Diễn đàn pháp luật
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH
Sáng ngày 06/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDDH.
Toàn cảnh phiên họp |
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết, nội dung, phạm vi sửa đổi của dự thảo luật và cho rằng dự thảo Luật đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Cho đến nay, hầu hết các nội dung giữa dự thảo Luật Giáo dục và dự thảo Luật GDĐH cơ bản đã thống nhất, không có xung đột, mâu thuẫn. Nhiều ý kiến nhận định, dự thảo Luật đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học phát huy tự chủ, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học một cách thực chất hơn.
Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng- tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, dự thảo Luật lần này đã giải quyết được cơ bản những bất cập, tháo được những “nút thắt” trong giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, dự thảo Luật đã hoàn thiện được hành lang pháp lý về quyền tự chủ, gắn liền với trách nhiệm giải trình xã hội minh bạch, điều này rất cần thiết cho giáo dục đại học; bổ sung những quy định về quản trị đại học để hội đồng trường là cơ quan quản trị có thực quyền. Đồng thời, đổi mới cơ chế tài chính, bảo đảm sự thông thoáng, hiệu quả, phù hợp với từng loại hình của giáo dục đại học, khắc phục được tình trạng lãng phí dàn trải trong đầu tư công, phát huy được tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học, tăng chất lượng.
Bên cạnh đó, việc bổ sung những quy định về hoạt động giáo dục như chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, văn bằng theo hướng tiếp cận với “chuẩn” đào tạo trong khu vực và trong hội nhập quốc tế rất phù hợp trong đáp ứng việc dịch chuyển lao động tự do trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã sửa những quy định về đại học tư thục theo tính chất hoạt động, từ đó đưa ra mô hình, cơ cấu tổ chức, quản trị phù hợp với từng loại hình, cơ sở giáo dục đại học, đây là vấn đề còn tồn tại trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, việc bổ sung những quy định cụ thể về chính sách ưu tiên phát triển các trường tư thục không vì lợi nhuận; bổ sung quy định rõ ràng về quản lý nhà nước cũng như quản trị các cơ sở giáo dục đại học đã bảo đảm cho việc mở rộng, phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Việc sửa đổi các quy định về các cơ sở giáo dục đại học theo hướng mở cũng tạo cơ hội cho các trường có thể tự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp.
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên họp |
Về cơ sở giáo dục đại học, dự thảo Luật quy định rõ hệ thống giáo dục đại học Việt Nam bao gồm: trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học); đại học (là tổ hợp các trường đại học; trường trực thuộc) và các cơ sở giáo dục đại học khác phù hợp với quy định của pháp luật. Các đại biểu đánh giá, đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng thể hiện quan điểm đổi mới hệ thống giáo dục đại học theo xu thế phát triển của thế giới và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Đạt - Tp. Hồ Chí Minh, đây là một quan điểm rất mới, mang tính chiến lược lâu dài để phát triển các đại học lớn trong tương lai. Trường đại học có thể chuyển thành đại học, các trường đại học có thể liên kết với nhau để trở thành đại học. Theo hướng như thế có thể sớm tạo ra các trường đại học mạnh, đạt chuẩn mực khu vực, quốc tế. Ở Mỹ, Pháp, xu thế này đang diễn ra rất mạnh và hoạt động có hiệu quả. Ở Việt Nam sau 24 năm xây dựng và phát triển, mô hình Đại học Quốc gia đã chứng tỏ quyết định của Đảng, Nhà nước về việc thành lập là đúng đắn, mang tầm chiến lược. Hoạt động của 2 Đại học Quốc gia đã đạt được những hiệu quả tích cực. Đại biểu thống nhất quan điểm tránh gây xáo trộn khong cần thiết, tạo cơ hội cho các trường đại học, sắp xếp lại trong đó Đại học Quốc gia đóng vai trò là đầu tàu thúc đẩy các trường đại học phát triển.
