(Congannghean.vn)-Công an tỉnh Nghệ An vừa có văn bản gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc phổ biến, quán triệt Luật số 44/2019/QH14 về phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Lãnh đạo Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương, trong đó chủ công là lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân nhằm góp phần kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông (TNGT) do rượu, bia gây ra.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông |
Quán triệt đến tất cả Công an các đơn vị, địa phương
Để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những văn bản trên, Lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu Trưởng Công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt đến 100% CBCS trong đơn vị các nội dung quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và một số quy định mới tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12 của Chính phủ để nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, áp dụng đúng, hiệu quả. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, người thân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật có liên quan.
Trong đó, chú ý về một số hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia như: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Riêng về Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ cũng có một số điểm mới quy định như: Quy định mới về xử phạt đối với người đi xe máy có nồng độ cồn từ 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở trở xuống và đối với người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn; tăng mức phạt tối đa với người đi ôtô có nồng độ cồn từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng...
Bắt đầu từ ngày 1/1/2020, lực lượng CSGT và các lực lượng Cảnh sát khác tham gia nhiệm vụ đảm bảo TTATGT thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 100. Trong đó lưu ý, đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong thời gian đầu thực hiện Nghị định số 100, nhất là đối với các nội dung quy định mới, CBCS phải tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người vi phạm. Đối với các hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm, chống đối thì kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Ngoài ra, Lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu Phòng CSGT phối hợp với các đơn vị thuộc Cục CSGT thu thập tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 100 để tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh tổ chức tập huấn cho Công an các đơn vị, địa phương. Chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định số 100 để tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn. Đặc biệt, yêu cầu Công an các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ANTT, TTATGT, lồng ghép các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100; kịp thời lên án, phê phán những hành động vi phạm, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia, chống người thi hành công vụ.
Ra quân quyết liệt xử lý vi phạm
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 272 vụ TNGT, làm chết 161 người, bị thương 188 người. Trong đó, có 2 vụ TNGT do người điều khiển phương tiện trong hơi thở có nồng độ cồn. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 9.761 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chuyển Kho bạc Nhà nước thu phạt trên 20 tỉ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 9.762 trường hợp.
Thực hiện kế hoạch của Lãnh đạo Công an tỉnh, trên cơ sở tham mưu chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, bắt đầu từ lúc 0 giờ ngày 1/1/2020, Phòng CSGT đã triển khai lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định 100 của Chính phủ, đặc biệt là chú trọng xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Theo đó, riêng trong ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch, CSGT tổ chức 44 ca tuần tra kiểm soát, với 202 lượt CBCS tham gia, qua đó phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 122 trường hợp. Trong đó, 29 trường hợp là người điều khiển xe ôtô (xe khách 3, xe tải 24, xe con 2); 49 trường hợp là xe môtô - gắn máy. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 1 xe ôtô, 15 môtô - xe máy; đồng thời ra quyết định xử phạt 249 trường hợp, chuyển Kho bạc thu phạt 234.395.000 đồng. Trong số này vi phạm nồng độ cồn 5 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 16 trường hợp, không có giấy phép lái xe 11 trường hợp, không có giấy chứng nhận đăng ký 10 trường hợp, dừng, đỗ sai quy định 1 trường hợp, vi phạm tốc độ 16 trường hợp, thiết bị an toàn kỹ thuật không đảm bảo 4 trường hợp, xe ôtô chở quá khổ 1 trường hợp, xe ôtô quá tải 10 trường hợp...
Với quyết tâm xử lý nghiêm từ những ngày đầu, CSGT và Công an các đơn vị, địa phương đã tăng cường triển khai lực lượng tuần tra kiểm soát tại tất cả các tuyến trên địa bàn toàn tỉnh. Sau 3 ngày (từ 1 - 3/1) ra quân kiểm tra, xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, lực lượng CSGT tỉnh Nghệ An đã xử lý 40 trường hợp vi phạm. Trong đó có những trường hợp điển hình như ông Nguyễn Văn A. trú tại huyện Yên Thành bị xử phạt 7 triệu đồng, tạm giữ giấy phép lái xe 23 tháng do điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Đặc biệt, tối 3/1, Đội CSGT Công an TP Vinh đã lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn. Trong khoảng 3 giờ đồng hồ, đã có 6 trường hợp tài xế bị lập biên bản xử lý. Phần lớn các chủ phương tiện đều chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, khoảng 22 giờ cùng ngày, trong quá trình làm nhiệm vụ tại đường Lê Nin, Tổ công tác thuộc Đội CSGT Công an TP Vinh ra tín hiệu dừng chiếc ôtô 4 chỗ màu đen để kiểm tra nồng độ cồn nhưng tài xế P.V.M. (39 tuổi) trú tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương có biểu hiện say xỉn ra khỏi xe, chốt khóa cửa và bỏ đi không chấp hành hiệu lệnh. Tổ công tác đã phối hợp với lực lượng Công an trên địa bàn vận động ông M. kiểm tra nồng độ cồn song người này vẫn không thực hiện.
Một lúc sau, ông M. gọi điện thoại cho 1 người phụ nữ đến và nói người phụ này mới là người cầm lái chiếc ôtô chứ không phải mình. Tuy nhiên, người phụ nữ không thừa nhận mình lái chiếc xe trên và cũng bỏ đi. Sau đó, Tổ công tác đã lập biên bản sự việc, niêm phong chiếc xe và đưa về trụ sở Công an. Với hành vi vi phạm này, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tài xế sẽ bị phạt 35 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng.
Lực lượng CSGT tiến hành tạm giữ phương tiện do lái xe vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ |
Dự báo từ nay đến cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, lực lượng CSGT Công an Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, để giảm thiểu các vụ TNGT do rượu, bia gây ra, ngoài sự quyết liệt của lực lượng chức năng, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn, đặc biệt là cần hình thành thói quen đã uống rượu, bia thì không lái xe.