(Congannghean.vn)-Với mục đích giáo dục người dân sống và làm việc theo pháp luật, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đặc biệt, hình thức tuyên truyền bằng các phiên tòa xét xử lưu động do TAND thực hiện thu hút một lượng người dân đến xem để nắm bắt tình hình, diễn biến vụ việc cũng như mức án; qua đó, góp phần đẩy mạnh giáo dục pháp luật tới mọi người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc xét xử lưu động còn gặp phải một số hạn chế.
Một đối tượng bị xét xử tại phiên tòa xét xử lưu động |
Có mặt tại trụ sở UBND xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương để đưa tin phiên tòa xét xử lưu động vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy, chúng tôi thấy có rất nhiều người dân đến đây từ rất sớm. Trong khi chờ đợi thời gian xét xử, người dân bàn luận sôi nổi, đưa ra những lời nhận xét, phán đoán về mức án, hình phạt mà bị cáo phải chịu. Người dân đến đây ngoài gia đình, người thân còn có bạn bè, hàng xóm, láng giềng của bị cáo. 1 người dân xã Tràng Sơn cho biết: Hiện nay, tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp. Chúng tôi đến đây để nắm diễn biến vụ việc, nghe HĐXX xét hỏi, phân tích; qua đó, hiểu thêm kiến thức pháp luật cần thiết để bản thân tránh xa các hành vi vi phạm pháp luật cũng như giáo dục con em mình.
Không chỉ có các vụ án mua bán trái phép chất ma túy, những phiên tòa lưu động còn xét xử nhiều vụ trộm cắp, cướp giật, cố ý gây thương tích… Tùy vào mức độ, tính chất của từng bị cáo, từng vụ việc, phiên tòa sẽ có kết luận và công bố mức án cụ thể, chính xác. Thực tế, thông qua những phiên tòa này, người dân sẽ được tiếp cận, gần hơn với các luật, bộ luật. Từ đó, có thêm những kiến thức pháp luật, cách đối nhân xử thế cũng như giáo dục con em mình phải sống, lao động, học tập và làm việc theo pháp luật. Bên cạnh đó, với sự tham gia của người dân bằng thái độ khách quan, công minh trong quá trình xét hỏi hay trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của các bên trong tranh tụng, mục đích cuối cùng là tìm ra sự thật của vụ án cũng như đảm bảo đầy đủ, đúng các nguyên tắc của quá trình xét xử.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp Nghệ An, năm 2017, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử 389 vụ án lưu động tại các địa bàn là các “điểm nóng” về tội phạm, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia; qua đó có tác dụng răn đe, phòng ngừa phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên cũng phải nhận thấy một điều rằng, những phiên tòa xét xử lưu động còn có những bất cập. Vừa qua, tại phiên họp Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ quy định về chỉ tiêu tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động quy định tại Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Chánh án TAND huyện Đô Lương cho biết: “Với các phiên tòa xét xử lưu động tại cơ sở, không phủ nhận tác dụng là tuyên truyền và giáo dục pháp luật bởi thu hút nhiều người dân tham dự. Có điều mặt trái của nó là gây tâm lý hoang mang, lo lắng, xấu hổ cho bị cáo cũng như gia đình của họ...”. Theo các chuyên gia, những vụ án xâm hại nhân thân, sức khỏe sẽ gây áp lực đối với những người tiến hành tố tụng, bị cáo, gia đình bị cáo và cả bị hại...
Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa lưu động đã và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những mặt hạn chế, đòi hỏi từ chính nhận thức của mỗi người dân tham dự phiên tòa cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, địa phương nhằm răn đe, đặc biệt là nâng cao kiến thức hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho toàn cộng đồng.