Thông tư 26/2013 của Bộ LĐ-TB&XH có hiệu lực từ ngày 15/12, quy định 77 công việc phụ nữ không được làm. Theo Bộ LĐ-TB&XH đây là những quy định thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với phụ nữ nhằm đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của chị em. Nhưng những quy định đó không phù hợp với thực tế, khi phần lớn những người phụ nữ lao động phổ thông đều không có quyền lựa chọn công việc. Họ đang làm bất cứ việc gì, kể cả nặng nhọc, vất vả, thậm chí đánh cược cả tính mạng mình để mưu sinh.
Cô Hân khom lưng vác hàng băng qua phố rồi biến mất trong một cái ngõ rất sâu của Hà Nội |
Ngơ ngác với thông tư
Với hầu hết phụ nữ lao động nông thôn, kiếm được một công việc làm, để duy trì sống qua ngày đã là một may mắn. Thế nên, lựa chọn công việc đối với họ còn là một việc quá xa xỉ. Hiện nay, tỷ lệ lao động nữ nông thôn chiếm 50% trong số 70% lao động nông nghiệp ở nước ta. Những người phụ nữ mà chúng tôi gặp, đều nai lưng, kiếm sống vì gia đình, nuôi con ăn học, thậm chí chỉ để qua ngày đoạn tháng. Họ trình độ thấp, không được học hành, không có nghề nghiệp. Không lao động, dù là lao động nhọc nhằn, đối với họ, đồng nghĩa với đói khổ. Những người lao động mà chúng tôi gặp, họ đều không biết gì đến thông tư quy định 77 việc phụ nữ không được làm. Hỏi ai cũng ngơ ngác, không quan tâm hoặc ngạc nhiên, không làm thì lấy gì mà sống. Với họ, công việc không có nhiều sự lựa chọn.
Chẳng ở đâu xa, mà ngay giữa Hà Nội, chợ đầu mối Long Biên, những ngày lạnh buốt da thịt này, nhiều chị em phụ nữ vẫn phải thức đêm 1-2h sáng, đợi những chuyến xe tải chở hàng về, tranh thủ làm mấy cuốc gánh thuê. Họ là lao động chính trong nhà. Xa quê, gửi con cho ông bà, lên Hà Nội, sống dựa vào nghề gánh thuê. Tôi đã từng chứng kiến, những bao tải hàng nặng 50-70kg đổ sập trên tấm lưng bé nhỏ của các chị lao động trong xóm nghèo này. Chị H, 37 tuổi, quê Hà Nam, lao động tự do tại chợ hoa quả đầu mối Long Biên. Chồng mất trong một vụ tai nạn, để lại chị một nách 2 con lại mang bầu tháng thứ 4.
Chị H. ngậm ngùi: "Đồng ruộng người ta lấy làm nhà máy hết rồi, tôi đành gửi con lại cho ông bà, lên đây kiếm sống. Bố mẹ tôi già yếu, chỉ làm được mấy việc lặt vặt trong nhà. Cả nhà 4 miệng ăn, chỉ trông chờ vào tiền làm thuê, bốc vác của tôi trên này. Hồi mới có thai, mấy tháng đầu, tôi ốm quá, nằm bẹp ở nhà. Nhưng nằm mà nhìn cả nhà đói rạc cả, sốt ruột lắm. Tôi cố bò đi làm để còn có đồng ra đồng vào. Chứ ngồi nhìn nhìn nhau có mà chết".
Mang bầu tháng thứ 4, chị H. vẫn nhanh thoăn thoắt. Ai thuê việc gì chị cũng làm, từ bốc vác, xếp hàng, chở thuê… Nếu hàng nặng quá thì mấy chị em xúm vào giúp nhau. "Xa nhau, chung hoàn cảnh, thấy tôi bụng mang dạ chửa, họ cũng thương tình. Nhưng việc mang vác 20-30kg là chuyện thường tình. Không làm thì lấy gì mà ăn".
Cô Lê Thị Hân, 47 tuổi, quê Thường Tín, Hà Nội, làm nghề bốc vác thuê ở chợ Đồng Xuân. Nhà có 2 đứa con tuổi ăn học, ở cùng ông bà, chồng đi làm ăn xa. Một năm chỉ có 2 vụ cấy. Hết vụ, cô lên đây tìm việc làm kiếm thêm thu nhập. Cô thuê chung nhà với những người khác có cùng hoàn cảnh với mình. Thu nhập thất thường, hôm có nhiều người thuê thì được khoảng 200 nghìn đồng. Hôm không may mắn thì được vài chục nghìn đồng.
Những cảnh thường gặp tại khu chợ Đồng Xuân |
"Về quy định 77 công việc không được sử dụng lao động nữ mà Bộ LĐ-TBXH mới đưa ra, có nội dung cấm các việc phải mang vác nặng trên 50kg (phụ nữ bình thường) và trên 20kg (phụ nữ mang thai), và phải bò, cúi, khom người, tôi chưa hề nghe nói. Mà cho dù có nghe nói, tôi cũng không quan tâm vì với những người lao động tự do không có trình độ như chúng tôi thì không có quyền lựa chọn công việc, nói gì mình không được làm cái này cái kia. Dù nặng nhọc tới mấy, 50kg chứ 100kg, tôi cũng làm, miễn là có tiền. Có khi, người ta thuê mình vác các bao tải quần áo hàng tạ. Lắm lúc cũng mệt lắm nhưng xoay xở một lúc rồi cũng xong. Tôi làm ở đây lâu lắm rồi, có vấn đề gì đâu. Cứ đưa ra quy định này nọ, làm khổ dân nghèo".
Trước khi cô cúi xuống khuân hàng, cặm cụi băng qua đường rồi biến mất vào cái ngõ sâu bên trong phố, có một người đàn bà đứng cạnh đó than thở: "Cái thời này, đều là dân tự do. Cả phố này đều thế, không riêng gì chúng tôi".
Không làm thì lấy gì để sống?
Nhiều người hoang mang, lo lắng khi chúng tôi đề cập đến những nghề mà phụ nữ không được làm. Họ lo lắng, như một phần cơm áo hằng ngày sẽ bị tước mất. Nếu luật ban hành, nghĩa là họ sẽ không có cơ hội làm những công việc nặng nhọc mà họ vẫn làm, nhưng là cần câu cơm hằng ngày.
Trong danh mục 77 việc làm được không được sử dụng lao động nữ có nội dung ở xúc, sấy, vận chuyển cá thối hoặc làm trong dây chuyền sản xuất bột các gia súc. Chị Ngô Thị H., 42 tuổi, quê Nam Định, công nhân của một cơ sở sản xuất bột các gia súc, thức ăn chăn nuôi chia sẻ: "Khó khăn lắm tôi mới tìm được công việc làm. Dù lương lậu không cao nhưng số tiền đó cũng đủ để hai mẹ con nuôi sống nhau qua ngày. Sau khi nghiền ra thành bột, các công đoạn xúc, đóng gói, bốc vác ra là khâu hết sức bình thường. Tôi làm mấy năm rồi mà có sao đâu. Giờ họ không tuyển nữa thì chúng tôi biết lấy gì mà ăn. Bây giờ kiếm được việc làm có dễ đâu, thời buổi khó khăn này, tôi thấy lo lắng nếu quy định đó được thực thi. Mẹ con tôi lấy gì mà ăn”.
Không chỉ riêng chị H. mà rất nhiều người phụ nữ lao động mà chúng tôi gặp đều có một mối lo chung như vậy. Họ không quá bận tâm đến việc mình làm có nặng nhọc, độc hại hay không. Mà đơn giản, có một việc làm lương thiện để mưu sinh. Với họ, thế là đủ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thông tư này của Bộ LĐ-TB&XH không phù hợp với thực tế ở nước ta. Đành rằng, bảo vệ quyền và sức khỏe sinh sản của phụ nữ là điều cần thiết. Nhưng nhà nước chưa tạo được công ăn việc làm ổn định cho họ, thì làm sao lại nói đến chuyện cấm họ làm việc. Hầu hết những người phụ nữ này đều là lao động chính của gia đình. Họ không có lựa chọn về công việc. Thậm chí, họ phải đánh cược cả mạng sống để mưu sinh, kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con.
Có một câu hỏi đặt ra là: "Nhà nước có tạo ra công việc đầy đủ cho phụ nữ không mà quy định cấm, nếu trong số những công việc cấm này mà nhiều phụ nữ phải mất nguồn thu nhập chính thì phải làm sao đây? Liệu những người này nhà nước có cho họ việc làm để họ nuôi sống bản thân và gia đình không? Một văn bản thiếu tính khả thi. Tại sao lại ban hành? Tôi không hiểu mục đích của việc đưa ra 77 công việc phụ nữ không được làm là gì? Có phải muốn bảo vệ sức khỏe và tránh nguy hiểm cho chị em không? Muốn bảo vệ sức khỏe và an toàn cho chị em thì trước hết phải giúp lo cuộc sống của họ và gia đình họ, nếu nhà nước có đủ khả năng giúp việc đó thì mới được ra lệnh cấm, còn không giúp đươc mà cứ cấm thì chỉ đẩy nhiều chị em và gia đình họ đến chỗ khốn khổ mà thôi", ông Trịnh Hòa Bình nói.
Văn bản thì cứ ban hành. Và ngoài thị trường lao động tự do, những người phụ nữ vẫn phải gồng mình lên, làm bất cứ việc gì để kiếm sống hằng ngày.
Luật sư Trương Quốc Hòe - Văn phòng Luật Interla
Về mặt chủ trương, tôi ủng hộ Thông tư 26 của Bộ LĐ-TB&XH quy định 77 nghề phụ nữ không được làm, nhằm bảo vệ sức khỏe của các chị em phụ nữ. Đây là hành lang pháp lý phân công công việc cho phụ nữ Việt Nam trong điều kiện xã hội văn minh, nó thực sự cần thiết. Nhưng với thực tế ở nước ta, liệu thông tư đó có áp dụng được hay không còn là cả một vấn đề. Việt Nam có hơn 70% lao động nông nghiệp, trong đó, phụ nữ chiếm tới 50%. Với những người lao động tự do, ở nông thôn, thì họ không có sự lựa chọn về công việc. Nhiều người, gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên vai của họ.
Có nhiều người đặt ra vấn đề là đưa ra quy định này có ảnh hưởng đến quyền bình đẳng của phụ nữ hay không. Tôi cho rằng không. Vì quyền bình đẳng ở đây là bình đẳng trong cuộc sống và sự làm chủ bản thân. Còn quy định này mang tính định hướng cho các cơ quan sử dụng lao động nữ, nếu vượt qua những phạm vi cho phép thì sẽ bị xử phạt. Nhưng điều đáng nói, là với thực tế nước ta, phúc lợi xã hội chưa tốt. Lực lượng lao động nông thôn chiếm một số lượng lớn, nhưng không có chế độ chính sách gì, nhà nước chưa tạo được công ăn việc làm cho họ. Thế nên, việc áp dụng luật vào cuộc sống chưa khả thi. Nó phù hợp với những xã hội văn minh, điều kiện sống của con người được đảm bảo hơn.
|
.