(Congannghean.vn)-Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp đến tận cấp ủy, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể xã hội, nhìn chung công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2016 trên địa bàn Nghệ An đã mang lại những tín hiệu tích cực. Mặc dù số lượng phương tiện tham gia giao thông được đăng ký mới ngày càng tăng, song tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đã được kiểm soát, không để gia tăng số vụ TNGT…
Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, do sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng của các phương tiện giao thông, bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân còn nhiều hạn chế và một số nguyên nhân khác nên tình hình TTATGT trên địa bàn toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên các tuyến đường bộ.
CSGT tăng cường TTKS, xử lý nghiêm tình trạng sử dụng bia, rượu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông |
Nhiều giải pháp đảm bảo TTATGT
Tại Nghệ An, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị liên quan; đồng thời, thành lập nhiều đoàn kiểm tra chấn chỉnh toàn diện các lĩnh vực công tác quản lý Nhà nước về ATGT như: Công tác giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT; đảm bảo TTATGT trước, trong và sau Tết Nguyên đán; khai thác cát sỏi, gây ảnh hưởng dòng chảy trên các tuyến sông… Tập trung chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT như: Quy hoạch, kế hoạch xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường... phải đảm bảo yếu tố ATGT.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đã được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đổi mới về nội dung, phương pháp, phong phú về hình thức đến với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Chỉ đạo Thường trực Ban ATGT tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng các hình thức phong phú, đa dạng đến với các đối tượng, địa bàn cơ sở.
Qua đó, đã in ấn hơn 4.600 sách nhỏ, 120 băng khẩu hiệu để cấp cho các huyện tuyên truyền pháp luật về TTATGT; tổ chức tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho các đối tượng ở địa bàn nông thôn, miền núi bằng hình thức sân khấu hóa; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về TTATGT trên mạng internet qua Cổng thông tin điện tử tỉnh cho tất cả các đối tượng tham gia; phát động và tham gia Hội thi lái xe giỏi ATGT 2016; tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT, đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình nạn nhân bị TNGT có hoàn cảnh khó khăn; tập huấn nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATGT…
Cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường |
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Song song với công tác tuyên truyền, công tác tuần tra, kiểm soát (TTKS) và xử lý vi phạm cũng được các lực lượng chức năng tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, bước đầu đã ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần kiềm chế TNGT.
Trong năm 2016, Công an tỉnh đã mở hai đợt cao điểm đảm bảo TTATGT và nhiều kế hoạch TTKS, xử lý vi phạm về TTATGT theo chuyên đề, tập trung vào các chuyên đề xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT. Huy động tối đa lực lượng CSGT, Công an cấp xã và các lực lượng khác tăng cường công tác TTKS giao thông, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về TTATGT theo quy định, nhất là đối với các địa phương có tình hình TTATGT diễn biến phức tạp, TNGT gia tăng…
Kết quả, từ đầu năm đến nay, đã tổ chức gần 26.500 ca TTKS với gần 95.500 lượt CBCS tham gia; phát hiện, lập biên bản 97.096 trường hợp vi phạm; xử phạt chuyển Ngân sách Nhà nước thu hơn 71,3 tỉ đồng; tạm giữ hơn 1.500 xe ôtô, gần 22.800 môtô, xe máy. Đã khởi tố, điều tra 57 vụ, 57 bị can phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; xử lý hành chính 65 vụ, chuyển ngân sách Nhà nước thu 86.550.000 đồng…
Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Giao thông - Vận tải đã duy trì hoạt động của Trạm kiểm soát tải trọng để xử lý, ngăn chặn tình trạng chở quá khổ, quá tải; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương kiểm tra, xử lý các vi phạm hành lang ATGT, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; xóa bỏ các bến “cóc”, xe “dù”; chở quá số người quy định… Thanh tra Giao thông - Vận tải đã tổ chức kiểm tra, xử lý đối với 1.750 tổ chức, cá nhân vi phạm; nộp Kho bạc Nhà nước số tiền hơn 4,4 tỉ đồng; tước Giấy phép lái xe 467 trường hợp vi phạm.
TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp
Mặc dù công tác đảm bảo TTATGT đã được các cấp, ngành quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, số vụ TNGT hàng năm có giảm, song nhìn chung vẫn chưa thực sự bền vững, người tham gia giao thông vẫn chưa nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ…
Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong 11 tháng năm 2016 (từ ngày 16/12/2015 - 15/11/2016), trên địa bàn tỉnh xảy ra 262 vụ TNGT làm chết 161 người, bị thương 216 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 14 vụ, giảm 18 người chết, tuy nhiên số người bị thương tăng 5 người. Về nguyên nhân dẫn đến TNGT, chủ yếu là do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát (26%); đi sai phần đường, làn đường (28,2%); không làm chủ tốc độ (18%), tránh vượt sai quy định (4,6%), chuyển hướng sai (4,6%), không nhường đường (3,8%), nguyên nhân khác (14,5%)… Đáng lo ngại, độ tuổi gây tai nạn tập trung từ 18 - 27 tuổi (70 vụ = 26,7%, chết 53 người).
Những tồn tại cần khắc phục
Đánh giá chung về công tác đảm bảo TTATGT năm 2016, Ban ATGT tỉnh chỉ rõ một số tồn tại cần điều chỉnh, khắc phục trong thời gian tới, đó là: Công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai một số nhiệm vụ đảm bảo TTATGT ở một số địa phương, đơn vị chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Vi phạm pháp luật về TTATGT còn diễn ra nhiều, TNGT tuy có giảm nhưng vẫn chưa bền vững, còn xảy ra một số vụ gây hậu quả nghiêm trọng. Công tác quản lý Nhà nước về TTATGT vẫn còn một số bất cập, nhất là trong quản lý hoạt động vận tải khách, hàng hóa.
Nhiều tuyến đường qua thời gian sử dụng đã xuất hiện nhiều tiềm ẩn nguy cơ TNGT về đường bộ và tại các điểm giao cắt với đường sắt, nhưng do nguồn kinh phí địa phương quá hạn hẹp nên không đủ điều kiện để khắc phục, triển khai các giải pháp chống ùn tắc và TNGT… Công tác đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT như: Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện đang tồn tại 180 lối đi dân sinh bất hợp pháp, hành lang an toàn đường sắt ở nhiều nơi còn vi phạm. Tình trạng tái lấn chiếm hành lang giao thông tiếp tục xảy ra ở một số địa phương nhưng chưa được xử lý dứt điểm.