. Sau trận sạt lở kinh hoàng, chính quyền địa phương cùng công an huyện Văn Bàn đã mở nhiều đợt truy quét. "Nhưng những bưởng vàng có máu mặt nhiều mánh khóe, chúng trốn vào rừng sâu. Phu vàng đi làm ở rừng Vầu, rừng Xanh không đăng ký tạm trú, tạm vắng, nên không thể quản lý được. Còn ở địa bàn xã, chỉ khám nghiệm có 2 tử thi, và xác nhận chỉ có 2 người chết thôi", Phó Trưởng Công an xã Minh Lương nói.

Câu chuyện bật mí của “bưởng” Hoàng khiến chúng tôi hoang mang. Chúng tôi đi tìm về Thái Nguyên, gặp Hải trạch, một “bưởng” có tiếng ở Thành phố vừa thất trận trở về. Lán của Hải bị sập trong đận mưa tháng 9, 4 người chết, trong đó có một người họ hàng. Gần 60 tuổi, trông Hải vẫn còn hăng chiến. Trong vai một người cô đi tìm đứa cháu bị mất tích, không còn ai thân thích, chúng tôi đến nhà Hải khi anh ta đang tạm thời gác kiếm. Vàng đeo đầy người, Hải có vẻ cảm thông: "Tôi định gác kiếm, trở về. Vụ vừa rồi, đền ốm người. Toàn làng xóm cả. Phải đền bù cho người ta. Nhưng nói chung nghề vàng bạc".

"Chị muốn tìm người nhà thì phải biết nó làm cho ai, ở đoạn nào. Chứ mênh mông, mịt mù thế tìm sao được. Mỏm đồi rừng Xanh, rừng Vầu trận mưa hồi tháng 9 sạt nhiều hơn, chết nhiều lắm. Trên đó là đồi đất, bên dưới là gạch, mưa nhiều quá, đất nhão trôi tuột, cuốn theo cả người. Rất nguy hiểm. Đi làm, coi như đánh bạc vậy thôi. Đận này, tôi phải đền 4 mạng người, máy móc hư hỏng hết. Coi như là xôi hỏng bỏng không.

Trong rừng Xanh, địa bàn nguy hiểm, nhiều người bị vùi sâu mấy tầng đất, không bới lên được. Nhiều thằng chủ bỏ của chạy lấy người. Tôi ở bên rừng Vầu, nghe nói bên kia chết nhiều lắm. Chị muốn tìm người nhà, mà thông tin như thế này thì mì kim đấy biển à. Phải biết làm với ông chủ nào thì may ra mới mò được. Chúng tôi toàn con cháu trong nhà đi làm, vụ vừa rồi coi như mất trắng, hỏng hết máy móc, trắng tay. Chính quyền địa phương không thể biết được bao nhiêu người chết đâu, vì đông thế, họ có quản lý được đâu".

Những sự thật mà  “bưởng” Hoàng và Hải kể chỉ là một góc nhỏ trong thế giới đẫm máu và nước mắt của “giấc mơ vàng”. Ai quản lý những bãi vàng lậu đang diễn ra hàng ngày ở Minh Lương, khi những cái chết của người dân cứ rơi vào tăm tích. Dù UBND Tỉnh Lào Cai đã có thông báo chính thức 12 người chết, nhưng liệu đó đã phải là con số cuối cùng. Câu hỏi đó, vẫn còn để ngỏ, khi chính quyền Minh Lương, Văn Bàn vẫn đang bất lực trước nạn vàng lậu ở đây.

CSTC

Các tin khác