Diễn đàn pháp luật
Thảo luận dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật
Theo chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, chiều 15/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Sửa đổi luật nhằm tạo ra cải cách tổng thể về thuế
Bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng - cho biết, Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 10 thông qua và đã được sửa đổi, bổ sung qua ba lần, năm 2012, năm 2014 và đây là lần thứ tư lại tiếp tục sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong công tác quản lý thuế khoa học hơn, chặt chẽ hơn, theo xu hướng hiện đại hơn và phù hợp với các chuẩn mực của quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý thuế (sửa đổi) |
Với mục đích làm sao cuộc cải cách tổng thể lần này được triển khai một cách đồng bộ hơn, từ Luật Quản lý thuế đến các sắc thuế như Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế bảo vệ môi trường và Thuế xuất nhập khẩu và cùng với các pháp luật khác liên quan để triển khai một cách đồng bộ hơn như Luật Ngân sách, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh, điều mà chúng ta luôn luôn mong muốn, đó là thuế luôn luôn là nguồn thu chính, nguồn thu chủ lực, bảo đảm cho nguồn chi tiêu cho ngân sách của một quốc gia bằng những cơ chế, chính sách phù hợp trong việc tạo nguồn thu, quản lý nguồn thu và nuôi dưỡng nguồn thu, phát triển nguồn thu một cách ổn định và bền vững.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, vấn đề đặt ra là cải cách hệ thống thuế, với cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất, bảo đảm sự minh bạch, tính công khai, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện với nguyên tắc mang tính chất xuyên suốt. Khi đó, cơ chế, thể chế, chính sách phải bảo đảm tính công khai, tính minh bạch. Quy trình, thủ tục hành chính thuế khoa học, đơn giản, dễ tiếp cận, dễ thực hiện và dễ áp dụng. Nguồn nhân lực quản lý thuế có chất lượng, bảo đảm tính chuyên nghiệp, liêm chính, từ Trung ương đến cơ sở. Việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, phải bảo đảm có sự liên kết, tích hợp toàn hệ thống. Do đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế lần này là hết sức cần thiết.
Cùng quan điểm tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - chỉ rõ việc sửa đổi Luật Quản lý thuế lần này là phù hợp với tình hình hiện nay. Đại biểu chỉ rõ những bất cập, hạn chế hiện nay đặt ra yêu cầu phải sửa đổi luật ở chỗ việc thường xuyên bổ sung, sửa đổi các văn bản luật đã ảnh hưởng đến công tác quản lý của ngành thuế, hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình chưa được quy định đầy đủ dẫn đến việc chưa bao quát nguồn thu phục vụ cho việc mở rộng cơ sở thuế. Sự phối hợp với các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, quan hệ giữa đối tượng nộp thuế và ngành thuế còn nhiều vấn đề bất cập, đôi khi có sự móc nối nhau để gian lận thuế, làm thất thu ngân sách, bất công với đối tượng nộp thuế trung thực, công tác thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo với các cơ quan chức năng do còn vướng các văn bản dưới luật, tình trạng nợ đọng thuế, miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ thuế, v.v chưa được giải quyết dứt điểm, gây phản ứng trái chiều trong dư luận, có khi phát sinh tiêu cực nên việc sửa đổi Luật Thuế lần này là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay.
Rà soát để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật
Tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật song đại biểu Bùi Thanh Tùng – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng - cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn nhiều nội dung chưa thống nhất, phù hợp với các Luật hiện hành, đặc biệt là những nội dung liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan như Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và các quy định về xử phạt hành chính về thuế, cần phải được tiếp tục rà soát đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị lần sửa đổi này cần rà soát, tính toán tính tương thích với các luật hiện hành |
Phân tích Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ tháng 7 năm 2007, sau 10 năm thi hành đã sửa đổi ba lần vào các năm 2012, 2014, 2016, nếu tính luôn lần này là bốn lần. Như vậy từ năm 2012 đến nay, bình quân hơn hai năm sửa đổi một lần. Có nghĩa cứ sau hơn một năm thi hành luật, cơ quan soạn thảo đã phải có các bước chuẩn bị để sửa đổi luật. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre - bày tỏ lo ngại việc sửa đổi luật như vậy ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý thuế, nhất là việc thích ứng của người nộp thuế đối với cơ chế chính sách mới; chẳng những không kích thích được các thành phần kinh tế phát triển mà còn tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư. Đại biểu đề nghị lần sửa đổi này cần rà soát, tính toán tính tương thích với các luật hiện hành; lường trước và dự báo những tác động về chính sách thuế để sửa đổi toàn diện khi Việt Nam đã hoặc ký kết các hiệp định để đảm bảo tuổi thọ của luật.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh - chỉ rõ, cho đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về thuế của Việt Nam khá đồ sộ với rất nhiều luật, nghị định, nghị quyết, thông tư, thông tư liên tịch, quyết định, có rất nhiều luật thuế được quy định nhiều lần như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (đã có 3 luật và luật sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân (đã sửa đổi 2 lần). Đặc biệt, một số quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp với thực tế, ví dụ như quy định về giảm trừ gia cảnh.
Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, để thực hiện pháp luật về thuế, người nộp thuế cần phải nghiên cứu một hệ thống các đạo luật và một khối lượng lớn các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Điều này thực sự khó khăn khi muốn thực hiện pháp luật phải tham chiếu quá nhiều văn bản khác nhau. Chính vì vậy, việc pháp điển hóa hệ thống pháp luật về thuế là yêu cầu cấp thiết nhằm đồng bộ và thống nhất các quy định về pháp luật, tạo điều kiện cho cộng đồng người nộp thuế tra cứu và tuân thủ pháp luật.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có sự rà soát lại các luật thuế hiện hành, bổ sung, sửa đổi các quy định phù hợp với xu thế phát triển và các loại hình kinh doanh hiện tại của đối tượng nộp thuế, ví dụ như kinh doanh thương mại điện tử trong các Luật Thuế giá trị gia tăng hay thu nhập doanh nghiệp để hợp nhất các luật thuế chuyên ngành lại và thống nhất các luật thuế với nhau.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng việc pháp điển hóa hệ thống pháp luật về thuế là yêu cầu cấp thiết |
Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các nội dung cụ thể của dự thảo luật như về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, các trường hợp được khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; cung cấp dịch vụ đại lý thuế; hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế…
Kết luận nội dung thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu đã được phản ánh đầy đủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo để nghiên cứu, tiếp thu và hoàn chỉnh dự án luật, sau đó sẽ gửi các đoàn đại biểu Quốc hội xin ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và trình ra Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 7.
Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam