Diễn đàn pháp luật
Không bao giờ có cái gọi là 'biểu tình ôn hòa'!
(Congannghean.vn)-Trong chiến lược thực hiện “diễn biến hòa bình” tại Việt Nam, lời kêu gọi xuống đường “biểu tình ôn hòa” được các đối tượng xấu thường xuyên sử dụng. Kết hợp với sức lan tỏa từ mạng xã hội, chúng coi đây là phương thức khả dĩ để tập hợp, kích động, gây phức tạp tình hình ANTT trên địa bàn. Vậy có hay không cái gọi là “biểu tình ôn hòa” và ai sẽ là người hưởng lợi chính từ kế sách trên của các đối tượng xấu? Liệu rằng, có cái gọi là “yêu nước”, “hòa bình” như lời dụ dỗ ban đầu?
Nhiều đối tượng quá khích, gây rối trật tự công cộng đã bị khởi tố, bắt tạm giam là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người |
Tính đến nay, sự việc gây mất ANTT tại tỉnh Bình Thuận đã qua hơn 2 tháng. Hàng chục đối tượng đã bị khởi tố, bắt tạm giam, phục vụ công tác điều tra. Đó là bài học, lời cảnh tỉnh cho những kẻ còn có thái độ coi thường pháp luật, kỷ cương phép nước. Sự việc tại Bình Thuận không phải là lần đầu tiên những kẻ âm mưu chính trị lựa chọn phương thức kêu gọi, kích động người dân xuống đường “biểu tình ôn hòa, hợp tác”.
Còn nhớ cách đây 1 năm, tại Nghệ An, 2 linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam cũng đã kích động người dân xuống đường, cố ý làm phức tạp tình hình ANTT trên địa bàn. Hệ quả là, giao thông tê liệt trong nhiều giờ đồng hồ liền, những người dân thiếu hiểu biết biến thành nạn nhân của những tư lợi hẹp hòi, thay vì mục tiêu cao cả mà các đối tượng rêu rao. Không có vì môi trường nào cả, lại càng không thể có quyền lợi của các con chiên, tất cả bị cuốn vào mưu đồ đen tối được các thế lực xấu giật dây phía sau.
Quan sát có thể nhận thấy, điểm chung giống nhau của những lần kêu gọi xuống đường tiến hành, đó là, ngay từ đầu, các đối tượng đều sử dụng cụm từ “biểu tình ôn hòa” để rủ rê, dụ dỗ, kêu gọi người dân. Chúng đặc biệt sử dụng mạng xã hội để lan tỏa lời kích động xuống đường.
Trở lại vụ việc ở Bình Thuận, ngoài những đối tượng “cốt cán”, có âm mưu chính trị từ trước, có không ít người dân bị lôi kéo vì sự thiếu hiểu biết, hay sự quá khích bắt đầu từ suy nghĩ “tham gia cho vui”. Như vậy, thành phần tham gia rất đa dạng, trong đó, có một bộ phận người dân không hề biết rõ kế hoạch sâu xa của các đối tượng xấu. Chưa kể đến, người kêu gọi biểu tình nâng quan điểm yêu nước, bảo vệ dân tộc nhưng lại “treo thưởng” vài trăm nghìn đồng cho những ai tham gia. Chúng dùng mọi thủ đoạn để kích động, lôi kéo càng đông người tham gia càng tốt. Chúng sẵn sàng ghép hình ảnh người dân xuống đường ăn mừng chiến thắng trong các sự kiện trước đó để “chứng minh” về “sự lan tỏa” của lời kêu gọi.
Với chúng, dù không có hành vi phản đối chính quyền nào thì việc xuống đường làm ách tắc giao thông, đảo lộn cuộc sống của người dân cũng là thành công. Nếu có điều kiện thuận lợi, chúng sẽ khơi những “mồi lửa” bạo lực, như khiêu khích lực lượng chức năng, để rồi vu khống lực lượng của ta đàn áp người biểu tình ôn hòa. Hoặc chúng trực tiếp đánh người dân hoặc đánh người của lực lượng bảo vệ, gây nên tình trạng hỗn loạn, từ đó nảy sinh tâm lý đám đông, có thể dẫn đến hành vi bạo lực do nhìn nhận sai lệch vấn đề.
Và trên thực tế, chẳng có cái gọi là “ôn hòa, hợp tác” nào cả. Những kẻ kích động đã sử dụng những vật dụng sẵn có hoặc được chuẩn bị trước, tấn công vào lực lượng chức năng. Sự thật, sẽ không bao giờ có ôn hòa nào hết, khi tất cả mọi kế hoạch, âm mưu của các đối tượng xấu đã được dự trù sẵn, nhằm kích động, hướng người dân vào vòng cuốn bạo lực.
Trong nhiều trường hợp, khi giao thông bị ách tắc do đông người tụ tập, lực lượng Cảnh sát được huy động để đảm bảo trật tự giao thông, dẫn đường cho xe khách, xe tải lưu thông thì đám đông quá khích đã tấn công cả lực lượng Công an lẫn xe khách, xe tải. Chúng cho rằng xe khách, xe tải không dừng lại là không “yêu nước” rồi tấn công luôn cả tài xế và hành khách. Những người dân vốn trước kia là đồng bào, anh em giúp đỡ nhau, nay bị kích động tấn công thiếu kiểm soát, không có thời gian để bình tĩnh phân biệt đúng - sai, phải - trái!
Từ những cuộc biểu tình “ôn hòa” đó, người dân sẽ được gì? Không có gì cả, thậm chí còn mất rất nhiều. Người bị thương, người phải bỏ buôn bán, kinh doanh chạy theo biểu tình. Kẹt xe, trễ chuyến bay, lỡ việc, mất hàng trăm hợp đồng quan trọng, kinh tế bị ảnh hưởng. Thiệt hại về vật chất nặng nề không kém. Các công trình trọng điểm bị phá hoại, tài sản bị hư hỏng nhiều. Vậy là, thay vì ngân sách bỏ ra để nâng cao năng suất lao động hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân thì nay phải đi sửa chữa lại cơ quan, phòng làm việc, sửa chữa phương tiện bị hư hỏng. Một vùng quê vốn yên bình, nay đã bị kẻ xấu lợi dụng để gây mất ANTT, ảnh hưởng mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn.
Tất cả chỉ vì thiếu hiểu biết, vì không làm chủ bản thân, đã biến mình thành công cụ cho những đối tượng xấu luôn giơ chiêu bài “yêu nước, dân chủ” để lôi kéo, kích động người dân. Và tất nhiên, sau mỗi vụ việc, các trang mạng phản động ở trong và ngoài nước lại tiếp tục có cớ rêu rao về tình hình vụ việc để xin tài trợ.
Cần nhìn nhận rõ rằng, với các chiêu trò, kịch bản mới “biểu tình trong ôn hòa”, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng “lòng tốt của người dân” và sự thiếu hiểu biết về các vấn đề môi sinh, môi trường; về giải phóng mặt bằng… của những người này, thổi phồng lợi ích cá nhân để kích động họ quay lưng lại chế độ; phản bội gia đình, dòng tộc, quê hương, Tổ quốc; đi theo các thế lực thù địch tham gia biểu tình, tuần hành, bãi công, quậy phá, gây rối loạn tình hình, làm mất ổn định chính trị - xã hội; cản trở sản xuất, kinh doanh; làm khó dễ cho công tác quản lý địa bàn của chính quyền địa phương.
Chính trên các diễn đàn, rất đông người dân đã bày tỏ thái độ phản đối gay gắt đối với các vụ bạo lực vừa qua và cũng phần nào nhận ra được âm mưu của các thế lực phản động, mà cụ thể là “Việt Nam Canh tân cách mạng đảng” (Việt Tân) và “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” (do Đào Minh Quân tự phong là “Thủ tướng”). Thực tiễn lịch sử tại nhiều quốc gia đã minh chứng nhiều ví dụ đau lòng về việc người dân vì thiếu hiểu biết tham gia vào những vụ việc tụ tập, gây rối mà cái ban đầu bao giờ cũng được “dán nhãn ôn hòa, hợp tác”. Tất cả mọi sự hối hận đều đã quá muộn màng.
Người dân Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình. Chúng ta kiên trì lựa chọn con đường hòa bình để giải quyết các tranh chấp. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam sẽ rất nghiêm minh với các đối tượng xấu lợi dụng chiêu bài biểu tình ôn hòa để kích động, gây phức tạp tình hình. Để thể hiện quan điểm, chính kiến của mình, có nhiều hình thức được thừa nhận theo quy định của pháp luật. Trong mọi trường hợp, người dân phải nâng cao cảnh giác và luôn tỉnh táo để không trở thành nạn nhân bị cuốn vào những lời dụ dỗ, lôi kéo từ các đối tượng xấu, nhất là qua mạng xã hội như hiện nay.
Trần Lâm