An toàn giao thông
Cần siết chặt quản lý, đảm bảo khai thác hiệu quả và an toàn
(Congannghean.vn)-Đảo chè trên đập Cầu Cau tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương gần đây được ví như “Hạ Long trong lòng xứ Nghệ”, với những đồi chè đẹp hoang sơ và hữu tình. Nắm bắt lợi thế này cũng như thị hiếu của du khách, từ khoảng giữa năm 2016, du lịch và dịch vụ “ăn theo” tại đây bắt đầu manh nha. Tuy nhiên, hoạt động khai thác các “tua” vận chuyển khách tham quan trên đảo chè này chưa được kiểm soát và tuân thủ các quy định về an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa, tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông (TNGT).
Hầu hết các phương tiện chở khách du lịch tham quan đảo chè Cầu Cau đều chở quá số người quy định trong khi không mặc áo phao, tiềm ẩn TNGT |
Bến đò chở khách tự phát
Là hồ đập thủy lợi có chức năng phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho 3 xã Thanh Thịnh, Thanh An và Thanh Chi, thời gian gần đây, đảo chè Cầu Cau ở xã Thanh An đã thu hút khách tham quan nội địa và nước ngoài về đây thưởng ngoạn, khám phá. Hoạt động du lịch từ tự nhiên này đã mở ra nhiều cơ hội, triển vọng cho ngành “công nghiệp không khói” của địa phương và tỉnh.
Nhằm phục vụ du khách khi đến với huyện nhà, từ tháng 4/2016, một số gia đình ở khu vực xung quanh hồ đập đã đầu tư mua thuyền rồi tự lập nên các bến đò để kinh doanh chở khách ra đảo chè tham quan, chụp ảnh. Đến nay, xung quanh đảo chè dọc các xã Thanh An, Thanh Thịnh đã có đến hàng chục chiếc thuyền các loại có tổ chức vận chuyển hành khách đến tham quan.
Những lúc cao điểm như ngày lễ, ngày cuối tuần, du khách đến rất đông, có khi cả nghìn người, thuyền chở sang đảo chè không xuể. Giá vé mỗi lần lên thuyền là 30 nghìn đồng/người. Điều đáng nói, lúc đầu, mặc dù bến thuyền hoạt động tự phát, chưa được cấp phép hoạt động nhưng lại rất đông khách. Thậm chí du khách ra đảo chè không có ai mặc áo phao khi ngồi trên thuyền qua đập tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT sông nước.
Ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết, đến nay, toàn xã có khoảng trên 20 tàu, thuyền hoạt động, được tập kết chủ yếu ở 3 bến là khe Đá, Tràn và xí nghiệp Thủy lợi. So với giai đoạn khi mới bắt đầu có khách đến tham quan, di chuyển trên đảo thì đến nay cơ bản các phương tiện đã được đăng kiểm, đăng ký đầy đủ; cùng với đó, chủ các phương tiện đều được tập huấn và có chứng chỉ điều khiển phương tiện từ 6 - 12CV. Tuy nhiên, hiện nay, việc chấp hành các quy định về tham gia giao thông đường thủy của chủ phương tiện, người lái và người dân còn bất cập. Đó là tình trạng không mặc áo phao khi ngồi trên thuyền, bè còn phổ biến, thậm chí có những thuyền khi vận chuyển khách, cả chủ và khách không hề mặc áo phao, kể cả người lớn và trẻ em.
“Xã cũng đã có nhiều văn bản gửi các thôn xóm và các chủ thuyền có tổ chức kinh doanh tại đập phải chấp hành các quy định liên quan như có giấy phép mở bến; có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải đường thủy nội địa, thuyền có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; có bằng, chứng chỉ, có sức khỏe, nhất là trên thuyền phải có đủ số lượng áo phao, phao cứu sinh… Thế nhưng, thực tế là kiểm soát hoạt động này còn khó cho địa phương. Không chỉ riêng hoạt động du khách mà những người dân và công nhân tại đây thường ngày vẫn phải vào trong khu vực đồi chè để thu hoạch chè nên việc dừng hẳn hoạt động thuyền trên đập là khó. Địa phương đã liên tục tuyên truyền bằng văn bản và cả hệ thống truyền thanh xã, nhưng người dân vẫn hoạt động theo kiểu tự phát, kể cả những hộ dân kinh doanh vận chuyển khách tại đây đã tự ý đặt giá vé, không niêm yết thu giá vé theo quy định”, ông Nam cho biết thêm.
Chấn chỉnh quyết liệt
Trước tình trạng hoạt động du lịch trên công trình thủy lợi nhưng chưa đảm bảo các quy định liên quan, về phía huyện Thanh Chương và ngành giao thông vận tải đã có nhiều văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân chấn chỉnh và hoàn thiện các yêu cầu theo quy định. Mới đây, vào ngày 11/1/2017, UBND huyện Thanh Chương có Văn bản số 57 trình UBND tỉnh và Sở GTVT tỉnh Nghệ An về việc bổ sung quy hoạch và cho phép mở bến thủy nội địa tại hồ Cầu Cau.
Văn bản này chỉ rõ, hiện UBND tỉnh đã chấp thuận cho phép Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) lựa chọn địa điểm, khảo sát lập dự án. Huyện đã hướng dẫn người dân hoàn thiện các điều kiện hoạt động bến thủy nội địa. Đến nay, một số điều kiện đã thực hiện nhưng vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa vì chưa có quy hoạch. Huyện cũng đề nghị Sở GTVT, UBND tỉnh cho phép bổ sung quy hoạch bổ sung bến thủy nội địa tại hồ Cầu Cau và cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa tại đây.
Ông Nguyễn Viết Thiện, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Trong khuôn khổ hoạt động xúc tiến đầu tư vào Nghệ An, sau khi UBND tỉnh có văn bản về việc cho phép Cienco4 khảo sát, lựa chọn địa điểm, lập quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau, để đảm bảo tránh ô nhiễm môi trường nước; đồng thời, đảm bảo ATGT đường thủy, ngày 13/2, UBND huyện tiếp tục có Văn bản 242 yêu cầu các xã nằm trong quần thể du lịch này thực hiện ngay công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm và đình chỉ hoạt động tất cả các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động thủy nội địa.
Cùng với đó, tuyên truyền người dân không đóng mới các phương tiện thủy với mục đích hoạt động chở khách trên hồ Cầu Cau; đồng thời, giao phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với Công an huyện thành lập đoàn kiểm tra hoạt động thủy nội địa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương, đơn vị được giao quản lý, phục vụ tưới cho khoảng 580 ha đất nông nghiệp từ hồ Cầu Cau lại cho biết: Hiện nay, số lượng thuyền máy hoạt động trên hồ rất lớn, gây quá tải và làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, có nguy cơ không đảm bảo an toàn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và không đảm bảo ATGT.
“Sắp tới, khi nhà đầu tư vào triển khai dự án tại khu vực hồ Cầu Cau thì chúng tôi đề nghị phải làm rõ việc quản lý sử dụng nguồn nước như thế nào để đảm bảo việc quản lý lâu dài cũng như việc đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho nhân dân. Hoạt động du lịch tại đây để quảng bá hình ảnh của địa phương cũng như góp phần tạo nguồn ngân sách nếu được kiểm soát. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định quan điểm nhiệm vụ chính vẫn là công tác thủy lợi trong nông nghiệp, còn du lịch chỉ là hiệu quả đi kèm. Do đó, lâu nay công tác quản lý tại đây còn bất cập. Chúng tôi chỉ có thẩm quyền khi phát hiện ra thuyền hoạt động hay cơi nới san lấp, lấn chiếm hồ nước thì lập biên bản đề nghị cơ quan chức năng xử phạt”, ông Hùng trao đổi.
Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, không chỉ đập Cầu Cau ở huyện Thanh Chương phát sinh hoạt động du lịch mà tại các địa phương như hồ Xuân Dương (Diễn Châu), hồ Tràng Đen (Nam Đàn), hồ Bản Vẽ (Tương Dương), hồ thủy điện Hủa Na (Quế Phong) cũng đã có hoạt động dịch vụ này, trong khi công tác kiểm soát, quản lý về ATGT đường thủy còn bị buông lỏng. Do vậy, thời gian tới, chính quyền các địa phương và ngành GTVT cần tăng cường kiểm tra công tác ATGT đường thủy nội địa tại các hồ đập có tổ chức hoạt động du lịch; yêu cầu các chủ phương tiện, chủ kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật về vận tải khách, kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm việc đảm bảo an toàn cho du khách.
Xuân Thống