Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201401/dich-vu-an-co-thue-di-nguoc-gia-tri-truyen-thong-442988/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201401/dich-vu-an-co-thue-di-nguoc-gia-tri-truyen-thong-442988/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dịch vụ "ăn cỗ thuê": Đi ngược giá trị truyền thống - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 19/01/2014, 09:34 [GMT+7]

Dịch vụ "ăn cỗ thuê": Đi ngược giá trị truyền thống

Người ta hay đùa với nhau rằng, có tiền thuê gì cũng được, thậm chí "thuê chết". Câu chuyện tưởng như đùa đó lại đúng ở cái thời đại "thời gian luôn quý hơn vàng" này. Và một trong những dịch vụ được coi là hot hiện nay đó là nghề "ăn cỗ thuê" cũng được liệt vào danh sách những nghề chỉ có ở Việt Nam. Trước kia, người ta đến dự đám cưới nhau như để chung vui, để mừng cho cái ngày trọng đại thì nay nó lại thành "nghĩa vụ", "trả nợ" nhau.

Đánh nhanh, rút gọn

Trong một đám cưới người bạn học cùng đại học, vô tình tôi gặp cậu em họ, mừng như bắt được vàng. Phần vì anh em lâu ngày không gặp nhau, phần vì vớ được họ hàng trong một đám cưới "thiên hạ". Thế nhưng, thái độ lạnh nhạt như không quen của cậu em khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Nhưng rồi sau đó tôi nhận được tin nhắn của cậu ta với nội dung: "Xong đám cưới, anh em nói chuyện sau. Em bận diễn". Hoài nghi của tôi dần được cởi bỏ, thì ra cậu em đang thủ vai "một người đi ăn cỗ thuê". Cậu tên Thao chia sẻ: "Ăn cỗ thuê bây giờ đang là nghề khá phổ biến trong sinh viên đấy, anh không biết à. Mấy tháng trước em có nói với anh rằng em đã tìm được việc làm thêm, là nghề này đấy".

Quá tò mò với cái nghề "được ăn, được nói, được gói mang về" này, tôi nhờ cậu em mối lái "xin việc". Đặc thù của nghề này là phải biết diễn, ăn nói tốt, tuổi tác cho vai diễn là đa dạng. Tôi đến một trung tâm tổ chức sự kiện nằm trên đường Quang Trung (quận Hà Đông) theo lời giới thiệu của Thao. Người đàn ông đạo mạo tên Sỹ Cường tiếp tôi trong chớp nhoáng bằng vài lời dặn dò và không quên nhắc để lại số điện thoại. "Nói chuyện với cậu vài câu, tôi biết cậu hoàn toàn có khả năng đi "ăn thuê" được rồi. Cậu chỉ việc để số điện thoại và vài thông tin cho chúng tôi. Có vụ nào phù hợp tôi sẽ cho nhân viên a lô" - Giám đốc Cường nói ngắn gọn.

Qua tìm hiểu, nghề "ăn cỗ thuê" mới chỉ xuất hiện trong vòng 1 năm nay và nở rộ vào những tháng cuối năm. Những người thuê chủ yếu là người "đói" thời gian, bận rộn. Vì những mối quan hệ làm ăn, tình cảm mà họ không thể bỏ đám cưới này đi đám cưới khác. Vậy là "cầu" xuất hiện tất yếu "cung" cũng ra đời. Tuy nhiên, những người "đói" thời gian này thường có chức sắc, có những mối quan hệ danh giá. Chính vì thế, việc tuyển người ăn cỗ thuê phải đạt được những tiêu chuẩn: Không quá xấu, ăn nói trôi chảy, hiểu biết xã hội… Trung tâm tổ chức sự kiện chỉ đóng vai trò môi giới và ăn phần trăm. Sau khi nhận được mối, hai bên tự làm việc với nhau về giá cả. Giám đốc Cường nói với tôi giọng động viên: "Từ trước tới giờ người ta vẫn coi miếng ăn là không được đẹp. Thế nhưng, nghề nào chẳng có cái khó, cái khổ của nó. Làm vài lần là quen thôi. Em vừa được ăn, vừa được nói, lại còn có tiền mang về nữa".

 Người ăn cỗ thuê chỉ phải cười nói, ăn uống là có tiền.
Người ăn cỗ thuê chỉ phải cười nói, ăn uống là có tiền.


Kinh nghiệm của những diễn viên đóng thế này là luôn phải sử dụng chiến thuật "đánh nhanh rút gọn". Thường thì họ sẽ phục gần khu vực có tiệc cưới, chờ đến gần sát giờ tổ chức hôn lễ mới xuất hiện. Các diễn viên đóng thế này chỉ cần vào bắt tay với gia chủ và giới thiệu ngắn gọn thay mặt ông A, bà B, sau đó nhanh chóng bỏ phong bì mừng, tìm địa thế kín đáo để dự tiệc. Đặc biệt khi ăn cũng phải diễn sao cho đạt, thần thái phải đĩnh đạc, vui vẻ. Khi có người đến mâm chúc tụng cũng phải cầm ly bia, rượu nâng lên đặt xuống phụ họa. Thái nói đầy vẻ kinh nghiệm: "Lúc ăn thì phải thể hiện sự thư thái như đi dự tiệc. Nhưng phải rút thật nhanh, tránh bắt chuyện lôi thôi. Nếu không cẩn thận sẽ gặp người quen thành ra phức tạp".

