Diễn đàn pháp luật

Bắt giữ, trói treo biển làm nhục cháu bé ăn trộm sách phạm tội gì?

14:02, 11/05/2014 (GMT+7)
Chiều 25/4 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã tống đạt lệnh khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 4 đối tượng gồm: Nguyễn Ngọc Tân (31 tuổi), Lê Trần An (23 tuổi), Nguyễn Thị Thanh Cưng (26 tuổi) và Phan Văn Hải (25 tuổi) đều là nhân viên của siêu thị Vĩ Yên, trong vụ nữ sinh bị làm nhục tại siêu thị Vĩ Yên. 
 
Nội dung vụ án
 
Trước đó, vào sáng 10/4, S. và một số bạn học cùng lớp vào siêu thị Vĩ Yên chơi. S đã trộm hai cuốn truyện tranh Dâu chua và Đào trường thọ. Bốn nhân viên của siêu thị phát hiện việc S. lấy cắp, đã yêu cầu S. viết bản tường trình, và dán vào ngực S. tờ giấy có in dòng chữ “Tôi là người ăn trộm”.
 
Tại buổi làm việc với Công an thị trấn Chư Sê chiều 14/4, ông Phan Văn Hải, bảo vệ siêu thị Vĩ Yên thừa nhận đã cùng ba nhân viên của siêu thị gồm Cưng, An, Tân bắt giữ cháu S. lại. Ông Hải nói rằng lúc đó do S. không chịu khai nên nhóm nhân viên đã cùng nhau trói, dùng băng dính bó chặt hai tay S. vào lan can sắt. Ông Hải đã dùng điện thoại chụp hình lại và đến chiều cùng ngày tung lên Facebook để “chém cho vui”.
 
Vấn đề cần trao đổi là những người liên quan trong vụ việc này có phạm tội không và nếu có thì phạm tội gì? Việc tạm giam 4 nhân viên siêu thị và bảo vệ có hợp lý không?
 
- Ý kiến bạn đọc:
 
Cần xử lý nghiêm để làm gương
 
Sự việc cháu S. bị bắt trói tại siêu thị là vụ việc chấn động, được dư luận tại tỉnh Gia Lai quan tâm. Chắc chắn, lãnh đạo tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan đã yêu cầu làm rõ sự việc này. Trên cơ sở các chứng cứ thu thập được, tôi nghĩ việc trói và dán biển vào người cháu S bắt cháu đứng giữa chốn đông người là hành vi bắt người trái pháp luật.
 
Nếu cháu S vi phạm thì có pháp luật xử lý chứ không được tự xử như vậy. Song tôi cũng cho rằng các cơ quan điều tra cũng phải củng cố chắc chắn hồ sơ, xem xét hết các khía cạnh, tình tiết để truy tố đúng người đúng tội, tránh oan sai, tránh vì dư luận mà làm sai sự thật vụ án. 
 
Ông Phạm Văn Mỹ (Thị trấn Chư Sê tỉnh Gia Lai)
 
Đây là hành vi làm nhục người khác
 
Sự việc của cháu S. không phải là vụ án quá nghiêm trọng nhưng lại gây chú ý đặc biệt của dư luận. Yếu tố chính của sự việc này là hành động tung ảnh cháu S. bị trói lên Facebook, khiến dư luận hết sức bức xúc. Cháu bé mới học lớp 7, việc làm như vậy là tổn thương đến tâm lý của cháu, ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý sau này. Tôi cho rằng hành vi của các nhân viên siêu thị và bảo vệ là hành vi làm nhục người khác nên phải xử lý theo quy định của pháp luật. Luật hình sự cũng đã có quy định về tội làm nhục người khác. Quan trọng nhất là để có bài học sau này, những người bảo vệ các cơ sở không còn coi thường pháp luật, cứ tưởng mình làm bảo vệ và người khác phạm lỗi thì muốn làm gì thì làm.
 
Anh Nguyễn Văn Ba (Gia Lai)
 
Có nhất thiết phải tạm giam họ không?
 
Đành rằng em S. có sai phạm khi trộm cắp hai quyển sách ở siêu thị Vĩ Yên, nhưng dư luận lại rất bức xúc trước việc 4 nhân viên siêu thị bắt giữ và bêu xấu em này trên mạng Internet. Điều gây phẫn nộ nhất chính là việc nhóm nhân viên đã đeo vào ngực S. tờ giấy in dòng chữ “Tôi là người ăn trộm”. Từ đó, có nhiều ý kiến đề nghị phải xử lý nghiêm những người liên can và đa số đều tập trung vào các nhân viên siêu thị đã có hành vi làm nhục S. Song cũng cần phải nhắc lại rằng theo điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự, các bị can trong vụ án bắt trói em S. thuộc phạm tội ít nghiêm trọng và không có căn cứ để khẳng định họ có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hay tiếp tục phạm tội. Vậy có nhất thiết phải tạm giam họ không?
 
