Thứ Bảy, 04/01/2020, 14:53 [GMT+7]

Nhiều 'tài xế' bị phạt nặng do vi phạm quy định nồng độ cồn

Trong 3 ngày đầu năm 2020, nhiều địa phương triển khai xử lý vi phạm giao thông theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Lái xe ô tô BSK 29C-45XX vi phạm nồng độ cồn bị phạt 35 triệu đồng tối 2/1/2020. Nguồn: CAND
Lái xe ô tô BSK 29C-45XX vi phạm nồng độ cồn bị phạt 35 triệu đồng tối 2/1/2020. Nguồn: CAND
Kết quả là nhiều người điều khiển phương tiện giao thông (mô tô, xe máy…) do “đã uống rượu bia mà vẫn lái xe" nên đã bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm theo quy định. Trong đó, có lái xe bị xử phạt ở mức rất cao.
 
Theo thông tin từ CAND, ATGT.vn, SGGP, nhiều lái xe vo phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô, xe máy đã bị CSGT xử phạt.
 
Vào khoảng 21h30 đêm 1/1, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Đội 3), Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT đang làm nhiệm vụ tại Km 188+300 trên tuyến Pháp Vân-Ninh Bình đã dừng xe ô tô BKS 29C-45XX để kiểm tra nồng độ cồn lái xe. Qua kiểm tra cho thấy, trong hơi thở lái xe có nồng độ cồn là 0,719 miligam/1 lít khí thở, nằm trong mức khung xử phạt về vi phạm nồng độ cồn cao nhất. Lái xe này đã bị xử phạt 35 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng.
 
Ngày 2/1, tại nút giao thông Hàng Cót - Phan Đình Phùng, quận Hoàn Kiếm, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) đã xử phạt 1 người điều khiển xe máy BKS 29R9-0874 do có có nồng độ cồn ở mức 0,489 miligam/lít khí thở. Lái xe này bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng.
 
Trưa 3/1, tổ tuần tra Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT CATP Hà Nội)  đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, 1 lái xe máy bị phạt 4 triệu đồng do có nồng độ cồn ở mức 0,252miligam/lít khí thở. Một tài xế lái ô tô có nồng độ cồn 0,5miligam/lít khí thở đã bị phạt 35 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng.
 
Cũng trong tối 3/1, tổ công tác CSGT-TT Công an TP. Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trong 1 giờ đồng hồ, lực lượng chức năng đã kiểm tra khoảng 100 lượt phương tiện và phát hiện 4 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm.  
 
Tại TPHCM, trong 2 ngày (1 và 2/1), lực lượng chức năng đã xử phạt gần 70 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
 
Theo Phòng CSGT tỉnh Nghệ An, trong 2 ngày (1 và 2/1), CSGT đã xử lý 8 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, 3 trường hợp là ôtô, 5 mô tô. Các trường hợp vi phạm bị CSGT kiểm tra và lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tạm giữ giấy phép lái xe 23 tháng vì trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
CSGT tiến hành kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển xe mô tô tối 2/1/2020. Ảnh: SGGP
CSGT tiến hành kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển xe mô tô tối 2/1/2020. Ảnh: SGGP

Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 với sự điều chỉnh tăng về mức phạt tiền và thời hạn tạm giữ Giấy phép lái xe đối với hành vi vi phạm này.
 
Đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự như ô tô vi phạm quy định nồng độ cồn:
 
Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
 
Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
 
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
 
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại tương tự xe mô tô và các loại tương tự như xe gắn máy vi phạm quy định nồng độ cồn:
 
Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
 
Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
 
Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày./.
.

Nguồn: Chinhphu.vn

.