Diễn đàn pháp luật

Tìm hiểu chế định Thừa phát lại

08:27, 19/06/2014 (GMT+7)

Bài 2: Kết quả hoạt động thí điểm của mô hình Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh

 
(Congannghean.vn)-Từ kết quả thực hiện thí điểm mô hình chế định Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua, bước đầu đã cho thấy mô hình này là cần thiết cho người dân, xã hội nói chung, cho hoạt động Tư pháp nói riêng; vì vậy, ngày 12/9/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2282/QĐ-BTP về việc phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” tại tỉnh Nghệ An. Ngày 22/3/2014, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1051/QĐ-UBND cho phép thành lập “Văn phòng Thừa phát lại TP Vinh”.
 
*Bài 3: Thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại Nghệ An
 
Trên cơ sở thống nhất với TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tài chính về việc xác định địa phương mở rộng thí điểm, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 1531/QĐ-BTP ngày 24/6/2013, chọn 12 địa phương để mở rộng thí điểm chế định này (ngoài TP Hồ Chí Minh) gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long và Nghệ An.
 
Ngày 22/3/2014, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1051/QĐ-UBND cho phép thành lập “Văn phòng Thừa phát lại thành phố Vinh”. Hiện nay, Văn phòng đặt tại địa chỉ số 15B, đường Hà Huy Tập, phường Hà Huy Tập, TP Vinh. Đây là Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên của tỉnh Nghệ An.
 
Theo quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 (về sửa đổi bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61) thì Văn phòng Thừa phát lại TP Vinh có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
 
1. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự: Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Khi xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin tương tự thẩm quyền của chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự khi xác minh điều kiện thi hành án. Đương sự có quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án dân sự trong trường hợp vụ việc đó đang do cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành.
 
2. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự: Văn phòng Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định: Bản án sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng. Trong quá trình tổ chức thi hành án Thừa phát lại có quyền, nghĩa vụ như chấp hành viên được quy định trong Luật thi hành án Dân sự.
 
3. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc của cơ quan Thi hành án dân sự. Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt văn bản của Tòa án (trừ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao), Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt của đương sự; các quyết định về thi hành án, giấy báo triệu tập của cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề nghị của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận để tống đạt các loại văn bản giấy tờ khác.
 
4. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức: Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền lập vi bằng nhằm ghi nhận sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự (trừ các trường hợp các việc Thừa phát lại không được làm; các trường hợp vi phạm quy định về đảm bảo an ninh quốc phòng, xâm phạm đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm). Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
 
Như vậy, trong bốn công việc trên, công việc thứ nhất (xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự) và công việc thứ 2 (trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự) thì Thừa phát lại có thẩm quyền như Chấp hành viên thi hành án dân sự. Tuy nhiên, Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án (hay nói cách khác, việc thi hành án để thu tiền, tài sản nộp vào ngân sách nhà nước Văn phòng Thừa phát lại không được phép làm). Công việc thứ ba (thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc của cơ quan Thi hành án dân sự), Thừa phát lại đi tống đạt văn bản giấy tờ của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự nhà nước nhằm hỗ trợ các cơ quan này trong hoạt động của mình.
 
Đặc biệt, công việc thứ tư (lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức) là công việc mang tính chất độc quyền của Thừa phát lại. Vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị chứng cứ, lập vi bằng là một công việc gần giống với hoạt động công chứng, nhưng rộng hơn. Nếu công chứng chỉ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch… bằng văn bản, thì lập vi bằng là việc Thừa phát lại lập văn bản trong đó ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
 

Bá Hảo

Các tin khác