Pháp luật
Huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
Kỷ luật nhiều cán bộ liên quan đến vụ án tham ô tài sản tại Trường THCS Nghi Vạn
10:40, 30/11/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử vụ án hình sự tham ô tài sản tại Trường THCS Nghi Vạn, tuyên phạt bị cáo Vương Thị Nga 7 năm tù giam, bị cáo Lê Thị Tư 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội tham ô tài sản. Cùng với đó, TAND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu xử lý kỷ luật nghiêm khắc về mặt Đảng và chuyên môn đối với một số lãnh đạo, cán bộ phòng Tài chính và Phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc.
Bị cáo Lê Thị Tư (trái), nguyên thủ quỹ và bị cáo Đậu Thị Tân, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Nghi Vạn |
Theo cáo trạng, từ năm 2013 đến 2017, bị cáo Vương Thị Nga (SN 1968) trú tại xã Nghi Liên, TP Vinh, nguyên kế toán trưởng của Trường THCS Nghi Vạn đã cố ý lập sai bảng lương để trình cấp trên duyệt cao hơn thực tế quy định. Mục đích của Nga là rút được nhiều tiền hơn thực tế mức lương trường được cấp từ Kho bạc. Sau khi rút tiền về thanh toán cho giáo viên, khi còn thừa số tiền kê chênh lệch, Vương Thị Nga và bị cáo Lê Thị Tư (SN 1964) trú tại xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, nguyên thủ quỹ của trường đã thống nhất chia nhau để chiếm đoạt số tiền hơn 400 triệu đồng. Nga và Tư mỗi người chia nhau hơn 200 triệu đồng.
Ngoài ra, khi chuyển hình thức thanh toán tiền lương qua tài khoản ngân hàng cho cán bộ, giáo viên trong trường, Nga đã lập thêm một tài khoản mang tên chồng mình. Hàng tháng, số tiền chênh lệch do kê khai tăng được Nga chuyển vào tài khoản mình và chồng. Số tiền mà Nga chiếm đoạt giai đoạn này là hơn 733 triệu đồng. CQĐT xác định, tổng số tiền mà Nga lập sai dự toán quỹ lương của trường cao hơn thực tế là hơn 1,5 tỉ đồng. Trong đó, Nga chiếm đoạt hơn 900 triệu đồng, Tư chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng. Bị cáo Đậu Thị Tân là Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Vạn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Kết thúc phiên xử án, HĐXX tuyên phạt Vương Thị Nga 7 năm tù giam; Lê Thị Tư 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội tham ô tài sản. Riêng bị cáo Đậu Thị Tân bị tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến vụ án trên, tại Bản án số 136/2020/HS-ST, TAND tỉnh Nghệ An còn yêu cầu xử lý trách nhiệm liên quan đối với nhiều cán bộ của UBND huyện Nghi Lộc. Cụ thể, đối với Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Nghi Lộc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã không kiểm soát bảng lương đăng ký quỹ lương của Trường THCS Nghi Vạn, không phát hiện được kê sai số liệu của Vương Thị Nga. Ngoài ra, hàng năm, Phòng này đã không tổ chức duyệt quyết toán cho Trường THCS Nghi Vạn dẫn đến sai phạm kéo dài từ năm 2013 đến năm 2017.
Quá trình điều tra xác định, do Phòng Tài chính Kế hoạch sử dụng bảng lương tháng thứ 12 năm trước hoặc tháng 1 năm sau để làm căn cứ tham mưu dự toán. Mặt khác, do công việc nhiều, cán bộ ít để tính toán, kiểm tra lại số học trên bảng lương nên để xảy ra sai phạm. Bản án nhận định, do Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Nghi Lộc là đơn vị phát hiện ra sai phạm và tham mưu cho UBND huyện Nghi Lộc thanh tra, kiểm tra, thiệt hại xảy ra đã được khắc phục nên Tòa đề nghị xử lý nghiêm khắc về mặt Đảng và chuyên môn để răn đe, giáo dục và phòng ngừa.
Hiện, các cá nhân sai phạm là ông Lê Văn Đức, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Nghi Lộc đã bị xử lý kỷ luật “Khiển trách”; bà Trần Thị Gái, chuyên viên phòng này đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức “Cảnh cáo”, nay tiếp tục kiến nghị xử lý về mặt Đảng. Riêng đối với ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch và bà Phan Thị Cảnh, chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch hiện chưa bị xử lý kỷ luật nên đang kiến nghị tiếp tục xử lý kỷ luật Đảng và chuyên môn.
Hội đồng xét xử cũng làm rõ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc có trách nhiệm phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch tính toán, phân bổ dự toán trình UBND huyện Nghi Lộc xem xét, quyết toán và giao dự toán cho các đơn vị. Tuy nhiên, quá trình phối hợp Phòng này đã không kiểm tra kỹ lưỡng bảng lương, hệ số lương, phụ cấp của giáo viên nên vẫn ký vào bảng dự toán. Chính vì vậy, UBND huyện Nghi Lộc đã căn cứ để ra quyết định giao dự toán cao hơn quy định cho Trường THCS Nghi Vạn. Điều này dẫn đến sai phạm và thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong công tác. Do đó, Tòa án nhân dân tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chuyên môn đối với các cá nhân liên quan như: ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng (từ năm 2013, 2014); ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng (từ năm 2015 đến nay).
Đối với Phòng Nội vụ đã ký vào bảng lương biên chế, quỹ lương mà Trường THCS Nghi Vạn lập. Các ông Phan Văn Sâm, Trưởng phòng (hiện là Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nghi Lộc); ông Đậu Văn Lương và Lê Xuân Lộc đều là Phó Trưởng phòng đã bị xử lý kỷ luật Khiển trách.
V. Thành