Thứ Bảy, 23/05/2020, 08:47 [GMT+7]
Nghị định số 31/2020/NĐ-CP của Chính phủ

Tháo gỡ khó khăn trong bảo quản, xử lý phương tiện vi phạm bị tạm giữ

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tình trạng tồn đọng phương tiện giao thông vi phạm vẫn xảy ra nhiều tại Công an các đơn vị, địa phương. Mặc dù lực lượng chức năng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho người dân đến giải quyết, tuy nhiên quá trình xử lý các phương tiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước thực tế nói trên, ngày 5/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều so với Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013. Trong đó có những điều chỉnh nhằm tăng tính ràng buộc đối với chủ sở hữu, đảm bảo việc thực thi pháp luật được nghiêm minh, đúng quy định.

Số liệu thống kê của Phòng CSGT tỉnh cho thấy, ngoài số xe tồn đọng từ trước, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2020, Công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã tiến hành tạm giữ 297 xe ôtô, 3.956 môtô, xe máy và 142 xe máy điện. Trong đó, các đơn vị có số lượng phương tiện vi phạm bị tạm giữ nhiều nhất là TP Vinh, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, TX Hoàng Mai… Với số lượng phương tiện bị tạm giữ nhiều như vậy nên quá trình vận chuyển, bảo quản của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. 

Lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành tạm giữ phương tiện vi phạm  Luật Giao thông đường bộ
Lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành tạm giữ phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Theo quy định, nơi tạm giữ phương tiện phải có biện pháp bảo đảm ANTT, an toàn phòng, chống cháy, nổ, khô ráo, thoáng khí; có hệ thống thiết bị chiếu sáng, trang bị phương tiện, thiết bị phù hợp phục vụ cho việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu… Quy định là vậy, tuy nhiên, do số lượng xe vi phạm hàng năm rất lớn dẫn đến tình trạng quá tải, không thể bảo quản theo đúng quy định nên việc bị hoen gỉ, hư hỏng là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt, từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, trong đó, tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn thì cũng đã có nhiều trường hợp vi phạm bỏ luôn phương tiện của mình do số tiền phạt nhiều hơn giá trị thực của xe. 
 
Không chỉ công tác bảo quản phương tiện mà quá trình tiến hành xử lý, giải quyết xe quá thời hạn cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo quy định của pháp luật, nếu người vi phạm không đến giải quyết, đơn vị tạm giữ phương tiện sẽ tiến hành các thủ tục xác minh để tìm chủ sở hữu. Nếu trong trường hợp không tìm được chủ sở hữu hoặc tìm được nhưng người này không đến nhận lại và phương tiện không phải là tang vật trong các vụ án thì sẽ tiến hành các thủ tục thanh lý để sung công quỹ Nhà nước.  Quy định là vậy nhưng để hoàn thành thủ tục thanh lý, cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian và công sức, bởi hầu hết phương tiện quá niên hạn đều là những xe quá cũ, thậm chí đã bị cà lại số khung, số máy; nhiều xe mua đi bán lại nhiều lần nên việc xác định chủ sở hữu không phải là điều dễ dàng. 
Nghị định... tạo thuận lợi cho cả lực lượng chức năng và người dân trong quá trình xử lí phương tiện bị tạm giữ. Trong ảnh: CBCS Phòng CSGT Công an Nghệ An giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Nghị định... tạo thuận lợi cho cả lực lượng chức năng và người dân trong quá trình xử lí phương tiện bị tạm giữ. Trong ảnh: CBCS Phòng CSGT Công an Nghệ An giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
 
Trước thực tế nói trên, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình bảo quản, xử lý các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, ngày 3/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều so với Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013. Cụ thể, theo quy định mới tại Điều 14 của Nghị định số 31, đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đủ điều kiện quy định sau đây thì sẽ được quyền tự giữ, bảo quản xe: Cá nhân có nơi đăng ký thường trú, tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác; tổ chức có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng; cá nhân, tổ chức có khả năng tài chính để đặt tiền bảo lãnh xe.
 
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31 đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Trong đó, hầu hết người dân đều đồng tình ủng hộ vì thấy được sự thuận lợi và tính hợp lý của việc cho phép bảo lãnh để người dân tự bảo quản phương tiện vi phạm giao thông. Theo nhiều người dân thì dù số tiền bảo lãnh là "kịch khung" so với mức phạt nhưng vẫn sẵn sàng nộp để được mang xe về nhà cất chờ ngày xử lý, còn hơn là bị đưa vào bãi tạm giữ. Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ thì vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục bảo lãnh xe vi phạm khá mất công đi lại; thời gian thụ lý đơn mất 2 ngày, trong khi thời gian tạm giữ xe chỉ 7 ngày. Chưa kể hiện nay, theo mức phạt tăng nặng đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ theo Nghị định 100 của Chính phủ, nhiều người còn không muốn lấy lại xe... Riêng về phía lực lượng chức năng, theo đánh giá, với quy định của Nghị định 31 thì việc cho người dân nộp tiền bảo lãnh, tự mang xe về bảo quản sẽ tạo sự yên tâm cho người dân về tài sản của mình; đồng thời giúp giảm tải cho các điểm tạm giữ xe vi phạm tại Công an các đơn vị, địa phương. Cùng với đó, việc nộp tiền bảo lãnh để không bị tạm giữ xe cũng sẽ góp phần đẩy lùi tiêu cực trong công tác xử lý vi phạm giao thông.
 
Rõ ràng, với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý phương tiện giao thông bị tạm giữ thì sự ra đời của Nghị định 31 của Chính phủ chính là một tín hiệu vui, tạo điều kiện thuận lợi không chỉ trong quá trình bảo quản xe vi phạm của lực lượng chức năng mà còn giảm tải áp lực, sự lo lắng của người dân khi phương tiện của mình bị tạm giữ lâu ngày. Tuy nhiên, để Nghị định đạt được hiệu quả thiết thực trong quá trình triển khai thực hiện, thiết nghĩ cần phải có những quy định rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể hơn nữa. Bên cạnh đó, cùng với công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm, lực lượng CSGT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ hơn các quy định của Nghị định. Và, điều quan trọng nhất là người dân cần có nhận thức đúng đắn, có sự phối hợp hiệu quả với lực lượng chức năng trong quá trình xử lý phương tiện bị tạm giữ theo Luật Giao thông đường bộ.
.

Ngọc Anh