An toàn giao thông

Từ 5/8, Cảnh sát giao thông có thêm những quyền gì đối với lái xe?

09:36, 05/08/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Cảnh sát giao thông (CSGT) không nhất thiết phải giơ tay chào người vi phạm; được dùng súng trường, súng tiểu liên; được huy động phương tiện khác khi tuần tra kiểm soát,… là một số điểm mới sẽ có hiệu lực từ 5/8 mà lái xe cần chú ý.

Bộ Công an đã ban hành Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT (Thông tư 65), có hiệu lực từ ngày 5/8.
Từ 5/8, Cảnh sát giao thông có thêm những quyền gì đối với lái xe?
Rất nhiều điểm mới về quyền hạn, trách nhiệm của CSGT khi tuần tra kiểm soát sẽ áp dụng từ 5/8 mà lái xe cần phải biết khi tham gia giao thông.

Thông tư 65 có một số điểm mới so với Thông tư 01/2016 được áp dụng trước đây mà lái xe cần biết, cụ thể như sau:

1. CSGT phải công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát

Thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), lực lượng CSGT phải công khai các kế hoạch sau: kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.

Theo đó, có bốn hình thức thông báo công khai của CSGT gồm:

- Niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị;

- Đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục CSGT hoặc Cổng thông tin điện tử của công an cấp tỉnh, Phòng CSGT;

- Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;

- Sử dụng các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, có bốn nội dung mà lực lượng CSGT phải thông báo công khai theo quy định tại Thông tư này là: Đơn vị; tuyến đường làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện kế hoạch.

2.  CSGT chỉ được dừng phương tiện trong 4 trường hợp

Một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư này là quy định lại về các trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát. Theo đó, chỉ còn nêu 4 trường hợp, thay vì 5 trường hợp như trước đây, gồm: 

- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác;

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông;

- Có văn bản đề nghị của thủ tưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm…

Từ 5/8, Cảnh sát giao thông có thêm những quyền gì đối với lái xe?
CSGT chỉ được dừng phương tiện trong 4 trường hợp

3. CSGT không nhất thiết phải giơ tay chào người vi phạm

Điều 18 Thông tư 65 nêu rõ: Khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng đúng vị trí theo hướng dẫn, CSGT được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí phù hợp, an toàn, thực hiện như sau:

- Thông báo và đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống phương tiện và xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định.

- Thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị...” (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã), sau đó nói lời: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”.

- Khi tiếp nhận được các giấy tờ (nếu có), thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông và những người trên phương tiện giao thông biết lý do kiểm soát, sau đó thực hiện kiểm soát những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

-  Sau khi kiểm soát xong, cán bộ CSGT báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có), biện pháp xử lý và nói lời: “Cảm ơn ông, bà, anh, chị,... đã hợp tác với lực lượng Cảnh sát giao thông để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”. Đối với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, trực tiếp lên khoang chở người để thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát.

- Khi có căn cứ cho rằng trong người tham gia giao thông, phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

- Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

4. CSGT được huy động phương tiện khác trong trường hợp cấp bách

Theo điều 8 của Thông tư 65, Lực lượng CSGT được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó.

Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

5. CSGT được sử dụng cả súng trường, súng tiểu liên

Điều 11 Thông tư 65 quy định về vũ khí, phương tiện của CSGT:

- Vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng CSGT, gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8.

- Phương tiện thông tin liên lạc, gồm: Bộ đàm, điện thoại, máy fax, máy tính lưu trữ, truyền nhận dữ liệu, máy in.

Từ 5/8, Cảnh sát giao thông có thêm những quyền gì đối với lái xe?
Từ 5/8/2020, CSGT được sử dụng nhiều vũ khí, phương tiện, thiết bị hơn trước đây.

6. CSGT được sử dụng cả xe đạp để tuần tra kiểm soát:

Điều 11 Thông tư 65 bổ sung thêm loại phương tiện xe đạp vào danh mục các phương tiện giao thông hỗ trợ CSGT tuần tra, kiểm soát. Đây là phương tiện phù hợp cho CSGT khi tuần tra, kiểm soát trong các tuyến phố, tuyến đường đi bộ thuộc các đô thị.

7. Xử lý vi phạm thông qua hình ảnh trên mạng xã hội

Điều 24 của Thông tư 65 có bổ sung một điểm mới trong việc tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội

Theo đó thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tiếp nhận từ các nguồn sau:

- Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ);

- Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Từ 5/8, Cảnh sát giao thông có thêm những quyền gì đối với lái xe?
Hỉnh ảnh, video được đăng tải lên mạng xã hội cũng sẽ là căn cử để CSGT xử phạt

8. CSGT cấp huyện được ra đường quốc lộ xử phạt vi phạm giao thông

Theo quy định hiện hành, CSGT cấp huyện không được tự tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về TTATGT trên đoạn quốc lộ mà chỉ được phép tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về TTATGT trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện khi phối hợp với phòng CSGT theo kế hoạch của giám đốc công an cấp tỉnh.

Còn theo Điều 6 Thông tư 65, lực lượng CSGT cấp huyện được kiểm soát, xử lý trên một số tuyến Quốc lộ, đoạn Quốc lộ theo phân cấp của Cục CSGT hoặc Phòng CSGT các tỉnh, thành phố.

Như vậỵ, từ 5/8, CSGT cấp huyện có thể tự bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không phải là tuyến quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình TTATGT phức tạp (bao gồm cả các đoạn đường tránh quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thị trấn thuộc huyện).

 

Nguồn: Vietnamnet

Các tin khác