Diễn đàn pháp luật

Siết chặt quản lý cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7

08:16, 26/10/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 tập trung về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 19/5/2018.

Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém... Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm... Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi”.

Hội nghị Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ
Hội nghị Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ

Công tác cán bộ là gốc

Trong bối cảnh “lò” chống tham nhũng đang cháy rừng rực với hàng loạt vụ án, vụ việc nghiêm trọng liên tục được đưa ra ánh sáng, khởi tố, xét xử; nhiều cán bộ, trong đó có không ít cán bộ cấp cao đã phải vào nhà giam hối lỗi về những việc làm sai trái của mình; dư luận nhân dân luôn đặc biệt quan tâm, theo sát diễn biến, những quyết định của các hội nghị Trung ương Đảng, nhưng có lẽ, sự quan tâm đó dường như được nhân lên khi Trung ương bàn về vấn đề cán bộ - yếu tố then chốt cho sự nghiệp của Đảng.

Càng dễ hiểu hơn khi thời gian qua, có không ít cán bộ thăng tiến “thần tốc” rồi vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật một cách vô cùng khó hiểu, như thể họ đang đứng ngoài Đảng, ngoài vòng pháp luật. Người dân mong và trông đợi những quyết sách đúng đắn của Đảng sẽ sớm loại bỏ “sâu mọt” hành dân trong bộ máy hành chính.

Thời gian qua, đã có hàng loạt cán bộ bị khởi tố, tạm giam, đưa ra xét xử. Trong đó, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Điển hình là các vụ án liên quan đến các đối tượng: Vũ Quốc Hảo, Vũ Việt Hùng, Dương Chí Dũng, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Lê Dũng, Châu Thị Thu Nga, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ. Việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội đối với những đối tượng vi phạm đã phần nào thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc chiến “nói không với tham nhũng, tiêu cực, tha hóa”.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo đúng tinh thần “thời kỳ nào, phong trào nào thì cán bộ đó””. Đảng đã luôn tự soi lại mình để có sự điều chỉnh, đặc biệt là về công tác tổ chức, cán bộ để đáp ứng tốt hơn sự tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân.

Nghị quyết nêu rõ những hạn chế như: Đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật Đảng và xử lý theo pháp luật.

Xử lý nghiêm từ trên xuống dưới

Đầu năm 2018, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165, Bộ luật Hình sự 1999. Ngày 14/5/2018, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án 13 năm tù đối với Đinh La Thăng. Ngày 9/5/2018, trong khi phiên tòa phúc thẩm xử ông Đinh La Thăng đang diễn ra thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 trong Hội nghị lần thứ 7 đã quyết định kỷ luật khai trừ Đinh La Thăng ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh bị đưa ra xét xử
Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh bị đưa ra xét xử

Nhưng vụ án trên không phải là cá biệt. Những năm qua, chúng ta chứng kiến nhiều vụ việc mà trước khi bị phát hiện, các đối tượng vẫn ung dung ở vị trí công tác quan trọng, thậm chí có đối tượng còn được tôn vinh, đề xuất khen thưởng với những hình thức cao. Trong hàng trăm vụ án tiêu cực trong Đảng được đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật, hầu hết, chưa có cấp ủy, chi bộ nào phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật do quá trình đấu tranh phê bình và tự phê bình. Hiếm thấy cấp trên trực tiếp phát hiện cấp dưới sai phạm để xử lý và càng hiếm có chuyện cấp dưới phát hiện cấp trên sai phạm để phê bình, đấu tranh, tố cáo...

Tại Nghệ An, tháng 3/2017, huyện Quỳ Hợp phát hiện 1 vụ chuyển đổi mục đích đất, rừng thuộc khu vực rừng khoanh nuôi, tái sinh, trong đó một số diện tích rừng thuộc nhóm IIB. Người dân đã tự ý chặt phá rừng và sau đó trồng lại rừng nguyên liệu, cụ thể là trồng keo. Ngày 17/8/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi "Hủy hoại rừng" theo Điều 189, Bộ luật Hình sự.

Qua công tác thanh kiểm tra, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp cách chức các chức vụ trong Đảng đối với 2 Bí thư Đảng ủy 2 xã: Bắc Sơn, Nam Sơn và 5 cán bộ chủ chốt khác của xã Nam Sơn như Trưởng Công an xã, Chủ tịch MTTQ xã… Nguyên nhân cách chức các đảng viên trên là do những cán bộ này có hành vi vi phạm pháp luật trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng trái phép trước đó được Nhà nước giao theo Nghị định 163 của Chính phủ.

Kỷ luật Đảng được xem là “quả đấm thép” với tiêu cực, hạn chế, yếu kém trong Đảng. Từ trước đến nay, Đảng ta luôn nhất quán duy trì nghiêm minh, nghiêm khắc kỷ luật Đảng. Thời đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư, Đảng ta còn non trẻ, nhưng đã “tự chỉ trích” rất nghiêm khắc. Rồi cải cách ruộng đất có những sai lầm, Bác Hồ đã khóc, đã xin nhận hình thức kỷ luật và xin lỗi quốc dân đồng bào; Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức... Thậm chí, có thời điểm, Trung ương chủ trương “đóng cửa Đảng”, thực hiện ngừng kết nạp đảng viên mới, tập trung sức chỉnh đốn Đảng, chống “tự chuyển hóa” trong Đảng...

Những kết quả đạt được thời gian qua đã khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, làm cho mọi người thấy rõ việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người tâm huyết, vì sự nghiệp đổi mới của Đảng, với động cơ trong sáng, lành mạnh, không “làm chậm” sự phát triển, mà ngược lại làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước.

Quỳnh Trang

Các tin khác