(Congannghean.vn)-Mặc dù Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nghệ An đã xây dựng cầu đi bộ để hạn chế tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc, với kinh phí 3,2 tỉ đồng và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10/2016. Thế nhưng, sau nhiều tháng trôi qua, tình trạng tắc đường vẫn xảy ra, người dân bất chấp nguy hiểm để băng qua đường, đồng thời “bơ” luôn cây cầu đi bộ tiền tỉ.
Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng phương tiện giao thông cá nhân những năm gần đây đã khiến nhiều điểm giao nhau tại TP Vinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Đặc biệt, trước cổng Trường ĐH Vinh trên đường Lê Duẩn, TP Vinh luôn xảy ra ùn tắc cục bộ mỗi khi sinh viên tan trường.
Sinh viên ngang nhiên băng qua đường khiến tình trạng ách tắc cục bộ thường xảy ra tại ngã tư Đại học Vinh |
Trước tình trạng đó, Sở GTVT Nghệ An đã có phương án xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ và được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt, đầu tư với mức vốn ban đầu là 3,2 tỉ đồng. Cây cầu đã đem lại niềm vui cho người dân nơi đây, là cầu vượt dành cho người đi bộ đầu tiên tại tỉnh Nghệ An được xây dựng thí điểm để có thể triển khai thêm nếu phát huy hiệu quả. Cầu vượt do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư, có chiều dài 36,3 m, chiều rộng 2,4 m, được làm bằng dầm thép đúc sẵn.
Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng đưa vào sử dụng, tình trạng ùn tắc vẫn không được giải quyết triệt để, người dân và hàng nghìn sinh viên vẫn chọn giải pháp băng qua đường thay vì lên cây cầu đi bộ. Có mặt tại ngã tư đường Lê Duẩn vào 1 buổi sáng thứ 2 mới thấy cảnh ùn tắc giao thông và nghịch lý tại đây. Hàng trăm sinh viên băng qua đường theo hàng ngang hết sức nhốn nháo, bất chấp tín hiệu đèn giao thông cùng với hàng chục xe khách, ôtô đang bấm còi inh ỏi để sang đường, trong khi cây cầu đi bộ tiền tỉ được xây dựng khang trang ngay bên cạnh không có người qua lại.
Cầu đi bộ không một bóng người qua lại |
Ông Nguyễn Văn Thành làm nghề xe ôm gần 10 năm tại ngã tư ĐH Vinh cho biết: “Mỗi sáng, hàng trăm sinh viên băng qua đường bất chấp xe cộ qua lại. Mặc dù đã có cầu đi bộ nhưng cũng chỉ lác đác vài sinh viên có ý thức lên trên cầu để đi. Tôi không nhớ mình đã chứng kiến bao nhiêu vụ va quệt, tai nạn xảy ra nơi đây. Mặc dù có đèn tín hiệu giao thông nhưng ý thức kém cộng với tâm lý muốn đến trường nhanh khiến nhiều sinh viên bất chấp tính mạng để băng qua đường”.
Ngoài sự thiếu ý thức của người dân thì do cầu vượt có bậc thang lên xuống dốc làm cho người già, phụ nữ có thai và trẻ em gặp khó khăn trong việc đi lại cũng là nguyên nhân khiến ít người sử dụng cầu vượt. Hơn nữa, khi sinh viên, người dân vi phạm không bị nhắc nhở, xử phạt nên tình trạng này vẫn xảy ra hàng ngày.
Trong điều kiện các phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng như hiện nay thì việc xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ là một giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, hiệu quả của nó vẫn chưa thực sự khả quan. Vì thế, để cải thiện tình trạng cầu không có người qua lại trong khi ngã tư Đại học Vinh thường tắc đường khi sinh viên tan trường, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý đối với các cá nhân cố tình không chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân.