Pháp luật
Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn
08:58, 11/11/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, tại một số địa phương vẫn xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Thực trạng này đặt ra vấn đề cấp bách cho các cấp, ngành chức năng trong việc đưa ra các giải pháp mang tính khả thi để lập lại tình hình TTATGT, nhất là trong hoạt động vận tải.
Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát đối với hoạt động vận tải trên các tuyến, địa bàn |
Đặc biệt, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp tốt với Công an các huyện, thành, thị kiểm tra, xử lý các vi phạm về vận tải hành khách, hàng hóa và vi phạm về TTATGT. Trong đó, tập trung xử lý nhiều tồn tại như: Phương tiện quá khổ, quá tải, vi phạm kích thước thành, thùng xe; hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe hợp đồng; xe ôtô từ 5 đến 7 chỗ ngồi hoạt động kinh doanh vận tải không phép (xe dù). Trong 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1.741 trường hợp, với số tiền xử phạt tương ứng hơn 5,8 tỉ đồng; tước Giấy phép lái xe 512 trường hợp; tước Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 31 trường hợp; tước phù hiệu 52 trường hợp; cắt thành, thùng 52 xe vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát hoạt động của xe khách hoạt động trái phép (xe dù); cơ bản xóa bỏ các bến cóc, hạn chế tối đa xe dù, xe chạy vòng vo đón, trả khách. Ngoài ra, công tác quản lý các phương tiện qua hệ thống giám sát hành trình tiếp tục được duy trì với việc xử lý 289 phương tiện vi phạm; trong đó thu hồi chấp thuận khai thác tuyến 4 xe, thu hồi phù hiệu và không cấp lại trong 6 tháng tiếp theo đối với 4 xe, thu hồi phù hiệu 1 tháng đối với 85 xe và cảnh cáo đối với 127 xe.
Mặc dù công tác bảo đảm TTATGT nói chung và trên lĩnh vực vận tải nói riêng đã được tăng cường bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp tích cực, tuy nhiên thời gian qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Qua phân tích, đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT đường bộ, trong đó ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh du lịch, lái xe còn hạn chế, lỗi cố ý vi phạm xảy ra nhiều; xe buýt phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách; xe công nông, xe cơ giới tự chế, xe hết niên hạn bị cấm sử dụng nhưng vẫn lưu hành; tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, xe chạy dù, chạy không đúng luồng tuyến, xe không có phù hiệu hợp đồng kinh doanh vận tải hoạt động trốn, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra ở nhiều tuyến đường, địa phương.
Để khắc phục tình trạng nói trên, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6443/UBND-CN về tăng cường chấn chỉnh công tác đảm bảo TTATGT trong hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan như: Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và Ban ATGT tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp. Trong đó, chú trọng thực hiện công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ôtô, xe buýt thông qua việc tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; thanh lý, hủy bỏ xe hết niên hạn sử dụng, xe công nông và các loại xe tự chế; kiên quyết xử lý nghiêm đối với xe chở quá khổ, quá tải. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách kiểm tra, chấm dứt hợp đồng đối với các lái xe không đảm bảo sức khỏe, lái xe nghiện ma túy, lái xe thường xuyên cố ý vi phạm pháp luật về TTATGT; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đội ngũ lái xe phải tuân thủ quy định của pháp luật và hoạt động kinh doanh vận tải…
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Công an tỉnh xây dựng kế hoạch chuyên đề tổng kiểm tra xe khách, xe buýt, xe hợp đồng du lịch trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo lực lượng CSGT, Cảnh sát QLHC về TTXH tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm việc cố ý lưu hành phương tiện cơ giới đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật, đối với xe hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, ban, ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT thông qua việc xây dựng phóng sự tuyên truyền, khuyến cáo hậu quả TNGT đến các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải.
Có thể khẳng định, quản lý tốt hoạt động vận tải là một trong những động thái tích cực nhằm giảm thiểu thiệt hại do TNGT gây ra, nhất là khi năm ATGT 2020 được thực hiện với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe” đồng nghĩa với việc đề cao trách nhiệm của những người ngồi sau vô lăng. Dự báo những tháng cuối năm, tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước nói chung và tại Nghệ An nói riêng vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Vì thế, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường chấn chỉnh công tác bảo đảm TTATGT trong hoạt động vận tải chính là giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ TNGT có thể xảy ra.
Ngọc Anh