Diễn đàn pháp luật

Ranh giới mong manh giữa phản biện đúng nghĩa và phản bội đồng bào

14:25, 06/09/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cùng với sự phát triển của xã hội, người dân càng ý thức rõ rệt hơn về chức năng và thực hiện phản biện xã hội trên mọi lĩnh vực của đời sống. Trên thực tiễn, phản biện xã hội được xem là kênh thông tin quan trọng để các cấp lãnh đạo tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, đưa chủ trương sát thực với cuộc sống. Tuy nhiên, việc lợi dụng phản biện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm phức tạp tình hình, thậm chí đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc của một số đối tượng xấu cần phải nghiêm trị.

Yêu nước còn là thái độ kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng để chống phá quê hương - Ảnh minh họa
Yêu nước còn là thái độ kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng để chống phá quê hương - Ảnh minh họa

Phản biện đúng nghĩa

Phản biện, theo Từ điển Tiếng Việt là “đánh giá chất lượng một công trình khoa học khi công trình được đưa ra bảo vệ để lấy học vị trước hội đồng chấm thi”. Tuy nhiên, trên thực tế, khái niệm phản biện được hiểu và áp dụng một cách rộng rãi hơn trong đời sống xã hội. Hiểu một cách đúng nghĩa, phản biện là nhu cầu tất yếu của con người, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Trong thực tiễn lịch sử con người, phản biện xã hội là một lĩnh vực không mới, đây là công cụ quan trọng góp phần xây dựng nền dân chủ thực sự, tạo ra sự phát triển về chính trị của nhiều quốc gia cường mạnh trên thế giới. Để tạo ra sự phản biện xã hội, cần huy động cả khối óc, trí tuệ, tình cảm nhằm phát hiện, phân tích và nhận diện những cái hay, cái dở, những điều đúng, điều sai để từ đó góp ý, hoàn thiện những chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, phản biện xã hội được thể hiện với mức độ, tính chất khác nhau. Điều này còn tùy thuộc vào đặc điểm tình hình, điều kiện kinh tế và trình độ phát triển về dân trí ở mỗi quốc gia. Trong đó, chiếm phần lớn trong lực lượng thực hiện phản biện là giới trí thức, những người có hiểu biết, trình độ, đã có thời gian tìm hiểu kỹ những nội dung, vấn đề được đưa ra thảo luận, từ đó góp ý sửa đổi những điểm còn thiếu sót, trì trệ. Quá trình tương tác trong phản biện xã hội luôn có sự kết nối giữa 2 phía là lãnh đạo các cấp - chủ thể của quyết sách và khối óc trí tuệ của tập thể nhân dân trong giám sát, thực hiện.

Ở Việt Nam, suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo mọi điều kiện để người dân phát triển quyền con người, xây dựng các diễn đàn, tổ chức để mọi đồng bào thể hiện các chính kiến, quan điểm trong thực hiện phản biện. Điều này được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phải phản ánh lợi ích của đa số nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Trong đó, Nghị quyết của Đảng cũng yêu cầu: “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Việc thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội đã được Hiến định thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

Nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở cơ sở được xem là khâu nối quan trọng để tổ chức, thu thập, ghi nhận những ý kiến phản biện có tính dựng xây của nhân dân. Đồng thời, thu hút đông đảo sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Điều này chứng minh quá trình thực hiện tập trung dân chủ đang diễn ra sâu rộng và sôi động trong mọi mặt của đời sống xã hội. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, chúng ta đang chung tay từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Điều đó là minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất cho phương thức mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tuy còn một số tồn tại, khó khăn nhưng lãnh đạo các cấp đang xây dựng và tạo nhiều thuận lợi để triển khai các nội dung phản biện, đảm bảo tính công khai, minh bạch, rõ ràng.

