Pháp luật

Tiếp tục triển khai các giải pháp phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới

09:49, 20/12/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, Thông báo kết luận số 74-TB/KL của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 13-CT/TU của Tỉnh ủy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn Nghệ An đã có những bước chuyển đáng kể. Sự chuyển biến này thể hiện thông qua việc các cấp ủy, chính quyền địa phương đã thường xuyên ban hành các chương trình, kế hoạch PBGDPL mang tính định hướng lâu dài hoặc theo từng giai đoạn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp hiệu quả               nhằm nâng cao chất lượng PBGDPL
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng PBGDPL
Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện một cách nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả các đợt tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đáp ứng yêu cầu, mục đích hướng công tác PBGDPL về với cơ sở, cung cấp những thông tin pháp luật đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng nền ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.
 
Ngày 20/6/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 80-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL. Tiếp đó, ngày 6/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1521/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 80 của Ban Bí thư. Trước thực tế nói trên, ngày 11/8/2020, Tỉnh ủy đã có Công văn số 5920-CV/TU chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, phát huy vai trò, xác định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và hoạt động phối hợp giữa các cấp, ngành; gắn việc triển khai kết luận với thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Lựa chọn những nội dung sát thực, có trọng tâm, trọng điểm liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân, đến việc giải quyết các vấn đề bức xúc nổi cộm ở cơ sở… để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và có hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, sử dụng, khai thác và vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, vùng miền và đảm bảo tính hiệu quả. Tích cực công tác chỉ đạo điểm, tìm cách làm hay, mới, thiết thực để nhân rộng điển hình trong toàn tỉnh. Hướng mọi hoạt động PBGDPL về cơ sở; kết hợp chặt chẽ giữa PBGDPL với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong từng vụ việc cụ thể. Ngoài ra, tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL. Lãnh đạo, chỉ đạo và kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả của Hội đồng, Ban phối hợp công tác PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo tính thiết thực, tránh hình thức; đồng thời, xác định rõ vị trí, phát huy vai trò của hội đồng, ban phối hợp, MTTQ, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong công tác PBGDPL.
 
Từ thực tiễn công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong thời gian tới, các cấp, ban, ngành sẽ xây dựng chiến lược lâu dài, toàn diện về PBGDPL và có các giải pháp nhằm từng bước xã hội hóa công tác này. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, yếu thế trên cơ sở lựa chọn các nội dung phù hợp với nhu cầu của các đối tượng. Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo tinh gọn, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết; đồng thời huy động sự tham gia của các chuyên gia pháp luật, người có uy tín trong cộng đồng dân cư cũng như tăng cường đa dạng hóa các nguồn lực trong việc hỗ trợ công tác PBGDPL.
 
Các ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương cần coi công tác PBGDPL là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên của cơ quan, đơn vị mình và căn cứ vào nội dung Kết luận số 80, Quyết định số 1521 xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện. Hàng năm, chủ trì, phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp để tổng kết, đánh giá, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện và bảo đảm bố trí kinh phí cần thiết để triển khai hoạt động PBGDPL. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục đổi mới về tư duy, hình thức, cách làm trong công tác PBGDPL nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân; kết hợp giữa giáo dục pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật nhằm xây dựng thói quen tích cực, nét văn hóa trong đội ngũ cán bộ và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Anh

Các tin khác