Diễn đàn pháp luật

Công tác phòng, chống tham nhũng: Nhiều kết quả quan trọng

08:30, 01/08/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tham nhũng từng bước được kiềm chế và có chiều hướng giảm dần, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của công dân
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của công dân

Tăng cường thanh, kiểm tra

Ngày 2/2/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 79 về công tác PCTN năm 2018. Theo đó, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, ngành, địa phương là tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như: Đầu tư, tài chính ngân sách, mua sắm công, công tác cán bộ… Cùng với đó, chú trọng thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để từng bước xóa bỏ tình trạng quan liêu trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước…

Theo Kế hoạch, việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của đội ngũ cán bộ, thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập và quy định nộp lại quà tặng; thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng… cũng được tiến hành một cách toàn diện.

Nhờ vậy, công tác PCTN đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo số liệu ngành Thanh tra tỉnh cung cấp, 6 tháng đầu năm, qua công tác thanh tra thẩm định dự toán, kiểm soát thu, chi ngân sách và công tác điều tra, kiểm sát, xét xử các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát hiện tổng giá trị sai phạm 135,283 tỉ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017); đã xử lý 104,679 tỉ đồng, đạt 77,39%.

Cụ thể, toàn ngành đã triển khai 137 cuộc thanh tra hành chính tại 401 đơn vị, bao gồm 118 cuộc theo kế hoạch và 19 cuộc đột xuất. Đã kết thúc 75 cuộc, trong đó ban hành kết luận 70 cuộc. Hiện còn 62 cuộc đang trong thời gian thực hiện. Qua thanh tra, phát hiện 247 đơn vị được thanh tra có vi phạm với số tiền vi phạm và kiến nghị xử lý là 21,611 tỉ đồng, đạt 70,4% (trong đó đã thu hồi về ngân sách 3,190 tỉ đồng; đã xử lý 15,219 tỉ đồng). Qua thanh tra cũng đã kiến nghị xử lý hành chính 5 tổ chức và 31 cá nhân có sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc. Tuy nhiên, qua công tác tự kiểm tra, thanh tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, không có vụ việc tham nhũng, lãng phí nào được phát hiện.

Đối với thanh tra chuyên ngành, đã thực hiện 708 cuộc tại 3.518 cá nhân, tổ chức; qua đó, ban hành 1.034 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 836 cá nhân và 198 tổ chức với số tiền xử phạt 4,890 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như giao thông vận tải, nông nghiệp phát triển nông thôn, xây dựng, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông.

Về thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và PCTN, toàn ngành đã thực hiện 38 cuộc tại 57 đơn vị. Qua đó, phát hiện 24 đơn vị có vi phạm; kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 89 tổ chức và 339 cá nhân có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ công vụ; trong đó sai phạm chủ yếu là giải quyết các nhiệm vụ được giao chậm thời gian quy định.

Cũng trong thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) được quan tâm thực hiện tốt đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn tham nhũng. 6 tháng đầu năm, các cơ quan quản lý Nhà nước đã tiếp nhận 211 vụ việc KNTC. Đến nay, các cấp, ngành đã giải quyết được 191/211 vụ việc, đạt 90,5%. Quá trình giải quyết, đã kiến nghị xử lý sai phạm cả về hành chính và kinh tế.

Cụ thể, về kinh tế, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi vào ngân sách Nhà nước 4,305 tỉ đồng, trả lại cho công dân 3,377 triệu đồng. Về kiến nghị xử lý hành chính, đã đề nghị các cấp thẩm quyền kỷ luật hành chính 14 cá nhân có sai phạm, đã xử lý 8 cá nhân, bảo vệ quyền lợi cho 58 người.

Phát huy vai trò toàn xã hội trong cuộc chiến chống tham nhũng

Công tác PCTN đạt được những kết quả nói trên là nhờ phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể và cả xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư KNTC; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng của các Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng có vai trò giám sát cán bộ công chức, thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở, giám sát các chương trình, dự án, việc quản lý đất đai, các chính sách KT-XH… Qua đó, góp phần quan trọng làm hạn chế việc phát sinh các tiêu cực, thất thoát trong quá trình quản lý Nhà nước của bộ máy chính quyền cơ sở, hạn chế tham nhũng, lãng phí ở địa phương.

Toàn cảnh buổi tiếp dân
Toàn cảnh buổi tiếp dân

Đóng góp quan trọng vào cuộc chiến chống “giặc nội xâm” cũng không thể không kể đến vai trò, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cơ quan báo chí thông qua các bài viết phổ biến pháp luật về PCTN; cung cấp thông tin về kết quả thực hiện công tác PCTN cho nhân dân được biết; công bố những thông tin do nhân dân cung cấp về những hiện tượng, sự việc có dấu hiệu tham nhũng và thông tin kịp thời, chính xác những vụ việc tham nhũng đang được điều tra, xử lý… Qua đó, góp phần hình thành dư luận xã hội rộng rãi trong đấu tranh PCTN.

Cùng với đó, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh với vấn nạn này; với việc cung cấp nhiều thông tin, ý kiến đóng góp, tố cáo các sai phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước của cán bộ, công chức; tố giác các sai phạm về kinh tế, tham nhũng; trực tiếp giám sát việc xây dựng công trình tại địa phương mình…

Những kết quả tích cực, rõ rệt nói trên mới chỉ là bước đầu và những tồn tại, hạn chế của công tác PCTN vẫn còn hiện hữu. Tại một số địa phương, cấp, ngành, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nể nang, né tránh, ngại va chạm. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng ở nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Bên cạnh đó, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp... vẫn còn tồn tại.

Cũng qua thực tiễn đẩy mạnh PCTN thời gian qua cho thấy, khi đã xảy ra tham nhũng, phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định; với phương châm không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, xử lý nghiêm cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng.

Tuy nhiên, bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, cũng cần có cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người đứng ra tố cáo các hành vi sai phạm; đồng thời xem xét, đánh giá khách quan, cân nhắc kỹ tình hình thực tế và quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống để xử lý cho phù hợp nhằm động viên, khuyến khích, bảo vệ những người có tư tưởng đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Thùy Dương

Các tin khác