(Congannghean.vn)-Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp đến các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, địa phương, nhìn chung trong năm 2015, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Mặc dù số lượng phương tiện tham gia giao thông được đăng ký mới năm sau tăng cao so năm trước nhưng tình hình TNGT đã được kiểm soát, không để gia tăng về số vụ…
Những năm trước đây, Ban ATGT quốc gia thường chọn một tháng bất kỳ trong năm để phát động “Tháng ATGT”. Tuy nhiên, điều khác biệt là năm nay được xác định là “Năm ATGT”. Điều đó cho thấy, công tác đảm bảo TTATGT trên cả nước đã và đang nhận được sự quan tâm chỉ đạo, chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, nhằm giảm hơn nữa con số thương vong do TNGT. Tại Nghệ An, công tác đảm bảo TTATGT trong năm qua cũng đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm và triển khai đồng bộ.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức lễ ra quân và phát động “Năm ATGT” trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết, công điện… chỉ đạo công tác đảm bảo TTATGT đến các đơn vị, địa phương. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, sân khấu hóa với nhiều nội dung phong phú, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
CBCS Đội CSGT Công an TP Vinh nhắc nhở học sinh, sinh viên về việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện |
Năm 2015 cũng là năm Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, đáng chú ý là cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về TTATGT” bằng hình thức trắc nghiệm trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, thu hút nhiều người tham gia, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên. Kết quả cuộc thi được cập nhật thường xuyên, tiến hành tổng kết hàng tuần và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Công tác tuyên truyền về đảm bảo TTATGT trên báo chí cũng được đẩy mạnh thông qua “Giải báo chí viết về ATGT”, với sự tham gia của đông đảo các tác giả, trong đó có nhiều tác phẩm có tính giáo dục sâu sắc về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ…
Bên cạnh đó, để huy động các tổ chức, đoàn thể cùng chung tay vào cuộc, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành văn hóa giao thông, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thi “Nông dân với TTATGT”, các doanh nghiệp vận tải tham gia cuộc thi “Vô lăng vàng 2015”, Tỉnh đoàn với hoạt động “Ngày hội thanh niên với ATGT” năm 2015; các trường đại học, cao đẳng tổ chức Hội thi “Sinh viên với ATGT”. Đặc biệt là phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về TTATGT cho học sinh…
Tại lễ phát động hưởng ứng “Năm ATGT 2015”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: “Việc xây dựng văn hoá giao thông phải bắt đầu từ giáo dục ý thức tham gia giao thông, Luật Giao thông đường bộ cho học sinh ngay từ cấp tiểu học. Đây là một hợp phần quan trọng trong chiến lược xây dựng văn hoá giao thông”. Điều này cho thấy, việc giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là điều hết sức cần thiết. Ngoài ra, công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kiểm tra sức khỏe cho đội ngũ lái xe… đã được triển khai đồng bộ.
Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm
Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, công tác TTKS, xử lý vi phạm cũng được đẩy mạnh, nhằm góp phần kiềm chế, giảm thiểu tối đa TNGT.
Tính đến cuối tháng 10/2015, Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức gần 25.000 ca TTKS giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Qua đó, phát hiện và lập biên bản xử lý hơn 111.000 trường hợp vi phạm, xử phạt gần 40.000 trường hợp, nộp ngân sách Nhà nước gần 70 tỉ đồng, tạm giữ hơn 1.500 ôtô và hơn 20.000 môtô, xe gắn máy. Điểm đặc biệt là việc xử lý vi phạm được triển khai thông qua hệ thống camera giám sát.
Lực lượng Thanh tra giao thông xử lý xe quá khổ, quá tải |
Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra giao thông đã phối hợp với lực lượng Công an và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành lang ATGT, lòng đường, vỉa hè; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải…
Qua đó đã phát hiện, lập biên bản xử phạt hành chính gần 4.500 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước gần 15 tỉ đồng. Trong đó, riêng Trạm kiểm soát tải trọng xe đã phát hiện, xử lý gần 3.000 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước gần 12 tỉ đồng. Đặc biệt, việc thành lập các tổ công tác liên ngành kiểm soát tải trọng xe cơ động trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần hạn chế tình trạng xe quá khổ, quá tải trốn các trạm cân.
Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp đến các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, năm 2015 nhìn chung công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn Nghệ An đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.
Còn nhiều nỗi lo!
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, năm 2015 toàn tỉnh xảy ra 316 vụ TNGT, làm chết 207 người, bị thương 240 người; so với cùng kỳ năm 2014 giảm 3 vụ, 8 người chết, 15 người bị thương. Mặc dù TNGT đã giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng tình hình TTATGT vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT đã được kiềm chế nhưng chưa ổn định, số người chết và bị thương vẫn đang ở mức cao.
Những nguyên nhân trực tiếp gây mất ATGT chủ yếu là: Bất cập về kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật phương tiện, công tác quản lý Nhà nước và TTKS giao thông, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao…