Diễn đàn pháp luật
Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia
Tiếp tục Chương trình kỳ họp, sáng 16/11, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận.
Toàn cảnh phiên thảo luận |
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rươu, bia được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vào ngày 09/11. Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành cao sự cần thiết ban hành Luật với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, việc ban hành Luật nhằm ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động ở Việt Nam. Ủy ban Thẩm tra cũng chỉ ra rằng, quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới cũng như nhiều nghiên cứu khác nhận diện rượu, bia là một trong những yếu tố có hại cho sức khỏe; là 1 trong 5 nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh tật, khuyết tật và tử vong đang diễn ra phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều nghiên cứu cũng thống nhất cho rằng, xu hướng độ tuổi tiếp cận với rượu, bia ngày càng trẻ. Giới trẻ muốn sử dụng rượu, bia để khẳng định sự trưởng thành và bản lĩnh của mình sẽ đưa lại những hậu quả nghiêm trọng hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, khi nước ta tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc nhập khẩu rượu, bia ngày càng dễ dàng, thuận lợi (với lộ trình đưa thuế nhập khẩu đồ uống về 0%), cùng với việc sản xuất trong nước, thị trường đồ uống, đặc biệt là rượu, bia tại Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh. Từ những lý do đó, việc ban hành Luật là thực sự cấp thiết để có biện pháp quản lý nhà nước phù hợp vì sức khỏe cộng đồng.
Thảo luận tại phiên họp toàn thể ở hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí với quan điểm của Ban soạn thảo về sự cần thiết ra đời Luật. Theo đó, nhiều đại biểu nhất trí với tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” và cho rằng, tên gọi này ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền và tiếp cận pháp luật của nhân dân. Tên gọi này không chỉ bao hàm phạm vi điều chỉnh đối với hành vi của người sử dụng rượu, bia mà còn xác định trách nhiệm của các chủ thể khác (Nhà nước, cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân), đồng thời, thể hiện rõ quan điểm phòng, chống tác hại của rượu, bia phải được tiến hành chủ động từ sớm, bằng các biện pháp phòng ngừa chứ không chỉ ứng phó khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực. Một số đại biểu cũng chia sẻ với sự khó khăn của Ban soạn thảo khi xây dựng Luật này vì cho rằng thực tế thói quen sử dụng rượu bia đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước chứ không riêng gì nước ta và lợi ích của ngành công nghiệp rượu bia mang lại hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước là tương đối lớn, tạo việc làm cho một khối lượng không nhỏ lao động trực tiếp và gián tiếp.
Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến - Đoàn đại biểu Quóc hội tỉnh Phú Thọ - tán thánh với phạm vi điều chỉnh như Dự thảo luật, tuy nhiên đại biểu đề nghị bổ sung việc Luật phải điều chỉnh đồng thời cả hai biện pháp cả giảm cũng và giảm cầu, chứ không chỉ tập trung vào giảm cầu thì hiệu quả sẽ không cao và không phù hợp với mối quan hệ cung cầu theo quy luật thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị sửa biện pháp quản lý việc cung cấp rươu, bia tại Khoản 1, Điều 1 thành “biện pháp giảm cung cấp, giảm tính sẵn có và tính dễ tiếp cận của rượu, bia” để hoàn thiện và cân đối với các giảm cầu.
Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu |
Quan tâm đến những nội dung cấm quy định trong Dự luật, đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương- Đoàn đại biểu Quóc hội tỉnh Ninh Thuận - chỉ ra rằng tại Khoản 4, Điều 5 quy định cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; đề nghị cần làm rõ như thế nào là “ép buộc”, mức độ ép buộc như thế nào thì bị coi là vi phạm điều cấm; nếu người dưới 18 tuổi không bị ép buộc mà chủ động tham gia uống rượu, bia thì có cấm không; quy định về cơ chế quản lí và cơ chế kiểm soát để phát hiện hành vi vi phạm này như thế nào; chế tài xử lý vi phạm điều cấm này ra sao. Từ những lý do trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, quy định nội dung này một cách chặt chẽ, khả thi hơn trong Dự luật. Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ rõ, Dự luật giao cho Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm tuyên truyền cộng đồng thanh niên từ 16-18 tuổi không uống rượu, bia. Theo đại biểu, quy định như vậy chưa bao quát hết các đối tượng cần phòng chống tác hại của rượu, bia vì thực tế cho thấy có không ít đối tượng dưới 16 tuổi có sử dụng hoặc thường xuyên uống rượu, bia, vậy các đối tượng này có được cộng đồng tuyên truyền không sử dụng rượu bia hay không. Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét, quy định cho bao quát hết các đối tượng.
Giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu Quốc hội. Tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu, khẳng định đây là Luật tương đối khó, Bộ trưởng Bộ y tế nêu rõ, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện Dự thảo luật theo hướng tiếp cận hài hòa giữa lợi ích về sức khỏe và kinh tế; đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam; phù hợp với thông lệ và với xu thế phát triển của thế giới.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, đây là lần thảo luận đầu đối với Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, sau phiên họp đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận; tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng, kể cả về kỹ thuật văn bản để hoàn thiện Dự thảo luật với mục tiêu quan trọng là đảm bảo việc chăm sóc tốt nhất sức khỏe của nhân dân./.
Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam