Pháp luật
Ẩn họa khôn lường từ sạt lở đất
08:09, 06/11/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nghệ An là một trong những địa phương được đánh giá là có nguy cơ cao về sạt lở đất. Mặc dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, nhưng qua đợt mưa lũ vừa qua, với việc xuất hiện hàng chục điểm sạt lở đất tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh, phải di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, là lời cảnh báo, cảnh tỉnh về việc không lơ là, chủ quan với vấn đề này.
Sạt lở bờ sông tại huyện Anh Sơn - Ảnh: Thiện Thành |
Nghệ An là một trong những địa phương được cảnh báo có nguy cơ cao về sạt lở đất, khi hàng loạt vụ sạt lở đã xảy ra liên tiếp ngay sau những trận mưa lớn, ngay sau khi bão số 9 vừa đổ bộ vào đất liền Việt Nam. Cho đến chiều tối 2/11, cơ quan chức năng vẫn chưa khắc phục xong điểm sạt lở Rú Nguộc nên Quốc lộ 46 (đoạn qua huyện Thanh Chương), việc lưu thông bằng các phương tiện cơ giới vẫn còn rất khó khăn. CSGT Công an huyện Thanh Chương và chính quyền địa phương vẫn đang phải chốt chặn trên Quốc lộ 46 để cấm xe và người qua lại dưới chân Rú Nguộc và hướng dẫn quay đầu rẽ sang đường khác. Trước đó, từ trận mưa lớn đêm 29/10, một khối lượng đất, đá từ trên Rú Nguộc sạt lở xuống lấp mặt đường Quốc lộ 46 gây ách tắc giao thông cục bộ. Lực lượng chức năng đã phải tính đến phương án khoan và cho nổ mìn để dọn số đất, đá sạt đang “treo” trên Rú Nguộc.
Tại nhiều địa phương khác như huyện Anh Sơn, Đô Lương, Con Cuông, Kỳ Sơn… trong thời gian vừa qua cũng đã di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất trong thời gian mưa lũ này. Trong đó, huyện Anh Sơn có 46 hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở đất cao thuộc các xã: Vĩnh Sơn, Hội Sơn, Đỉnh Sơn và các bản Vều 1, 2, 3 của xã Phúc Sơn. Ông Nguyễn Ngọc Giang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn cho biết: Toàn huyện Anh Sơn có trên 40 km sông Lam đi qua. Hiện 2 xã Tam Sơn và Cẩm Sơn có khoảng trên 100 hộ dân nguy cơ đe dọa đổ sập nhà cửa xuống sông Lam do sạt lở bờ sông. Mùa mưa bão vừa qua huyện đã phải di dời hơn 30 hộ dân ven bờ sông Lam đến nơi an toàn.
Một vụ sạt lở đất xảy ra tại huyện Anh Sơn |
Trong khi đó, tại huyện Con Cuông cũng xảy ra sạt lở đất dọc Quốc lộ 7. Các xã nằm trên tuyến đường này đã cử cán bộ túc trực canh gác những điểm sạt lở, các cầu tràn, cầu tạm không cho dân đi lại. Tại xã Châu Khê, huyện Con Cuông, ngày 29/10, tại khu vực bản Bủng Xát đã xuất hiện vết rạn nứt lớn, gây nguy hiểm cho các hộ dân sinh sống tại địa bàn và giao thông trên tuyến đường Khe Choăng đi Khe Bu. UBND xã đã tuyên truyền, vận động 20 hộ dân với 64 khẩu trên địa bàn di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Tại huyện Đô Lương, mưa lụt đã làm sạt lở trên chiều dài 80 m tại núi Rú Bùi thuộc địa phận xóm 2, xã Quang Sơn nứt ngang 20 m và trụt sâu xuống 3 m. Hiện tại, 13 hộ dân sống ở chân núi đã đi sơ tán. Hiện 25/33 xã thuộc huyện Đô Lương đang có nguy cơ sạt lở.
Trên địa bàn các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc hiện xuất hiện các điểm sạt lở nguy hiểm, người dân buộc phải sơ tán để đảm bảo tính mạng và tài sản. Xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên hiện xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi nguy hiểm sau mưa lũ vừa qua. Theo bà con cho biết, trên đỉnh rú Lày hiện xuất hiện 1 vết nứt dài khoảng 200 m, rộng 1 m, có thể đổ sập đất đá xuống nhà dân bất cứ lúc nào. Trước tình thế đó, chính quyền xã Hưng Yên Nam đã phải di dời 19 hộ với tổng số trên 100 người dân sống tại khu vực này đến nơi an toàn, hiện đất đá vẫn đang chuồi xuống mỗi ngày. Trước đó, vào thời điểm xảy ra mưa lớn vào ngày 31/10, hàng tấn bùn đất đã đổ ập vào nhà dân. Tại địa phận núi Rậm, thuộc xóm 3, xã Hưng Yên Nam cũng xảy ra tình trạng tương tự. Triền núi liên tục bị sạt lở, đất đá đổ xuống chân núi, khiến 50 hộ dân với 300 người sống ở khu vực này buộc phải di dời. Tại khu vực Núi Voi, xóm 5, xã Nghi Công Bắc (Nghi Lộc) cũng xuất hiện điểm sạt lở nguy hiểm ngay sát nhà dân, các vết nứt có thể nhìn thấy rõ từ xa. Đây là núi có độ dốc cao, khi mưa lớn đã khiến đất đá đổ ập xuống khu vực dân cư, làm gãy đổ hàng loạt cây. Địa phương đã phải di dời khẩn cấp 8 hộ với 34 người dân.
Ngày 1/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã kiểm tra thực tế sạt lở đất tại các huyện Đô Lương và Con Cuông. Sau khi thị sát các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần chủ động "4 tại chỗ" của các địa phương cũng như sự tự nguyện của bà con trong việc di dời, sơ tán khỏi nơi nguy hiểm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng người dân là quan trọng nhất, yêu cầu phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, cần vận động bà con yên tâm ở lại nơi sơ tán, khi có khuyến cáo mới trở về. Đồng thời, tiếp tục cắt cử lực lượng an ninh theo dõi, cảnh báo, đảm bảo an toàn lưu thông qua khu vực nguy hiểm cũng như bảo vệ tài sản cho người dân, không để xảy ra mất mát, hư hỏng; hỗ trợ đủ lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con.
Một vụ sạt lở đất đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương |
Chỉ đạo khắc phục sự cố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, trước mắt, cần thực hiện hạ độ cao để chống trượt sạt; ngay sau đợt mưa bão, đề nghị huyện thuê tư vấn khảo sát, đánh giá mức độ nguy hiểm và tìm giải pháp tối ưu để xử lý. Trường hợp phải đưa bà con chuyển đến khu tái định cư, thì khu tái định cư mới không chỉ cần đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, sản xuất, mà quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn khi lụt bão, sạt trượt.
THIỆN THÀNH