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng- tỉnh Lâm Đồng, cho biết, trên thế giới thì tên gọi, mô hình, cơ cấu tổ chức của các cơ sở giáo dục đại học rất phong phú, đa dạng, không có sự phân định rạch ròi. Đại biểu cho rằng việc sửa luật lần này đã hướng đến sự ổn định của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học chuẩn, theo hướng mở rộng hơn, vừa giữ được sự ổn định của hệ thống, vừa là cơ hội mở ra của các trường đại học phát triển theo nhiều mô hình khác nhau, miễn là nâng cao chất lượng. Đại biểu phân tích, với cách tiếp cận như vậy, các trường đại học là hạt nhân cơ bản của giáo dục đại học, các hạt nhân này là các trường đại học độc lập và cũng có thể là những trường thành viên của các đại học; có thể là, các trường đại học sát nhập với nhau thành một đại học hoặc có thể là trường đại học phát triển lên thành đại học. Đây là một bước đột phá trong việc chuyển hệ thống giáo dục “tĩnh”, khép kín thành hệ thống giáo dục đại học “động”, mở, tạo sự linh hoạt cho hệ thống các cơ sở giáo dục đại học đa dạng hơn, để tự lựa chọn cho mình những mô hình riêng để phát triển”.
Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ Phan Thanh Bình phát biểu |
Lưu ý về việc triển khai thành lập các trường đại học, các đại biểu đề nghị, các văn bản pháp luật cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện cụ thể nhằm bảo đảm cho yêu cầu đại học là những cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có quy mô, chất lượng mạnh. Nếu không làm được điều này có thể sẽ dẫn đến việc “nở rộ” các đại học”.
Liên quan đến xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, ngành đào, dự thảo Luật quy định các cơ sở giáo dục đại học được chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế. Các pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng giáo dục đại học, phải đảm bảo trung thực, khách quan, minh bạch, có trách nhiệm công khai và giải trình về phương pháp, tiêu chí và kết quả xếp hạng. Việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo nhằm đánh giá uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động theo những tiêu chí nhất định, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là quy định rất cần thiết, tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học có thêm thông tin để chọn trường. Tuy nhiên để đảm bảo việc xếp hạng minh bạch, khách quan, trung thực, đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí- tỉnh Tiền Giang, ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về các tổ chức xếp hạng về điều kiện thành lập, tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng, trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức này… Vì nếu các tổ chức xếp hạng này không trung thực, không khách quan thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các cơ sở giáo dục đại học cũng như quyết định chọn trường của sinh viên.
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà - tỉnh Lào Cai, cần có điều khoản quy định về tính trung thực, công khai các số liệu của các trường liên quan đến chất lượng giáo dục. Đại biểu cho rằng, khi nào việc này được thực hiện tốt thì xếp hạng đại học mới thực chất. Do vậy, cần phải có cơ chế giám sát được các tổ chức kiểm định, tốt nhất nên đưa thêm vào dự thảo Luật một chương về kiểm định chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, các nội dung về cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học; việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; vấn đề quản lý nhà nước về giáo dục đại học… cũng được đại biểu Quốc hội phân tích, cho ý kiến cụ thể.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, thời gian qua, Ủy ban đã phối hợp rất chặt với Ban soạn thảo để tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia và tại kỳ họp này nhận được nhiều sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội. Dù chưa sửa được tổng thể, nhưng đây là những nội dung sửa đổi cần thiết để thúc đẩy giáo dục đại học nước ta trong thời gian tới. Về các nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, Ủy ban Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại phiên họp, tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo hoàn chỉnh trình dự thảo Luật trình Quốc hội vào cuối kỳ họp này.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao tinh thần thảo luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp; đồng thời Phóng đề nghị cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến tại phiên họp hôm nay, nhất là các nội dung về cơ sở giáo dục đại học, đào tạo các ngành nghề đặc thù, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học… Đối với những nội dung các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần có báo cáo giải trình rõ thêm để Quốc hội xem xét, cân nhắc thận trọng trước khi quyết nghị.
Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam