Diễn đàn pháp luật
Thẩm tra Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)
Chiều ngày 08/11, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Nội dung sửa đổi đã cơ bản thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp 2013. Việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Toàn cảnh phiên họp |
Đa số thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cơ bản tán thành với kết cấu dự thảo Luật do Chính phủ trình và cho rằng, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đã bảo đảm yêu cầu vừa sửa đổi toàn diện, vừa kế thừa cấu trúc của Luật Giáo dục hiện hành. Với 10 Chương, 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều, dự thảo Luật đã được sắp xếp các chương, mục, điều, khoản khá phù hợp. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng dự án Luật, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cấu trúc, bố cục dự thảo Luật theo hướng súc tích, mạch lạc, rõ ràng hơn. Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định về triết lý giáo dục; bổ sung quy định cụ thể về cơ chế, chính sách nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho giáo dục, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.
Chính phủ cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định liên quan đến người học
Thẩm tra về các chính sách về phổ cập giáo dục quy định tại Điều 13, Ủy ban cơ bản nhất trí với Ban soạn thảo trong việc cụ thể hoá Hiến pháp 2013 về phổ cập giáo dục. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm pháp lý của gia đình, người giám hộ trong việc tạo điều kiện cho người học được học tập đạt trình độ phổ cập giáo dục bắt buộc; bổ sung quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với phổ cập giáo dục và đối với phổ cập giáo dục bắt buộc.
Đối với chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở (THCS) công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành với việc bổ sung chính sách không thu học phí đối với học sinh diện phổ cập như trong Dự thảo Luật và ủng hộ việc giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục; trước mắt ưu tiên triển khai thực hiện chính sách này ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, cần quy định trong dự thảo Luật điều khoản chuyển tiếp về thời điểm thực hiện, cũng như các chính sách phát triển xã hội hóa tương ứng. Cũng có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định Chính phủ có lộ trình mở rộng đối tượng, không thu học phí đối với trẻ em dưới 5 tuổi khi cân đối được nguồn lực.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cơ bản tán thành với dự thảo Luật về chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và đảm bảo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, chương trình đào tạo, quy mô đào tạo gắn với điều kiện bảo đảm chất lượng; dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội tìm được việc làm.
Đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại hội trường |
Chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề, với vị trí, vai trò của nhà giáo
Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, đa số thành viên Ủy ban cơ bản tán thành với quy định nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về tiêu chí chuẩn hóa đội ngũ; về phương thức đào tạo nâng chuẩn, các nguồn lực thực hiện chính sách để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động của chính sách đối với các trường trung cấp sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ trung cấp khi chính sách này được thực hiện. Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ sự cần thiết của việc nâng chuẩn trình độ cao đẳng đối với giáo viên mầm non, trong khi tình trạng thiếu giáo viên mầm non chưa được khắc phục, điều kiện bảo đảm chất lượng GDMN chưa đạt yêu cầu, giáo viên mầm non ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi chủ yếu làm nhiệm vụ nuôi nhiều hơn dạy.
Về chính sách lương đối với nhà giáo quy định tại Điều 76, Ủy ban ăn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhấn mạnh, chủ trương chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề, với vị trí, vai trò của nhà giáo là quan điểm nhất quán trong các nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, việc thể chế hoá quan điểm trên trong hệ thống luật pháp còn bất cập, đặc biệt từ sau việc sửa đổi Luật Giáo dục vào các năm 2005, 2009. Đa số ý kiến đồng tình với quy định về lương nhà giáo tại Điều 76 của Dự thảo Luật và cho rằng, quy định này đã phù hợp với Nghị quyết số 27 của TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Nghị quyết 27 quy định chính sách lương chung cho các ngành, lĩnh vực, chưa tính đến đặc thù riêng của nghề giáo.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể trong dự thảo Luật về chính sách lương bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp, vị trí, vai trò của nhà giáo; về trách nhiệm quàn lý nhà nước của các Bộ chức năng trong xây dựng chính sách tiền lương và quản lý biên chế.
Tiếp tục nghiên cứu việc thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục
Thẩm tra về việc thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành việc bổ sung quy định Chính phủ báo cáo các dự án thí điểm và trình Quốc hội quyết định trước khi áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công. Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong triển khai thí điểm, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về nội dung, quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt của một đề án thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.
Về thi tốt nghiệp trung học phổ thông và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, đa số ý kiến Ủy ban cho rằng, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để điều chỉnh việc dạy học và đánh giá kết quả của quá trình GDPT; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục cũng như tuyển sinh đại học. Ủy ban đồng ý quy định về thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT như trong Dự thảo Luật và đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể trong các văn bản dưới Luật.
Về chính sách ưu tiên phát triển nhân tài, Hiến pháp 2013 đã quy định về bồi dưỡng, ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài và coi đây là tiền đề quan trọng để ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài chưa được thể hiện một cách đầy đủ trong Dự thảo Luật. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ hơn. Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu giáo dục phổ thông có sự thay đổi theo hướng phát triển toàn diện, coi trọng phát triển năng lực cá nhân để phát huy sức sáng tạo của người học. Theo đó, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định chính sách phù hợp đối với hệ thống trường chuyên tại các tỉnh, thành phố; có ý kiến đề nghị cân nhắc chuyển tên gọi trường chuyên là trường năng khiếu nhằm thể hiện năng lực đặc thù trong khoa học như với các lĩnh vực năng khiếu khác: thể thao, nghệ thuật,…/.
Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam