Diễn đàn pháp luật

Ngăn chặn hoạt động đánh bắt thủy sản bằng chất nổ

08:57, 25/07/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Việc đánh bắt thủy sản bằng thuốc nổ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, mà còn trực tiếp đe dọa đến tính mạng người sử dụng chất nổ. Tại Nghệ An, vấn đề trên đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng để chấm dứt thực trạng này là điều không đơn giản.

Đối tượng (X) vận chuyển thuốc nổ bị lực lượng chức năng bắt giữ
Đối tượng (X) vận chuyển thuốc nổ bị lực lượng chức năng bắt giữ

Tại một số làng biển các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và TX Cửa Lò, Hoàng Mai, nơi có số lượng lớn tàu thuyền hành nghề đánh bắt hải sản, nhiều người dân thừa nhận việc đánh bắt hải sản bằng chất nổ trên biển hiện đang diễn ra khá phổ biến. Trong khi ngư trường khai thác gặp khó khăn, chi phí đi biển tăng cao, điều kiện đánh bắt ngày một bất lợi thì không ít ngư dân coi đây là một giải pháp hiệu quả để đánh bắt trên biển.

Các hình thức khai thác đánh bắt theo kiểu tận diệt này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản mà còn trực tiếp tác động xấu tới môi trường biển, gây mất ANTT.

Mặc dù thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền cho ngư dân về việc sử dụng xung điện, chất nổ để đánh bắt, khai thác thủy sản là trực tiếp hủy hoại môi trường nước, khiến các loài thủy hải sản bị tiêu diệt tận gốc, không phát triển được; đồng thời tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn, tuy nhiên, tình trạng sử dụng thuốc nổ để đánh bắt hải sản ven bờ vẫn diễn biến khá phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường…

Theo ghi nhận của BĐBP tỉnh, hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc nổ để đánh bắt hải sản ven bờ chủ yếu xảy ra trên vùng biển từ khu vực Quỳnh Nghĩa, Tiến Thuỷ (Quỳnh Lưu); Quỳnh Dị, Quỳnh Lập (Hoàng Mai); Diễn Ngọc (Diễn Châu); Nghi Quang (Nghi Lộc); Nghi Thuỷ, Nghi Tân (Cửa Lò).

Qua công tác trinh sát, BĐBP tỉnh nắm được có ít nhất 40 tàu, thuyền có dấu hiệu sử dụng thuốc nổ để đánh bắt hải sản trái phép, với hàng trăm đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng thuộc BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản nên đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ tàng trữ, sử dụng thuốc nổ trái phép trên biển. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra kiểm soát còn thiếu; mặt khác, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi nên tình trạng sử dụng thuốc nổ để đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Theo Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy BĐBP tỉnh, việc các đối tượng lén lút sử dụng thuốc nổ để đánh bắt hải sản trái phép đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề. Cụ thể, nguồn lợi thủy sản ven bờ bị hủy diệt; cân bằng sinh thái bị phá vỡ; công tác đảm bảo an ninh, an toàn trên biển bị tác động xấu; việc lưu thông hàng hải của các loại phương tiện khác gặp trở ngại; các hoạt động du lịch tại 2 bãi tắm chủ lực của tỉnh là Cửa Lò và Cửa Hội bị ảnh hưởng không nhỏ. Đặc biệt, các rặng san hô biển cũng đang bị hủy hoại do sức công phá của thuốc nổ.

Hàng năm, cứ vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, nạn sử dụng thuốc nổ trái phép để đánh bắt hải sản lại bùng phát. Trước thực trạng này, Đại tá Lê Như Cương cho biết, hiện nay, lực lượng BĐBP tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn. Trong đó, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền những quy định của Nhà nước về sử dụng thuốc nổ và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; yêu cầu các đối tượng nghi vấn ký cam kết không tàng trữ và sử dụng thuốc nổ trái phép; ngăn chặn, xử lý tình trạng mua bán thuốc nổ trôi nổi trên thị trường; bố trí lực lượng trinh sát tăng cường công tác bám địa bàn để kịp thời nắm thông tin, tình hình; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm.

Về giải pháp căn cơ, lâu dài, Đại tá Lê Như Cương cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho những đối tượng sử dụng thuốc nổ để đánh bắt hải sản, vì đa số họ đều rất nghèo và không có nghề phụ.

Cao Loan

Các tin khác