An toàn giao thông
Trật tự an toàn giao thông là một bộ phận không thể tách rời của bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
Chiều 16/11/2020, tiếp tục kỳ họp thứ X, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã thống nhất cần thiết phải tách dự án Luật Bảo đảm TTATGT khỏi Luật Giao thông đường bộ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
Góp ý về dự án Luật, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Chính phủ trình 2 dự án Luật đã được thảo luận đánh giá khách quan xuất phát yêu cầu thực tiễn, được sự đồng tình cao của các bộ, gắn trách nhiệm cụ thể đến từng bộ. Đại biểu Quốc hội cũng đưa số liệu và phân tích tình hình tai nạn giao thông đường bộ chiếm 95% tổng số tai nạn giao thông; đường bộ cũng là nơi xảy ra nhiều vi phạm pháp luật, tội phạm như trộm cắp, cướp giật, buôn lậu, vận chuyển ma tuý, hàng cấm, trốn truy nã... Do đó, cần thiết phải tách dự án Luật Bảo đảm TTATGT khỏi Luật Giao thông đường bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Toàn cảnh phiên họp. |
Việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ còn cụ thể hoá quan điểm của Đảng, phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Việc tách Luật không phải phân chia quyền giữa các bộ mà trên hết là xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, xây dựng hình ảnh quốc gia văn hoá, văn minh, người dân sống và làm việc trong điều kiện tốt nhất. Các đại biểu cũng bày tỏ tán thành việc ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 và Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATGT.
Một số đại biểu cũng đánh giá, về cơ bản Dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu cấp thiết thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, còn một số băn khoăn như: Sự cần thiết xây dựng, ban hành dự án Luật; việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an; quy định như vậy có làm tăng chi phí ngân sách, tăng biên chế, tổ chức bộ máy ở Bộ Công an, ảnh hưởng đến cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe hay không?
Tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu về dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm đối với dự án Luật; khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, giải trình thấu đáo.
Bộ trưởng Tô Lâm tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. |
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đối với những vấn đề lớn, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, ngày 05/11/2020 vừa qua, Chính phủ đã có Báo cáo số 585 gửi Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và thông tin đầy đủ đến các đại biểu.
Về sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ hay không, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc tách nội dung bảo đảm TTATGT khỏi Luật Giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội do Bộ Công an chịu trách nhiệm chính. Chính phủ xác định TTATGT là một bộ phận không thể tách rời của bảo đảm trật tự, an toàn xã hội nên đã yêu cầu xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT, giao trách nhiệm cho Bộ Công an chịu trách nhiệm chính công tác này, phối hợp với các bộ, ngành khác để bảo đảm ATGT cho người dân.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, nếu giao trách nhiệm cho Bộ Công an, lực lượng Công an không tăng biên chế, không tăng thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân. Đồng thời nhấn mạnh, dự thảo Luật đã được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan chuyên trách thảo luận rất kỹ, thống nhất Bộ Công an nhận trách nhiệm chính trong bảo đảm ATGT cho người dân.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong quá trình dự thảo Luật, Cơ quan soạn thảo đã rất quan tâm đến vấn đề phổ cập Luật đến toàn xã hội, đến các tầng lớp xã hội, nên các quy định trong dự thảo Luật đều được trình bày dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Do đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, nếu để chung với các luật khác sẽ quá dài và khó tiếp cận. Đồng thời nhấn mạnh, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các thành viên Chính phủ nhất trí; đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã bàn thảo, thống nhất cao việc tách thành hai dự án Luật, không vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng văn bản pháp luật, không làm chồng chéo, ảnh hưởng lẫn nhau.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận phiên họp. |
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng việc đảm bảo TTATGT nhất là lĩnh vực đảm bảo ATGT đường bộ là vấn đề quan trọng, lĩnh vực được nhân dân, cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm, đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ, mang tính tổng thể, để điều chỉnh tốt nhất những vấn đề đặt ra từ thực tế; hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cần có đánh giá khách quan, tổng thể và Quốc hội sẽ có ý kiến sau...
Nguồn: Bộ Công an