Diễn đàn pháp luật
Tìm hiểu chế định Thừa phát lại
16:28, 15/06/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thừa phát lại là một chức danh Tư pháp, được Nhà nước bổ nhiệm và giao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật. Đây là một chế định được người Pháp áp dụng nguyên mô hình của Cộng hòa Pháp ở nước ta. Mô hình này đã tồn tại trong suốt thời kỳ Pháp thuộc và dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Hiện nay, theo yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, chế định Thừa phát lại tiếp tục được Đảng, Chính phủ ta nghiên cứu, tổ chức thực hiện (được quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định 61).
Để giúp người dân và các cơ quan chức năng hiểu rõ hơn các quy định về chế định Thừa phát lại, Báo Công an Nghệ An trân trọng giới thiệu đến bạn đọc các nội dung liên quan đến chế định Thừa phát lại, kết quả thực hiện thí điểm tại TP HCM và việc thành lập, hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại TP Vinh.
1. Chế định Thừa phát lại trong chế độ cũ
Thừa phát lại là một chức vụ có từ thời Pháp thuộc. Thừa phát lại là từ Hán Việt; thừa có nghĩa là thừa ủy quyền, thừa lệnh (nguyên nghĩa là chuyển tải); phát là phát ra, đưa đến; lại là một viên chức thực hiện lệnh của quan.
Thừa phát lại xuất hiện ở nước ta từ khi người Pháp tổ chức tòa án, đặt ra thủ tục tố tụng kiểu phương Tây. Tiếng Pháp gọi họ là “huissier”, người Việt ta gọi họ là “mõ tòa” hay “chưởng tòa”... Chưởng tòa là tiếng Hán - Việt, vì mỗi khi hội đồng xử án đăng đường, họ có nhiệm vụ loan báo “Messieurs, la cour!” (nghĩa là: Thưa quý vị, tòa bắt đầu!”). Nói xong, viên Chưởng tòa đứng dậy giơ tay ra mở cánh cửa để hội đồng xét xử bước vào chỗ ngồi xử án.
Viên chưởng tòa có nhiệm vụ loan báo khai mạc, bế mạc phiên tòa, gọi tên các đương sự, thông báo nội quy phiên tòa... Ngoài ra, Chưởng tòa còn có nhiệm vụ tống đạt trát tòa, các giấy tờ cần thiết của tòa đến các đương sự, lập vi bằng (procès verbal) có giá trị chứng cứ để nộp cho tòa án.
Dưới chế độ cũ (nhà nước Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và Việt Nam Cộng hòa trước 1975), họ phụ trách một số công việc giúp tòa án và các đương sự và chính thức có tên gọi là Thừa phát lại. Họ là một loại “công lại” nhỏ làm việc trong cơ quan nhà nước, không có nhiệm vụ chỉ huy người khác (“quan lại” chỉ chung những người làm việc trong bộ máy nhà nước có giữ một chức vụ nào đó, tức “quan chức”; và những người không có chức vụ gì, tức “lại viên”).
Tại miền Nam, chế định Thừa phát lại còn tồn tại dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn cho tới năm 1975. Chế định Thừa phát lại được quy định tại Bộ luật Dân sự, Thương sự tố tụng và Bộ luật Hình sự tố tụng của chính quyền Sài Gòn. Nhìn chung, mô hình tổ chức hoạt động Thừa phát lại dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn tương tự mô hình này tại thời kỳ Pháp thuộc.
2. Chế định Thừa phát lại tại miền Bắc trước năm 1954
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, trên cơ sở Sắc lệnh ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc cho giữ tạm thời các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam bộ cho đến khi ban hành những bộ luật chung thống nhất cho toàn quốc, nếu những đạo luật ấy “không trái với quy tắc độc lập của Nhà nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa”, chế định Thừa phát lại tiếp tục được duy trì. Tại Sắc lệnh số 130 ngày 19/7/1946 của Chủ tịch lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quy định: Trong các xã, thị xã, khu phố, Chủ tịch, Phó chủ tịch, Thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của các tòa án. Ở những nơi nào có Thừa phát lại riêng thì đương sự có quyền nhờ Thừa phát lại riêng thi hành mệnh lệnh. Sắc lệnh cũng quy định “các bản toàn sao hoặc trích sao bản án mệnh lệnh do các phòng lục sự phát cho các đương sự để thi hành án, hoặc mệnh lệnh của các tòa án họ đều phải có thể thức thi hành ấn định như sau: “Vậy, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa truyền cho các Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự thi hành bản án này, các ông Chưởng lý và biện lý kiểm sát việc thi hành án, các thị chủ huy binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiếu luật yêu cầu…”.
Ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về “Cải cách bộ máy Tư pháp và luật tố tụng”; theo quy định này, việc thi hành án dân sự do Thừa phát lại và ban Tư pháp xã thực hiện trước đây được thay thế bằng Thẩm phán huyện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án.
Như vậy về cơ bản, sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, vì nhiều lý do khác nhau, Nhà nước ta không tiếp tục duy trì chế định Thừa phát lại. Việc tống đạt các văn bản giấy tờ do chính cơ quan tòa án và cơ quan thi hành án thực hiện. Việc tổ chức thi hành các phán quyết về dân sự của tòa án do hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự của Nhà nước thực hiện.
3. Chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay về thí điểm thực hiện chế định Thừa phát lại
Hiện nay, theo yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp góp phần làm cho nền hành chính tư pháp của chúng ta theo sát và đáp ứng tốt hơn sự phát triển của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và dân chủ hóa đời sống xã hội, chế định Thừa phát lại tiếp tục được nghiên cứu để thực hiện.
Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại có thể nói là một giải pháp mang tính đột phá nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được Đảng và Nhà nước ta đề ra trong những năm qua. Đặc biệt, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ “Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình… từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án dân sự”.
Thể chế hóa chủ trương của Đảng, ngày 14/11/2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó Quốc hội đã giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương; ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh.
Bá Hảo