Những kẻ lợi dụng để phản bội đồng bào

Thế nhưng, có một thực tế tồn tại, đó chính là một số đối tượng xấu, vì tư lợi hẹp hòi và động cơ chính trị lại lợi dụng danh nghĩa phản biện để gây sự nghi ngờ, gieo rắc thù hận và chia rẽ mối đoàn kết trong nhân dân. Chúng sử dụng mọi chiêu trò, mánh khóe, lợi dụng các trang blog, web cá nhân thổi phồng, bôi đen những tiêu cực xã hội, tung ra nhiều thông tin nhạy cảm khó kiểm chứng nhằm thu hút sự hiếu kỳ của nhân dân, gây nhiễu loạn dư luận. Khi đó, chúng không còn ở mục tiêu phản biện như mỹ từ mà chúng đưa ra, trái lại, chúng đang đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân. Hay nói cách khác, là phản bội đồng bào, phản bội quê hương, đất nước.

Vậy điểm khác nhau căn bản của phản biện xã hội và phản bội đồng bào là gì? Chính là ở mục tiêu và cách thức thực hiện. Mục đích chính của phản biện xã hội đúng nghĩa là xây dựng vì sự nghiệp chung, vì lợi  ích chung, vì sự phát triển của đất nước. Theo đó, thái độ thể hiện phải có tính khoa học, cầu thị và có nghiên cứu đầy đủ các luận cứ, luận chứng. Ngược lại, âm mưu trong mọi kế sách làm phức tạp tình hình của các đối tượng là cố tình phá hoại, gây chia rẽ mối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ra sức thổi phồng, đặt điều, vu khống, kích động và dụ dỗ nhiều người có hành vi sai trái, thậm chí cổ súy cho việc chống lại, tấn công các lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ. Như vậy, nếu như màu sắc của phản biện xã hội là hòa bình, thân thiện thì những kẻ mượn cớ phản biện nhằm phá hoại đất nước lại muốn nhuốm sự bạo lực, chống đối lên một bộ phận người dân.

Sự phản bội này có nhiều nguyên nhân, từ hai phía chủ quan và khách quan. Với những đối tượng lệch lạc, được nuôi dưỡng bởi các thế lực phản động lưu vong, thì đó là lợi ích tài chính, là động cơ chính trị đê hèn. Âm mưu chính, lớn nhất của chúng là cố tình chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phá hoại nền độc lập, tự do của dân tộc ta. Tất nhiên, cũng không loại trừ một bộ phận người dân, xuất phát từ kém hiểu biết, bị kích động, từ đó dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Những người này chỉ là số nhỏ, và khi được giáo dục, nhận thức, họ sẽ biết con đường chân chính nào để mình quay về.

Bài học tại một số địa phương trong những vụ việc vừa qua vẫn còn nguyên giá trị. Khi những người nông dân nghèo, những thanh niên kém hiểu biết phải nhận hệ quả tất yếu vì hành vi ngông cuồng, coi thường kỷ cương phép nước, thì mọi sự đã quá muộn màng. Những điều ước giá như mình bình tĩnh tìm hiễu rõ về nội dung của các bộ luật, về sự cảnh giác trước những lời lẽ chia rẽ, kích động biểu tình bất hợp pháp của các đối tượng xấu, sẽ là lời thức tỉnh cho những người còn có nhận thức lệch lạc về phương thức biểu thị phản biện đúng nghĩa hay cố tình vi phạm pháp luật dưới danh xưng này.

Là người dân yêu nước chân chính, không ai muốn gán lên mình hành vi chống phá Nhà nước, cũng chẳng ai muốn đồng bào, anh em mình bị chia rẽ. Bởi khi đã gắn trên mình hai chữ phản bội, nghĩa là chúng ta đã chà đạp lên truyền thống, lịch sử đất nước, lên những giá trị cốt lõi ngàn đời để tạo dựng nên mình, nên quê hương dòng dõi. Vì thế, hãy tỉnh táo, hãy cảnh giác và cao hơn đó là thái độ mạnh mẽ, kiên quyết hơn để không bị những kẻ xấu lấy danh nghĩa phản biện xã hội dụ dỗ, mua chuộc, để lên án, vạch mặt những kẻ dùng mọi cách làm suy yếu đất nước. Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng những ý kiến phản biện đúng nghĩa, những quan điểm, thái độ nhiều chiều trong xây dựng các chủ trương, đường lối. Vì thế, hãy là một người dân yêu nước, phản biện đúng pháp luật, đừng để bị cuốn và trượt dần sang bờ phía phản bội đồng bào.

Mai Hậu

Các tin khác