Nguyễn Thị Ngọc (Đoàn luật sư TP.HCM)
 
Khởi tố là đúng
 
Theo tôi, khởi tố hành vi bắt giữ người trái pháp luật đối với nhóm nhân viên siêu thị bắt trói em S. là đúng. Trong trường hợp này, cháu bé không những bị bắt giữ trái phép, lại còn bị làm nhục khi phải đeo tấm biển trước ngực để mọi người nhìn thấy. Đặc biệt, hành vi của nhóm nhân viên siêu thị có tình tiết tăng nặng bởi đối tượng bị bắt giữ là trẻ em. Pháp luật vừa để giáo dục, nhưng cũng cần phải răn đe. Chúng ta không cổ xúy cho hành vi ăn cắp, nhưng cũng không bảo vệ hành vi xúc phạm nhân phẩm danh dự một con người, nhất là trẻ em.
 
Ông Lê Quý (Quận 3 TP.HCM)
 
- Bình luận của luật sư:
 
Trong vụ án này có 5 người liên can gồm: Cháu S. và 4 bảo vệ. Xem xét các hành vi, ở đây có dấu hiệu phạm hai nhóm tội, nhóm thứ nhất là xâm phạm quyền sở hữu tài sản, cụ thể là tội trộm cắp, nhóm thứ hai là xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người với các tội danh: bắt giữ trái phép, làm nhục người khác. Ngoài ra việc tung clip lên mạng internet còn có thể phạm tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử. 
 
Chúng ta cần phân tích để thấy rõ hành vi của những người liên quan trong vụ án này phù hợp với tội danh nào được quy định trong Bộ Luật Hình sự.
 
Thứ nhất cần phải khẳng định, cháu S. đã có hành vi trộm cắp. Song theo quy định của điều 138 Bộ luật Hình sự về tội trộm cắp tài sản: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Như vậy với tài sản trộm cắp là hai cuốn sách, cháu S. không thể bị truy tố về tội trộm cắp tài sản. Thêm nữa, cháu còn đang ở độ tuổi thiếu nhi, càng không thể truy tố cháu được. Chế tài duy nhất có thể áp dụng cho cháu S. là phạt hành chính với điều kiện phải có người giám hộ và người nộp phạt là người giám hộ.
 
Thứ hai, nhóm 4 nhân viên siêu thị và bảo vệ đã làm điều sai trái. Hành vi của các bảo vệ ban đầu, khi giữ cháu lại là đúng vì nó thể hiện việc bắt quả tang hành vi vi phạm pháp luật. Lẽ ra sau đó, các bảo vệ phải mời gia đình, hoặc người giám hộ của cháu S. đến để bàn việc giải quyết hoặc mời công an đến giải quyết. Nếu chỉ vậy, các bảo vệ sẽ không phạm tội. Nhưng trong vụ án này, các bảo vệ đã có hành vi bắt trói, tự xử lý có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái phép với tình tiết tăng nặng là bắt giữ trẻ em theo khoản 2 điều 123 Bộ luật Hình sự với tội danh: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. 
 
Hành vi sai trái thứ hai của các bảo vệ là treo lên người cháu bé tấm biển có dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” và đưa ra trói ở nơi công cộng. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm điều 121 Bộ luật Hình sự với tội danh: Tội làm nhục người khác. Tội này có mức hình phạt như sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm. Tuy nhiên tội làm nhục người khác chỉ có thể bị khởi tố nếu có yêu cầu của người bị hại. Trong vụ án này, do không có yêu cầu của cháu S. hoặc gia đình cháu, 4 nhân viên và bảo vệ sẽ không bị khởi tố.
 
Hành vi cuối cùng là hành vi tung clip làm nhục cháu S. lên mạng internet. Hành vi này có thể bị truy tố theo điều 225 Bộ luật Hình sự với tội danh: Tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử. Tuy nhiên trong vụ án này, cơ quan điều tra có thể coi hành vi đưa clip lên mạng internet là tình tiết tăng nặng của tội làm nhục. Với nguyên tắc làm sao có lợi nhất cho người bị truy tố, cơ quan điều tra có quyền làm điều này. 
 
Như vậy chúng ta nhận thấy từ việc phát hiện một hành vi phạm pháp là một thành tích tới việc bất chấp các quy định pháp luật để tự xử đã biến các bảo vệ thành tội phạm. Đây là bài học cần thiết cho tất cả mọi người. Trong vụ việc này, các bảo vệ mặc dù đã phạm nhiều tội, tuy nhiên do có những quy định pháp luật cụ thể, các bảo vệ chỉ bị khởi tố theo tội danh bắt giữ người trái phép là hợp lý.
 
Tuy nhiên còn một vấn đề cần tranh luận nữa: Có cần tạm giam các bảo vệ phạm tội hay không? Theo điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự, tại điểm B khoản 1 quy định: B) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Các bảo vệ phạm tội ít nghiêm trọng theo quy định hình phạt dưới 2 năm tù. Vì vậy cơ quan điều tra sẽ cân nhắc khả năng có hay không khả năng trốn hoặc cản trở điều tra để quyết định việc tạm giam. Cái này hoàn toàn thuộc quyền đánh giá của cơ quan điều tra.
 
Luật sư Nguyễn Văn Hướng  (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Nguồn: anninhthudo.vn

Các tin khác