Nghề "được ăn, được nói, được gói mang về"

Thấy đây quả là một dịch vụ kỳ lạ nên tôi đã ngỏ lời xin Thái số điện thoại những người bạn của cậu ta cũng đang làm thêm công việc này. Người đầu tiên mà tôi liên lạc là Nguyễn Thị Hà (quê Văn Giang, Hưng Yên). Hà đang học năm cuối Đại học Thương Mại, Hà Nội. Mặc dù chỉ liên lạc qua điện thoại nhưng giọng nói ngọt ngào, lảnh lót của Hà rất dễ khiến người nghe cảm tình. Tôi tự giới thiệu mình cũng là sinh viên, nhờ một người quen giới thiệu nên biết Hà đang làm thêm nghề "ăn cỗ thuê đám cưới".

Khi tôi bày tỏ nguyện vọng cũng muốn được làm cái công việc "vừa được ăn, được nói lại được gói mang về", Hà rất cởi mở chia sẻ. Hà bảo với tôi, nếu thực sự có nhu cầu thì sắp xếp thời gian, Hà sẽ đưa tôi đến gặp ông chủ tổ chức sự kiện trên đường An Dương. Tôi đồng ý. Hỏi Hà, làm công việc đó có khó lắm không thì được trả lời rằng: "Dễ thì rất dễ nhưng mà khó thì cũng rất khó. Bởi công việc không chỉ là đến đó bỏ phong bì và ăn uống mà còn phải diễn sao cho như thật. Mà muốn diễn đạt thì bắt buộc phải thuộc thân nhân của gia đình cô dâu, chú rể, chứ nếu ú ớ sẽ rất dễ bị hớ".

Người đàn ông tên Tùng được biết đến như một chuyên gia ăn cỗ thuê.
Người đàn ông tên Tùng được biết đến như một chuyên gia ăn cỗ thuê.


Chia sẻ kinh nghiệm một hồi, Hà hỏi tôi liệu có thực sự muốn làm công việc này hay không. Khi thấy tôi đùa bảo: "Nếu theo như bạn nói thì mình thấy công việc này cũng ngon ăn đấy chứ" thì được Hà cảnh báo: "Nghe thì tưởng vậy thôi chứ không đơn giản vậy đâu. Có những khách hàng dễ tính, họ chỉ cần có người đến "điểm danh" tại đám cưới được mời nên tất cả giao dịch chỉ cần thông qua người môi giới thôi. Nhưng ngược lại, có những khách hàng họ kỹ tính lắm. Họ xin số điện thoại của mình rồi dặn dò đủ thứ về đám cưới mà mình sẽ đến dự. Chưa yên tâm, gần sát ngày đi đám cưới, họ còn điện thoại kiểm tra lại xem mình đã thuộc bài hay chưa. Nếu mình trả lời ấp úng là họ sẵn sàng hủy hợp đồng đấy chứ chẳng đùa đâu".

Không chỉ có những quan chức bận trăm công nghìn việc hay những doanh nhân tối mắt với những hợp đồng, nhậu nhẹt mới có nhu cầu tìm đến dịch vụ thuê người đi ăn cỗ thay mình. Trên thực tế, còn có cả những gia đình khi tổ chức hôn lễ cho con, vì nhà neo người, khách mời thưa thớt nên cũng tìm đến dịch vụ này để thuê người. Những trường hợp như thế họ thuê không phải là một người mà có khi lên tới vài chục người để đám cưới được đông đúc, xôm trò. Nực cười là, gia chủ ngày hôm đó không chỉ mất tiền thuê người đến dự đám cưới mà còn tốn một khoản tiền không nhỏ cho những mâm cỗ phát sinh phục vụ cho những khách mời không quen biết này. Người được hưởng lợi nhiều nhất khi đó chính là những "ông mối, bà mối" của dịch vụ lạ đời này.

Trở lại với những nhân vật đóng thế bất đắc dĩ, tôi tiếp tục điện thoại tới một "diễn viên" nam khác - người mà em họ tôi đã cho số. Đó là Thành Nam, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Cũng với những lời như đã nói với Hà tôi trình bày lại với Nam. Ban đầu Nam từ chối không công nhận anh ta đang làm thêm công việc đó. Sau nghe tôi tha thiết nói về sự đồng cảm cùng là sinh viên, cuộc sống khó khăn nên muốn làm thêm để có thêm chút ít trang trải cuộc sống Nam đã chấp nhận chia sẻ.

Nam nói, Nam làm thêm việc này cũng là do được một người bạn giới thiệu. Thu nhập tùy thuộc vào việc nhận được nhiều hợp đồng hay ít và khoảng cách từ nhà đến nơi tổ chức hôn lễ xa hay gần. Có tháng vào mùa cưới,  Nam chạy sô, thu nhập cũng lên tới xấp xỉ 4 triệu đồng. Số tiền này so với một sinh viên là không hề nhỏ chút nào.

Khi tôi tỏ ra lo lắng việc nếu lỡ chẳng may bị người ta phát hiện mình là khách không mời mà đến thì được Nam trấn an: "Không đến mức thế đâu. Thứ nhất đám cưới đông đúc nên gia chủ cũng không để ý lắm đâu. Hơn nữa người này lại cứ nghĩ đấy là khách của người kia. Bố mẹ thì tưởng là khách của con. Con lại tưởng đấy là khách của bố mẹ nên chẳng ai phát hiện ra đâu". Nam còn hướng dẫn tôi chỉ cần bỏ tiền vào phong bì, tay bắt mặt mừng và nâng ly nhiệt tình chúc mừng hạnh phúc cô dâu chú rể thế là hoàn thành nhiệm vụ.

Có cầu ắt sẽ có cung. Nghĩ cũng lạ, với một xã hội hiện đại khi mà những giá trị truyền thống đã không còn được xem trọng thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

.

CSTC