Diễn đàn pháp luật
Tăng cường công tác phòng ngừa tội pham giết người do nguyên nhân xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong tình hình hiện nay
1. Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An được Chính phủ, Bộ Công an xác định là một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự (ANTT) của cả nước. Bình quân hàng năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra khoảng 1.000 đến 1.100 vụ xâm phạm trật tự xã hội. Trong đó, tình hình tội phạm giết người mặc dù được kìm chế và có xu hướng giảm, chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số vụ xâm phạm về trật tự xã hội nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo thống kê, giai đoạn 2014 - 2018, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 5.221 vụ xâm phạm trật tự xã hội; trong đó, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra 137 vụ với 211 đối tượng gây án, chiếm 2,6% tổng số vụ xâm phạm trật tự, xã hội, làm chết 122 người, bị thương 41 người. Đáng chú ý, đã xảy ra một số vụ án giết người với thủ đoạn rất manh động, nguy hiểm, mất nhân tính, điển hình như vụ đối tượng Vi Văn Hai, SN 1995, trú tại bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương dùng dao giết chết 04 người trong một gia đình trú cùng bản, trong đó có 01 cháu bé 08 tháng tuổi .
Đối tượng Vi Văn Hai bị tuyên án tử hình và bồi thường, cấp dưỡng cho gia đình các nạn nhân 183 triệu đồng |
Trước tình hình trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh Nghệ an đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự ban hành Kế hoạch số 328/KH-CAT-PC45 ngày 12/4/2018 để chỉ đạo, hướng dẫn hệ lực lượng Cảnh sát hình sự trong toàn tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội với quyết tâm cao nhất là kìm giữ và làm giảm loại tội phạm này trên địa bàn toàn tỉnh, không để diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT của địa phương. Công an tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Công điện số 12/CĐ-UBND-NC ngày 24/8/2015 về việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm mua bán người trên địa bàn. Đặc biệt, Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 602/KH-CAT-PC45-PV11 ngày 09/11/2015 về triển khai thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, đã đề ra các mục tiêu, yêu cầu cụ thể, xác định rõ đối tượng trọng điểm cần tập trung đấu tranh, đề ra các giải pháp công tác trọng tâm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành, thị để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả.
Qua đó, 100% số vụ án giết người xảy ra trên địa bàn đều được Công an các đơn vị, địa phương nhanh chóng điều tra làm rõ, kịp thời bắt giữ các đối tượng gây án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; trong đó có nhiều vụ án, chuyên án có tiếng vang, được Bộ Công an, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh biểu dương, khen thưởng, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần ổn định tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh. Mặc dù vậy, công tác phòng, chống tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội vẫn đang tồn tại những hạn chế nhất định, làm giảm chất lượng công tác và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình của loại tội phạm này, như:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội nói riêng mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ hai, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào tự quản, tự phòng có nơi, có thời điểm chưa mạnh. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân có lúc chưa kịp thời, hiệu quả, dẫn đến có nhiều vụ việc mâu thuẫn xẩy ra âm ỉ kéo dài, làm bùng nổ hành vi xung đột, bạo lực, giết người.
Thứ ba, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội phần lớn do mâu thuẫn nhất thời, đối tượng phạm tội chưa có tiền án, tiền sự, nằm ngoài diện quản lý nghiệp vụ nên gây nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa.
Những hạn chế trên do nhiều khác nhau, tuy nhiên chủ yếu xuất phát từ cách thức tổ chức, tiến hành các biện pháp công tác chưa thật sự hiệu quả, nhất là triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội đối với loại tội phạm này có lúc, có nơi chưa thường xuyên, liên tục và đi vào chiều sâu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác phòng ngừa tội phạm nói riêng và tội phạm giêt người do nguyên nhân xã hội nói chung trên địa bàn tỉnh Nghệ an.
2. Thời gian tới, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm này, các lực lượng chức năng cần tập trung làm tốt một số nội dung công tác trọng tâm sau:
Một là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 48-CT/TƯ ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Ban hành chương trình, kế hoạch chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội. Chủ động tham mưu có hiệu quả cho lãnh đạo các cấp trong phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, trong đó kết hợp giữa phòng ngừa, tuyên truyền giáo dục với đấu tranh, trấn áp, điều tra, xử lý. Lấy phòng ngừa, giáo dục là chính, coi trọng công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa từ gia đình, nhà trường và cơ sở.
Hai là, tăng cường lực lượng tiến hành các biện pháp tuần tra, kiểm soát vào các giờ cao điểm tại các tụ điểm phức tạp về ANTT để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi côn đồ, càn quấy gây rối trật tự công cộng, ngăn chặn các vụ xô xát, mâu thuẫn bộc phát có nguy cơ dẫn đến hành vi bạo lực. Rà soát các đối tượng và phân công trách nhiệm cụ thể cho lực lượng trong công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao phạm tội giết người. Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể trong quản lý người tâm thần ở gia đình và ngoài xã hội, quản lý, phòng ngừa đối tượng “ngáo đá”…
Ba là, đẩy mạnh phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; kịp thời phát hiện, giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân, nhằm hạn chế nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm; trong đó, chú trọng phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ hoà giải ở cơ sở kịp thời phát hiện và tập trung giải quyết triệt để các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, đặc biệt là các mâu thuẫn phát sinh trong từng gia đình, dòng họ, khối, xóm, làng bản, không để các mâu thuẫn kéo dài âm ỷ, bùng nổ bằng hành vi xung đột, bạo lực.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, vận động thu hồi VK, VLN, CCHT và các loại hung khí; tăng cường công tác quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, nhất là các quán bar, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn đêm... Tập trung lực lượng, phương tiện, nhanh chóng điều tra, khám phá các vụ án giết người xảy ra trên địa bàn, truy bắt bằng được đối tượng gây án, góp phần ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh./.
P.Đ.V
Thiếu tá, ThS Phạm Đình Võ
Đội trưởng Đội THAHS và HTTP, Công an huyện Yên Thành