Diễn đàn pháp luật

Quốc hội thảo luận dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi):

Chính quy hóa Công an xã là yêu cầu khách quan

10:40, 14/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật CAND (sửa đổi), dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp này. Trong những nội dung của dự thảo luật, quy định chính quy hóa lực lượng công an xã và cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 tiếp tục thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và cử tri.

An ninh trật tự chuyển biến rõ nét tại các xã có công an chính quy

Vấn đề được các đại biểu cũng như cử tri cả nước quan tâm chính là việc chính quy hóa công an xã; về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua lực lượng này vẫn làm nhiệm vụ chức năng không khác công an phường nhưng lại là bán chuyên trách, chuyên môn chỉ đào tạo sơ cấp, được tuyển chọn không kỹ càng, được chính quyền địa phương tuyển và bổ nhiệm, như vậy chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ.

“Quy định công an xã, thị trấn là lực lượng chính quy mới đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay, nâng cao tính chuyên nghiệp và đào tạo bài bản, không phân biệt công an xã, phường” - ông góp ý kiến.

Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhận định việc tổ chức công an chính quy ở xã là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn, nếu bố trí công an chính quy ở xã thì lực lượng công an xã hiện nay sẽ giải quyết như thế nào? Đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu và sớm có quy định để hạn chế các tác động không mong muốn đến lực lượng công an xã đã và đang hoạt động ở địa phương” - Đại biểu nêu.

Đại biểu Ngô Minh Châu (TP. Hồ Chí Minh) đã chỉ ra những lý do của việc cần bố trí công an xã, thị trấn chính quy: Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm hoạt động giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) ở địa bàn cơ sở, vừa đảm bảo quyền con người, quyền công dân thực hiện theo đúng pháp luật, Khoản 4, Điều 10, Pháp lệnh Công an xã quy định Bộ Công an bố trí công an chính quy ở xã.

Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả xác định nội dung bố trí lực lượng công an xã chính quy. Luật CAND hiện hành cũng khẳng định công an xã là một cấp công an trong nguyên tắc tổ chức hoạt động của lực lượng CAND.

Bên cạnh đó, theo ông, tình hình an ninh nông thôn tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn. Các loại tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tội phạm khủng bố, tội phạm chống người thi hành công vụ...

“Trong khi việc đảm bảo ANTT ở địa bàn nông thôn hiện nay chủ yếu do lực lượng công an xã đảm nhiệm, nên tạo ra áp lực về trách nhiệm của lực lượng chiến đấu phải đạt được hiệu quả. Áp lực công việc thì lớn, trong khi trình độ năng lực của công an xã chỉ có chừng mực nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ rất quan trọng và phức tạp, nhất là ở các địa bàn trọng điểm” - Đại biểu phân tích, đồng thời khẳng định việc bố trí công an chính quy ở địa bàn xã, thị trấn là đáp ứng yêu cầu khách quan, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.

Nêu ví dụ thực tế ở TP. Hồ Chí Minh đã tính toán bố trí hài hòa, hợp lý giữa lực lượng công an chính quy và bán chính quy trên tinh thần đưa công an chính quy về hoạt động tại xã, đại biểu Ngô Minh Châu cho biết, song song với đó đã bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng công an bán chính quy để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, đem lại những kết quả tốt nhất.

“Qua sơ kết, chúng tôi thấy rằng những nơi bố trí công an xã, thị trấn chính quy đã tạo sự chuyển biến cơ bản, rõ nét, nhất là công tác tham mưu, quản lý nhà nước về ANTT. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn được nâng cao, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có chuyển biến, tạo niềm tin trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng tình, ủng hộ”, đại biểu nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị việc bố trí công an chính quy ở xã, thị trấn cần có lộ trình thực hiện đảm bảo khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Bộ trưởng Tô Lâm trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội, chiều 6-11.
Bộ trưởng Tô Lâm trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội, chiều 6-11.

Quyền hạn lớn hơn, trách nhiệm nặng nề hơn

Tham gia thảo luận, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nêu quan điểm: “Với việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của lực lượng công an hiện nay thì việc Giám đốc Công an tỉnh, thành phố có trần quân hàm thiếu tướng tôi cho là hợp lý và cần thiết. Nhằm tạo ra những vị tướng trong thời bình thực sự bản lĩnh, tài năng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ địa phương”.

Theo ông, Giám đốc Công an tỉnh quản lý nhiều đầu mối, quân số lên tới hàng nghìn người nhưng chỉ có trần quân hàm đại tá như với cấp phòng ở Bộ là không hợp lý. Ngoài ra, quan điểm của Bộ Công an là không làm tăng thêm số người có quân hàm cấp tướng nhưng theo quy định hiện hành, Giám đốc Công an tỉnh chức vụ tương đương Cục trưởng được quy hoạch đề bạt trực tiếp lên thứ trưởng. Còn các Cục trưởng muốn lên thứ trưởng phải được luân chuyển về địa phương để đào tạo theo quy định.

“Nếu hai cấp bậc hàm này vênh nhau thì rất khó luân chuyển và thực hiện chế độ, chính sách. Do vậy, tôi đề nghị Giám đốc Công an tỉnh, thành phố tại một số địa phương có vị trí chiến lược, phức tạp và quan trọng về ANTT, ngoài các đơn vị hành chính loại 1 có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng” - ông nói, khẳng định việc này có ý nghĩa xác định đúng vị thế và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Giám đốc Công an tỉnh trong thời kỳ mới.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng đồng tình quy định trần cấp bậc hàm thiếu tướng đối với Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1. Vì theo tinh thần Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, Bộ Công an đã triển khai tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó, cấp địa phương sẽ thực hiện chủ yếu nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm và hầu hết nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở. Nêu một loạt chức năng, nhiệm vụ của công an cấp tỉnh, đại biểu cũng khẳng định khối lượng công việc của công an cấp tỉnh chiếm 80% tổng khối lượng công việc của toàn lực lượng CAND và trên 85% biên chế của lực lượng sẽ bố trí ở công an các tỉnh.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV với nhiều nội dung quan trọng.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV với nhiều nội dung quan trọng.

“Vì vậy, Giám đốc Công an tỉnh sẽ có nhiệm vụ, quyền hạn lớn hơn và trách nhiệm nặng nề hơn” - ông nói. Mặt khác, theo ông, trong hệ thống chức vụ sĩ quan của CAND, Giám đốc Công an tỉnh được xác định là chức vụ cấp dưới liền kề và có thể quy hoạch bổ nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công an. Do đó, tiêu chuẩn chức danh, cấp bậc hàm của Giám đốc Công an tỉnh phải đảm bảo tương quan tương đối với chức danh Cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng không nên quy định tất cả 63 Giám đốc Công an tỉnh, thành phố đều có cấp bậc hàm là thiếu tướng vì không khả thi và làm phát sinh thêm số lượng cấp tướng. Ông lý giải: Các tỉnh được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.

“Cấp bậc hàm cao nhất của 11 Giám đốc Công an tỉnh được phân loại đơn vị hành chính loại 1 thiếu tướng là phù hợp với tính chất công việc của Giám đốc Công an địa phương trong thời điểm hiện nay” - ông nhấn mạnh.

“Quan điểm của tôi là phong tướng để chỉ huy... địa bàn nào trật tự trị an phức tạp, ma túy nhiều, đối tượng phải đấu tranh nhiều thì tôi đề nghị phong tướng để các đồng chí lãnh đạo chỉ huy quân” - Đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) phát biểu. Trong khi đó, Đại biểu Rơ Châm Long (Kon Tum) đề nghị không nên giới hạn số lượng cấp tướng trong 11 tỉnh mà sẽ nằm trong tổng số cấp tướng của lực lượng công an. “Trong quá trình phát triển sẽ có thêm tỉnh sẽ được phân loại 1. Như thế sẽ chủ động, dễ xử lý hơn khi thực tiễn có thay đổi”, ông giải thích.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp Quốc hội, chiều 6-11.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp Quốc hội, chiều 6-11.

Cơ bản tán thành việc phong quân hàm thiếu tướng cho các đồng chí Giám đốc Công an của các tỉnh loại 1, Đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên Huế) đề nghị đảm bảo tính minh bạch và chặt chẽ, giảm thiểu các thủ tục hành chính khi làm quy trình phong quân hàm cấp tướng, đồng thời thể hiện tất cả các chức danh được phong hàm tướng vào trong luật cho minh bạch, tránh vận dụng một cách tùy tiện...

Bộ trưởng Tô Lâm: Không tăng biên chế đến 2021

Giải trình ý kiến về dự án Luật CAND (sửa đổi), Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc chính quy hóa lực lượng công an xã, Đảng ủy Công an Trung ương đã có văn bản gửi Thường vụ Tỉnh ủy 63 tỉnh, thành trong cả nước. “Trong số 40 ý kiến đã phản hồi thì gần như 100% các Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí với chủ trương này”.

Theo Bộ trưởng, một số địa phương đã đề nghị triển khai ngay. Đối với những cán bộ không chính quy là công chức tại xã thì các tỉnh đó đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo UBND tỉnh và các cấp quận, huyện, xã giải quyết vấn đề này. “Có những địa phương đã triển khai công an chính quy được 5 tháng, qua phối hợp sơ kết đánh giá thì kết quả rất tốt, hầu hết đều mong muốn triển khai. Qua một số địa phương đã triển khai và đánh giá tốt, có địa phương số lượng vụ việc vi phạm pháp luật giảm 50% từ khi có công an xã chính quy, có ngày ở địa bàn không xảy ra vụ phạm pháp, vi phạm pháp luật nào...” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Công an đã cam kết với Quốc hội khi trình dự án Luật này không tăng biên chế. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Chính phủ đã đồng ý là đến năm 2021 Bộ Công an không tăng bất cứ một biên chế nào, toàn bộ là sắp xếp trong nội bộ và duy trì biên chế hiện có. Thành ra, kể cả từ nay cho đến khi Luật CAND (sửa đổi) được ban hành thì cũng không tăng biên chế.

Về băn khoăn của đại biểu giải quyết như thế nào đối với lực lượng công an xã không chuyên trách hiện nay, Bộ Trưởng Tô Lâm cho biết, theo lộ trình, Bộ Công an sẽ báo cáo Quốc hội cho phép xây dựng 1 dự luật về lực lượng trị an ở cơ sở, trên cơ sở tổng kết pháp lệnh về công an xã, pháp lệnh về lực lượng bảo vệ ở các cơ quan, xí nghiệp và Nghị định 38 về lực lượng dân phòng ở các khu phố. Tất cả văn bản dưới pháp luật sẽ được điều chỉnh, bởi vì Bộ Công an cũng đánh giá đây là lực lượng rất quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia ở cơ sở, là lực lượng mà công an phải dựa vào.

“Đây là hướng để giải quyết đối với các lực lượng này, chứ không phải chuyển ra các lực lượng khác và không giam gia bảo vệ trật tự trị an ở cơ sở nữa” - Bộ trưởng thông tin thêm.

 

Nguồn: Quỳnh Vinh/Báo CAND

Các tin khác