An toàn giao thông

Đề xuất tịch thu phương tiện khi đi vào đường cao tốc: Liệu có khả thi?

09:22, 06/03/2015 (GMT+7)
Đề xuất tịch thu xe máy khi đi vào đường cao tốc hay vi phạm nồng độ cồn cao của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đang thu hút sự quan tâm của dư luận và các chuyên gia pháp luật. Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, việc tịch thu phương tiện trong trường hợp này là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân.
 
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nếu chỉ phạt tiền như hiện nay thì sẽ không bảo đảm tính răn đe mạnh. Việc tước bằng lái xe và tịch thu phương tiện sẽ là lời cảnh báo tác động đến tâm lý của nhiều người tham gia giao thông vì mục tiêu an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông.
 
Thực tế cho thấy thời gian qua, hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này còn khá nhẹ, không đủ tính răn đe. Trong khi đó, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn; xuất hiện tình trạng người điều khiển môtô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông. Vì vậy, việc xử lý nghiêm là cần thiết, bảo đảm tính răn đe của pháp luật, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi trong tham gia giao thông.
 
Bác Nguyễn Văn Lâm - cán bộ về hưu tại Đội Cấn, Hà Nội chia sẻ: “Điều này cho thấy sự quyết tâm cao của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Ở nước ta, ý thức của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém. Do đó, cần phải có chế tài mạnh để người dân sợ mà tôn trọng luật giao thông hơn”.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Đồng tình với đề xuất trên, song anh Đặng Thanh Lâm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kiến nghị, trước khi đưa quy định này vào thực tiễn, cần lấy ý kiến người dân. Song, anh Lâm cũng tỏ ra băn khoăn, trong trường hợp người vi phạm pháp luật mượn phương tiện của người khác thì việc tịch thu sẽ được xử lý như thế nào? Hay trường hợp một số người dân do không nắm được quy định cấm đi xe vào đường cao tốc mà vô tình vi phạm luật thì xử lý như vậy là quá nặng...
 
Trong khi đó, nhiều chuyên gia pháp luật bày tỏ sự lo ngại về tính hiệu quả, khả thi và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật đối với đề xuất trên.
 
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông là vi hiến, bởi quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa tại Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp này, đề xuất trên không phù hợp quy định mọi công dân có quyền sở hữu tài sản trong Bộ luật Dân sự. “Một văn bản dưới luật lại “đè” luật thì rõ ràng là “trái luật” và không có tính khả thi”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu quan điểm.
 
Đồng thời, theo luật sư, trong trường hợp phương tiện vi phạm không thuộc sở hữu của người vi phạm, vậy người chủ sở hữu thực sự có lỗi gì mà tịch thu tài sản hợp pháp của họ, tước quyền sở hữu của họ?" - luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi.
 
Ở góc độ khác, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng cho rằng, ở Việt Nam, những phương tiện như: xe máy, ôtô (taxi) không chỉ là công cụ đi lại mà còn là phương tiện kiếm sống, là giá trị tài sản lớn đối với mỗi gia đình. Vậy, nếu tịch thu thì họ sẽ sống như thế nào?
 
“Nên tăng mức phạt tiền và thời giam tạm giữ tang vật để đảm bảo tính răn đe của pháp luật và phù hợp với thực tiễn” - luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề xuất.
 
Trước một số ý kiến cho rằng, việc tịch thu phương tiện không vi hiến và cũng không xung đột với các luật hiện hành, bởi Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng quy định tại Điều 26 về Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu rõ: Trong trường hợp phương tiện vi phạm nhưng không gây tai nạn thì không thể coi là tang vật để tịch thu. Theo quy định, Tòa án chỉ ra quyết định tịch thu phương tiện khi người ta dùng nó làm phương tiện phạm tội trong vụ án hình sự. Quyền tự do sở hữu tài sản đã được Hiến pháp, luật bảo hộ thì căn cứ vào đâu để tước quyền đó của công dân? Còn trong trường hợp phương tiện đã gây tai nạn, thì cần phải sửa đổi Bộ luật Hình sự, bổ sung hình phạt phụ là tịch thu tang vật.
 
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn thẳng thắn bày tỏ: “Đây là đề xuất mang tính chất cực đoan, chưa được nghiên cứu thấu đáo”.
 
Theo ông Lê Hồng Sơn, luật pháp hiện hành chỉ áp dụng biện pháp răn đe là tạm giữ phương tiện và phạt tiền. Do đó, đề xuất tịch thu phương tiện không thể "dễ dàng” thực hiện vì liên quan đến quyền sở hữu tài sản đã được Hiến pháp quy định. Đồng thời, việc tịch thu phương tiện cần được đối chiếu với Luật Giao thông đường bộ và Nghị định của Chính phủ về xử phạt an toàn giao thông hiện nay để xem xét các hành vi vi phạm đó có đáng bị tịch thu phương tiện hay không?
 
Một số ý kiến luật sư cũng cho rằng, khi mà giá trị tài sản (cụ thể là xe máy, ôtô) rất lớn, thì người dân sẵn sàng tìm mọi cách để “lách” luật hay “đối phó” với lực lượng chức năng nhằm không bị tịch thu phương tiện. Vì vậy, cần phải xem xét kỹ đề xuất này, tránh để xảy ra tiêu cực trong khi thi hành.
 
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc đề xuất các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là cần thiết, nhưng cần phải được nghiên cứu, xem xét thấu đáo, toàn diện, trên cơ sở lấy ý kiến của người dân và các chuyên gia pháp luật; tránh ban hành một cách tùy tiện, dễ dẫn đến lạm quyền.
 
Do đó, thiết nghĩ, điều quan trọng cần phải làm là cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, để người dân hiểu đúng, nâng cao ý thức  và chấp hành tốt luật giao thông. Ngoài ra, cần tăng nặng mức tiền xử phạt vi phạm để người dân không dám “nhờn” luật. "Phòng cháy hơn chữa cháy" bằng chính sách tuyên truyền, giáo dục, chứ không phải cứ không kiểm soát được là tịch thu!
 
Tại văn bản gửi Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất, Chính phủ cho phép các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3/2015.
Cụ thể, người điều khiển ôtô mà trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.
 
Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), phạt tiền từ 4-5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 12 tháng, nếu trong máu có nồng độ cồn từ trên 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1lít khí thở, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.
 
Đối với hành vi điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện, phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.
 
Đặc biệt, với đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc đang gây tranh cãi, Ủy ban ATGT Quốc gia chính thức kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu lưu thông vào đường cao tốc...

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác