An toàn giao thông
Tiềm ẩn tai nạn giao thông từ đường ngang dân sinh
08:39, 11/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong những ngày đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt thương tâm, làm nhiều người chết và bị thương. Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra đều do những đường ngang dân sinh tự phát của người dân. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông đường sắt, là mối đe dọa tới tính mạng của người dân.
Hiện, trên cung đường sắt đi qua địa bàn tỉnh có tới 313 đường ngang dân sinh, trong đó, có 82 đường ngang hợp pháp và 231 vị trí đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Trước đây, hầu hết các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra đều tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Nhưng hiện nay, ngay cả đường ngang đi qua đường sắt hợp pháp cũng xảy ra TNGT. Thực tế trên khiến ngành đường sắt hết sức lo ngại. Đơn cử chỉ trong những ngày đầu tháng 3/2015, đã xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt, làm 2 người chết, 1 người bị thương.
Trưa 6/3/2015, tại đường ngang dân sinh Km 270+700 trên địa bàn xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, giao nhau với đường bộ không có rào chắn đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng, làm 1 người chết, 1 người bị thương nặng. Vào thời điểm nói trên, tàu số hiệu SX1T1 (hành trình Hà Nội - Vinh) tông phải 2 người đang đi xe máy, khiến nạn nhân văng xuống đường bộ, bị chấn thương nặng và tử vong. Được biết, đây là một trong số hàng chục vụ tai nạn đường sắt xảy ra trên đường ngang có đầy đủ biển cảnh báo. Trước đó, vào hồi 0 giờ 20 phút ngày 4/3/2015, tại Km 286+815 thuộc địa phận xóm 15, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, tàu khách chạy hướng Nam - Bắc đã va chạm với 1 thanh niên khoảng 30 tuổi. Vụ tai nạn đã làm nạn nhân tử vong tại chỗ.
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an Nghệ An, năm 2014, có 19 vụ TNGT đường sắt liên quan đến đường ngang, làm chết 16 người, bị thương 3 người và hư hỏng nhiều tài sản; tăng 4 vụ và 3 người chết so với năm 2013. Theo phân tích của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, các vụ TNGT đường sắt xảy ra tại đường ngang có gác chắn chỉ chiếm số lượng ít, còn lại đều xảy ra tại đường ngang dân sinh tự phát qua đường sắt. Thực trạng trên cho thấy, những đường ngang dân sinh qua đường sắt không có rào chắn đã trở thành những cái “bẫy” luôn rình rập ẩn họa chết người.
Đường dân sinh cắt ngang đường sắt là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT đường sắt |
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT là do ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông chưa cao, như cố tình vượt ẩu qua đường sắt; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát khi đi qua đường sắt. Mặt khác, hành lang an toàn giao thông đường sắt bị lấn chiếm cũng là yếu tố làm gia tăng các vụ TNGT đường sắt…
Sau nữa là do sự bùng nổ của các phương tiện ôtô ở các thành phố, thị xã, khu đông dân cư; việc tùy tiện mở các đường đi trái phép qua đường sắt cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn. Một phần nữa cũng là do ý thức chủ quan của các lái tàu, khi cho rằng đường sắt là đường “độc đạo”, được quyền ưu tiên nên dẫn đến chủ quan, chưa thực hiện đúng chế độ hô - đáp, kéo còi cảnh báo và xử lý khi phát hiện chướng ngại trên đường sắt.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết: Những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra thời gian qua chủ yếu là do người dân tự ý mở đường dân sinh qua đường sắt. Hiện nay, số đường ngang và đường dân sinh qua đường sắt trên địa bàn tỉnh khá nhiều, trong đó có nhiều đường dân sinh không đảm bảo cự ly, khoảng cách quy định, nhiều nơi không có đèn cảnh báo, barie, ảnh hưởng đến thời gian tàu chạy và an toàn giao thông (ATGT). Để đảm bảo ATGT đường sắt, Phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là người dân sống hai bên hành lang đường sắt chấp hành nghiêm chỉnh quy định ATGT đường sắt khi tham gia giao thông. Riêng một số vị trí tự phát băng qua đường sắt, Ban ATGT sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nhắc nhở những trường hợp vi phạm. Đối với các trường hợp cố tình phớt lờ và không chấp hành, sẽ đề nghị các cơ quan chức năng xử phạt theo quy định.
Thiết nghĩ, để đẩy lùi và giảm thiểu TNGT đường sắt thì việc đảm bảo trật tự ATGT trên các đường ngang đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt của chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua cùng ngành đường sắt là hết sức cần thiết.
Cao Loan