Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201901/ngan-chan-tinh-trang-mua-ban-nguoi-mua-ban-bao-thai-can-day-manh-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-833335/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201901/ngan-chan-tinh-trang-mua-ban-nguoi-mua-ban-bao-thai-can-day-manh-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-833335/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 09/01/2019, 09:43 [GMT+7]
Ngăn chặn tình trạng mua bán người, mua bán bào thai

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, lực lượng Công an trên toàn tỉnh đã tích cực nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi nạn mua bán người và tổ chức giải cứu thành công cũng như hỗ trợ, giúp đỡ nhiều nạn nhân trở về với gia đình, ổn định dần cuộc sống. Song, tình hình tội phạm mua bán người vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, xuất hiện loại tội phạm mua bán bào thai (đưa phụ nữ có thai ra nước ngoài sinh con rồi bán). Tuy hiện tượng này không phổ biến nhưng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người.

Các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tình trạng mua bán người, mua bán bào thai của Công an huyện Kỳ Sơn thu hút rất đông dân bản tham gia
Các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tình trạng mua bán người, mua bán bào thai của Công an huyện Kỳ Sơn thu hút rất đông dân bản tham gia

Thủ đoạn mới của tội phạm: Mua bán bào thai

Những năm qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo thống kê của Liên Hợp quốc, hiện trên thế giới ước tính có hơn 46 triệu người là nạn nhân của tội phạm mua bán người (tỉ lệ phụ nữ và trẻ em là 7/10 nạn nhân).

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, trong những năm qua, trung bình mỗi năm có hàng nghìn người trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Điều tra, rà soát của cơ quan chức năng cho thấy, hơn 90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em; trong đó, hơn 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp, nhận thức hạn chế. Hầu hết các trường hợp bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn và bị bóc lột tình dục; trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT.

Kỳ Sơn là huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An, hiện có 78.597 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Khơ Mú (chiếm hơn 95%), đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức về pháp luật hạn chế, còn nhiều tập tục lạc hậu, tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động còn nhiều. Đây là những yếu tố mà các đối tượng mua bán người thường lợi dụng để dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt phụ nữ vùng cao, với chiêu bài sang Trung Quốc được “đổi đời”.

Đặc biệt, trong khi lực lượng Công an đang tích cực nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi nạn mua bán người thì thời gian gần đây lại xuất hiện loại tội phạm mới, hết sức nguy hiểm, đó là mua bán bào thai. Điển hình như tại huyện Kỳ Sơn, lực lượng Công an đã phát hiện 25 trường hợp sang Trung Quốc bán bào thai.

Thủ đoạn của loại tội phạm này là chúng thường tìm đến những phụ nữ người dân tộc, chủ yếu là người Khơ Mú, đang có thai từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8 rồi đưa nạn nhân sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Sau khi những người này sinh con, đứa trẻ sẽ bị bán với giá từ 50 - 80 triệu đồng. Đau lòng hơn, có trường hợp trong quá trình vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai, các thai phụ đã phải bỏ mạng nơi xứ người.

Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có 5 tội danh liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai. Các quy định này chủ yếu nói đến các tội danh như mua bán người; mua bán người dưới 16 tuổi; đánh tráo người dưới 1 tuổi; chiếm đoạt người dưới 16 tuổi và mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Trong quy định của pháp luật hiện nay, chưa quy định bào thai là “một bộ phận cơ thể con người” hay là một “con người” nên chưa có chế tài để xử lý. Trong khi đó, để cấu thành tội phạm thì phải có bị hại nhưng bị hại trong trường hợp này là những bào thai, chưa sinh nở nên không thể xác định đó là con người.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trước tình hình trên, Lãnh đạo Công an huyện Kỳ Sơn đã ban hành Kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp, truy quét tội phạm, tập trung vào tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán bào thai. Nâng cao nhận thức cho người dân, không tiếp tay và tránh xa cạm bẫy của tội phạm mua bán người kiểu mới; chỉ đạo các tổ công tác tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân ở các bản làng, nơi có nhiều phụ nữ sang Trung Quốc bán bào thai.

Tại các buổi tuyên truyền, bà con được cán bộ Công an huyện Kỳ Sơn phổ biến, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn, dấu hiệu nhận biết, tác hại của tội phạm mua bán người, mua bán bào thai. Đồng thời, đơn vị cũng vận động các trường hợp đã từng đi sinh con và bán con tại Trung Quốc (cả vợ và chồng) tiến hành ký cam kết không tái diễn; rà soát các điểm bản danh sách những người phụ nữ đang mang thai để họ cam kết không thực hiện hoặc tham gia vào đường dây mua bán bào thai.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: “Những phụ nữ bán bào thai đa số đều nằm trong diện hộ nghèo, đông con và nhận thức pháp luật hạn chế. Trong vòng 15 ngày qua, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở 26 bản làng thuộc các xã như Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Bảo Nam, Bảo Thắng, Phà Đánh và Bắc Lý - nơi có đông đồng bào Khơ Mú sinh sống. Để tuyên truyền có hiệu quả, Lãnh đạo Công an huyện chọn CBCS là người Khơ Mú, có kinh nghiệm, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào để vận động, tuyên truyền; từ đó, tạo sự tin tưởng, đồng thuận và tiến tới từ bỏ hoặc chủ động tố giác các đối tượng có hành vi mua bán bào thai. Ngoài ra, Công an huyện phân công các đồng chí Phó Trưởng Công an huyện phụ trách các xã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp có ý định mua bán bào thai”.

Đặc biệt, Công an huyện đã cử các tổ công tác thực hiện “3 bám, 4 cùng” với dân bản (3 bám là bám dân, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương và 4 cùng là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) để “mắt thấy tai nghe”, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để dần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, thông qua vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín tại các bản và lực lượng Công an xã để tuyên truyền, giáo dục và tác động các gia đình không nghe theo lời kẻ xấu hoặc tự mình đi bán bào thai.

Để ngăn ngừa vấn nạn mua bán người nói chung và mua bán bào thai nói riêng, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ lực lượng Công an thì rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, nhất là cấp ủy, chính quyền, Công an viên, Hội phụ nữ cơ sở... Ngoài ra, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho bà con thì rất cần các chính sách, biện pháp cải thiện điều kiện cơ sở vật chất của người dân, nhất là những gia đình thuộc vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số...

Vừa qua, Bộ Công an đã ban hành Công điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến mua bán bào thai. Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Tham mưu Ban chỉ đạo 138 các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, mua bán bào thai để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

Tổ chức rà soát tình hình mua bán bào thai, các đường dây, đối tượng môi giới mua bán người, mua bán bào thai ra nước ngoài để triệt xóa; khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ việc đã xảy ra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ việc mua bán bào thai tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất, nhập cảnh của công dân; phối hợp với lực lượng Biên phòng tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp luật trong xử lý vi phạm liên quan đến mua bán bào thai.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam - Trung Quốc; phối hợp giải quyết, ngăn chặn hiệu quả tình trạng mua bán người, mua bán bào thai và các yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

 

.

Thu Thủy

.