(Congannghean.vn)-Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa vừa tổ chức kiểm tra các phương tiện thủy nội địa năm 2016. Kết quả cho thấy, việc thực hiện còn nhiều vấn đề cần phải xử lý.
Nghệ An hiện có 82 km bờ biển, 7 cửa lạch nối ra biển, 13 con sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài 1.140 km và hàng trăm hồ đập, khe suối. Sông ngòi ở Nghệ An chảy từ Tây sang Đông có độ dốc lớn, hiểm trở, khan cạn về mùa hè, lũ lụt về mùa mưa và bị chia cắt bởi các công trình giao thông thủy lợi. Trên các tuyến sông hiện có khoảng 13 bến đò khách ngang sông hoạt động phục vụ vận tải hành khách.
Cảnh sát Đường thủy kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa trên sông |
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động vận tải khách ngang sông nhằm đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, vừa qua, Đoàn liên ngành do Sở Giao thông - Vận tải chủ trì đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an tỉnh và chính quyền địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra các bến khách ngang sông trên địa bàn.
Nội dung kiểm tra gồm: Hiện trạng các bến thủy nội địa (hồ sơ mở bến, các điều kiện an toàn kỹ thuật, an toàn luồng tuyến đường thủy nội địa); kiểm tra ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa tại 21/21 huyện, thành, thị, trực tiếp kiểm tra tại 67 phường xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đó, Đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra 105 bến, phát hiện 72 bến hàng hóa không có giấy phép mở bến (chiếm 31,43% tổng số bến hàng hóa); kiểm tra tại 5 bến hành khách, phát hiện 2 trường hợp không có giấy phép mở bến (chiếm 40% tổng số bến hành khách); kiểm tra 18 bến khách ngang sông, phát hiện 5 bến không có giấy phép mở bến và cơ sở vật chất (nhà chờ, bảng nội quy, đường lên xuống...) tại các bến khách hầu hết đã cũ hỏng, xuống cấp; công tác đăng ký, đăng kiểm các phương tiện mới chỉ đạt khoảng 30%...
Theo Đoàn kiểm tra, công tác phối hợp liên ngành đường thủy nội địa giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương rất chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, một bến thủy nội địa không có giấy phép hoạt động, hoạt động chở khách du lịch chưa được quản lý chặt dẫn đến tình trạng môtô nước, phương tiện chở khách du lịch không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp... vẫn diễn ra, nhất là trên bãi tắm, tuyến Lan Châu - Hòn Ngư (TX Cửa Lò), khu vực thượng lưu đập Phà Lài (huyện Con Cuông).
Tình trạng người dân tự ý làm cầu phao tạm, phương tiện khai thác tài nguyên khoáng sản lòng sông vẫn tiếp tục diễn ra. Tại một số địa phương, tình hình giao thông đường thủy nội địa phức tạp nhưng chưa được quan tâm đúng mức...
Đoàn Liên ngành đã lập biên bản xử phạt 21 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, thu nạp kho bạc Nhà nước hơn 200 triệu đồng; đồng thời, bàn giao trách nhiệm cho người điều khiển phương tiện, chủ bến, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, kiến nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo và khắc phục ngay những tồn tại để đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa, nhất là trước, trong mùa du lịch và mùa mưa bão năm 2016.
Để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy trên địa bàn toàn tỉnh, chủ động phòng ngừa không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, Đoàn Liên ngành đề xuất và kiến nghị đến UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy nội địa… bằng nhiều hình thức và phù hợp với từng đối tượng.
Kiểm tra, xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với những vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa như: Vi phạm về đăng ký, đăng kiểm và an toàn kỹ thuật phương tiện; vi phạm quy định về bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện; vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa…