Theo đó, tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tán thành cao với tên gọi Luật Căn cước, vì tên gọi này thể hiện đầy đủ các chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án luật, bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo Luật.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga thảo luận tại Hội trường. |
Đại biểu cũng cho rằng, tên gọi thẻ căn cước cũng thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, đáp ứng nhu cầu quản lý căn cước ở nước ta. Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng: "Việc thay đổi tên thẻ cũng đảm bảo tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới".
Cùng với đó, việc sửa đổi tên thẻ sẽ hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu đi lại giữa các nước trong khu vực. Nếu để tên là thẻ căn cước công dân (CCCD) thì chưa đảm bảo tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của quốc tế, có thể phát sinh khó khăn nhất định khi dùng thẻ ở các quốc gia khác, hoặc dùng thẻ với mục đích hội nhập quốc tế.
Đề cập tới Điều 46 dự thảo luật, nữ ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, dự thảo luật quy định các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan quản lý Nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận. |
Quy định về CCCD, CMND tại các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước được cấp theo quy định của luật này. Việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh thêm thủ tục, chi phí đổi thẻ đối với người dân, không làm tăng chi ngân sách Nhà nước.
Nội dung thể hiện trên thẻ cải tiến, tạo thuận lợi cho người dân
Bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật và đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung dự thảo luật một cách toàn diện trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng, các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước trong dự thảo luật đã có những thay đổi, cải tiến, tạo thuận lợi hơn cho người dân.
ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung thảo luận tại Hội trường. |
Đối với việc chỉnh lý thông tin nơi thường trú in trên thẻ CCCD thành nơi cư trú in trên thẻ căn cước, theo ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung là phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Với quy định này thì tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước, đều được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Thu thập dữ liệu mống mắt là hợp lý
Về quản lý người gốc Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống ở nước ta, theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và phải được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, do họ không có giấy tờ gì, chưa xác định được quốc tịch Việt Nam, không có hộ chiếu, không căn cước nên thực tiễn rất khó khăn trong việc quản lý. Do vậy, dự thảo quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chứ không phải cấp thẻ căn cước như đối với công dân Việt Nam là hoàn toàn phù hợp.
Trước ý kiến một số ĐBQH băn khoăn về việc thu thập dữ liệu mống mắt để mã hoá, lưu trữ trên thẻ căn cước, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong sinh trắc học gồm khuôn mặt, vân tay, ADN, mống mắt... Trong thực tế hiện nay, với nhu cầu làm đẹp, nhiều người chỉnh sửa khuôn mặt nên nhận diện rất khó khăn, khi giao dịch không xác định được khuôn mặt, nhất là khi nhiều cổng kiểm soát sử dụng công nghệ AI.
ĐBQH Nguyễn Minh Đức thảo luận tại Hội trường. |
"Còn mống mắt là cố định, không ai có thể sửa mắt, đây là nhận dạng cố định, phục vụ quản lý dữ liệu cho người dân. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý", đại biểu thông tin.