Diễn đàn pháp luật

Lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

15:29, 05/11/2020 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ngay sau khi được công bố, Dự luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi vì dự thảo luật này ra đời góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, dự thảo Luật đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có 8 chương 71 điều bao gồm: Hệ thống báo hiệu đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi một số khái niệm, định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các nghị định, thông tư có liên quan, đồng thời bổ sung một số khái niệm, định nghĩa mới như trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đường bộ…

Lực lượng CSGT Công an Nghệ An kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông.
Lực lượng CSGT Công an Nghệ An kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông.

Dự thảo Luật này cũng đã quy định Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; báo cáo về tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ với Chính phủ, Quốc hội; Cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới; Tổ chức kiểm định xe cơ giới của Công an sử dụng vào mục đích an ninh; Sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau khi được cấp giấy phép lái xe; Chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; Chủ trì kiểm tra, đánh giá về an toàn giao thông đối với các công trình giao thông đường bộ đang khai thác khi xảy ra vụ việc gây mất an toàn giao thông do nguyên nhân tổ chức giao thông hoặc khi có yêu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ; tham gia hội đồng nghiệm thu đánh giá về an toàn giao thông đối với các công trình giao thông đường bộ trước khi đưa vào khai thác; tham gia ý kiến đối với việc điều chỉnh, thay đổi hệ thống báo hiệu đường bộ; Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Thông báo tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng theo định kỳ hoặc đột xuất; Quản lý, sử dụng trung tâm chỉ huy điều khiển hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Thống kê, tổng hợp, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ, đăng ký xe, xử lý vi phạm và quản lý người lái xe; kết nối, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn kỹ thuật của phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định; xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, hoạt động đào tạo lái xe; Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải về nội dung an toàn giao thông trong xây dựng kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ.

Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT  - Công an tỉnh Nghệ An) kiểm tra tuyên truyền, hướng dân người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm Luật ATGT
Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT - Công an tỉnh Nghệ An) kiểm tra tuyên truyền, hướng dân người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm Luật ATGT

Thực tiễn tình hình giao thông hiện nay có rất nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải giải quyết như tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, trong 10 năm chết hơn 100.000 người; kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém; tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm trật tự, an toàn giao thông; ùn tắc giao thông vẫn rất phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, phù hợp với xu thế chuyên sâu hóa trong xây dựng pháp luật của nước ta hiện nay. Do đó, việc xây dựng Luật là hết sức cấp thiết, đặt yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia giao thông lên một bước quan trọng, giải quyết tình hình thực tiễn đang đặt ra hiện nay.

Sau kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, nhiều người dân có ý kiến cho rằng làm thế nào để người dân hiểu 2 luật (Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ) để trong quá trình thực thi 2 Luật tránh mâu thuẫn, chồng chéo, phá vỡ tính đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành. Nhiều ý kiến đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ để bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.

Chị Hoàng Thị Lan (người dân trên địa bàn xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu) cho rằng: “những điều khoản chi tiết của dự thảo luật mới đã khắc phục một số tồn tại của Luật Giao thông đường bộ ban hành năm 2008, nhất là về quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Từ đó, góp phần xây dựng trật tự, an toàn giao thông tiến bộ, văn minh, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.

Còn với ông Nguyễn Văn Nam, phường Trường Thi (TP Vinh) chia sẻ: ông đồng tình cao với việc tách 2 luật (Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ). Đặc biệt là quy định Bộ Công an quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Bởi, trong thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe, chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Vì vậy, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ  cần đưa ra các quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến vấn đề này. Nếu thực hiện được như vậy sẽ giúp việc quản lý người lái xe từ lúc được cấp giấy phép lái xe đến khi sử dụng.

Theo ý kiến của TS. LS Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự: Việc xây dựng, sớm ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, khắc phục được những bất cập, tồn tại của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Đồng thời, việc xây dựng dự thảo luật độc lập về lĩnh vực TTATGT đường bộ là phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng chuyên sâu hóa của Việt Nam và thế giới hiện nay. Theo đó, bảo đảm sự phân công rõ ràng, đầy đủ chức năng nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức.

Như vậy, có thể thấy, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp. Đồng thời, việc xây dựng Luật là hết sức cấp thiết, đặt yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia giao thông lên một bước quan trọng, giải quyết tình hình thực tiễn đang đặt ra hiện nay. Luật được Quốc hội thông qua và ban hành sẽ góp phần đảm bảo tốt trật tự ATGT nói riêng, ANTT nói chung, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. 



Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT  - Công an tỉnh Nghệ An) kiểm tra tuyên truyền, hướng dân người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm Luật ATGT.
 

 

Nguyễn Anh Cường

Các tin khác