(Congannghean.vn)-Dự án xây dựng khu khách sạn, nhà hàng và du lịch sinh thái nhưng lại đe dọa đến sinh thái, uy hiếp an toàn đê điều. Mặc dù chậm tiến độ, bị UBND tỉnh “tuýt còi”, gia hạn nhưng đến nay tiếp tục quá hạn song hiện trạng dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống.
Dự án sinh thái đe dọa đến sinh thái
Ngày 9/9/2019, UBND xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc có Báo cáo số 84 xin ý kiến về việc Công ty Thương mại và Dịch vụ Quốc Vương (Công ty Quốc Vương), trụ sở tại xã Nghi Thái triển khai dự án xây dựng khu khách sạn, nhà hàng và du lịch sinh thái tại xã Nghi Thái. Theo lãnh đạo địa phương, trong khoảng thời gian tháng 8/2019, xã này nhận được phản ánh của người dân tại khu vực cống Rào Đừng thuộc đê Tả Lam đoạn qua xã Nghi Thái có hiện tượng đổ đất san lấp mặt bằng làm ô nhiễm dòng nước. Qua kiểm tra thực tế, xác định đơn vị san lấp là Công ty Quốc Vương, hiện đang triển khai xây dựng dự án khách sạn, nhà hàng và du lịch sinh thái tại xã Nghi Thái. Mặc dù công ty đã xuất trình một số giấy tờ liên quan về việc dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, song theo ông Đặng Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Nghi Thái thì vị trí mà công ty thực hiện xây dựng dự án là khu vực nhạy cảm về môi trường, ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Rào Đừng thoát ra sông Lam. Những vấn đề này trong các nội dung cam kết bảo vệ môi trường của dự án chưa thấy đề cập đến.
Cụ thể, theo người đứng đầu chính quyền xã Nghi Thái, khu vực dự án được cấp phép là “túi nước” của sông Rào Đừng trước khi đổ ra sông Lam. Vị trí này chịu ảnh hưởng trực tiếp của dòng nước từ TP Vinh và các kênh Đông Nam của huyện Nghi Lộc đổ về. Vào mùa mưa lũ, lưu lượng cống Rào Đừng không thoát được, nước dâng cao sẽ làm ngập khu dân cư các xóm Thái Cát, Thái Bình và toàn bộ hệ thống trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của xã. Nếu bị san lấp, dẫn đến mất hồ chứa thì vị trí này sẽ trở thành dòng nước chảy xiết. Ngoài ra, khu vực này là nơi cấp nước mặn phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản của hàng chục hộ dân trên địa bàn xã. Quá trình san lấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản. Mặc dù dự án đã được chấp thuận, song khi triển khai san lấp chủ đầu tư đã không báo cáo với UBND xã nên khi đơn vị này san lấp mặt bằng, trước sự phản ứng quyết liệt của người dân, xã đã yêu cầu tạm dừng thi công để xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền, nhưng công ty vẫn tiến hành việc san lấp.
Dự án được san lấp bằng rác thải vật liệu xây dựng, nằm cạnh cống Rào Đừng |
Sau khi tiếp nhận công văn của xã Nghi Thái, ngày 12/9/2019, UBND huyện Nghi Lộc ban hành Văn bản số 2980, giao xã Nghi Thái thông báo cho chủ đầu tư tạm dừng các hoạt động triển khai thi công dự án khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép.
Cần xem xét lại việc cấp phép
Dự án ảnh hưởng đến cống Rào Đừng và đường sinh thái ven sông Lam |
Được biết, Công ty Quốc Vương được UBND tỉnh Nghệ An cho thuê đất tại xã Nghi Thái và xã Phúc Thọ theo Quyết định số 718/QĐ-UBND.ĐC ngày 15/12/2014 với diện tích 10.982,6 m2; được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCNQSDĐ ngày 2/5/2015, thời hạn đến tháng 9/2064. Ngày 12/1/2015, đơn vị này được ký Hợp đồng thuê đất số 05. Trước đó, ngày 26/9/2014, UBND tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này, tiến độ thực hiện là 18 tháng, đến quý III/2016 là hoàn thiện, đưa vào hoạt động.
Theo Quyết định 3503 ngày 12/8/2013 của UBND tỉnh Nghệ An, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 dự án khách sạn, nhà hàng và du lịch sinh thái tại xã Nghi Thái thì dự án được phê duyệt với các vị trí phía Bắc giáp xã Phúc Thọ, phía Nam giáp cống Rào Đừng 42, phía Đông giáp đường sinh thái ven sông Lam và phía Tây giáp nghĩa trang xã Phúc Thọ. Dự án bao gồm các hạng mục sân, đường nội bộ, cây xanh; công trình khách sạn 3 tầng, nhà hàng 2 tầng, nhà xe và nhà kho, với tổng mức đầu tư là 10 tỉ đồng. Mục tiêu là xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp kinh doanh nhà hàng dịch vụ ăn uống, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, thưởng thức văn hóa ẩm thực; tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, do dự án không triển khai bất cứ hạng mục nào kể từ sau khi được chấp thuận đầu tư nên ngày 1/12/2017, UBND tỉnh có Quyết định số 5830/QĐ.UBND về việc xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó yêu cầu Công ty Quốc Vương hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đồng thời nộp tiền gia hạn, khởi công và hoàn thành dự án trước ngày 30/11/2019. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, thì công trình dự án đã được Công ty Quốc Vương khởi công từ tháng 5/2019, hiện đã thực hiện phần san lấp mặt bằng đạt khoảng 60% tổng khối lượng san lấp, còn các hạng mục khác của dự án chưa triển khai thực hiện. Đến nay, dự án đã chậm tiến độ theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp và hết thời hạn thực hiện dự án theo Quyết định gia hạn của UBND tỉnh số 5830 ngày 1/12/2017. Cũng theo Sở Xây dựng, công ty tiến hành thi công san lấp mặt bằng khi chưa có hồ sơ thiết kế cơ sở, không có ý kiến về thiết kế cơ sở hoặc kết quả thẩm định của các cấp có thẩm quyền.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thi, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Nghi Lộc cho rằng, dự án có từ thời lãnh đạo tiền nhiệm, mọi hồ sơ thủ tục liên quan bản thân ông cũng như Phòng Kinh tế Hạ tầng không nắm được. Đây là dự án của tỉnh, do tỉnh cấp chứng nhận đầu tư nên chủ đầu tư dự án cũng không bàn giao hồ sơ để huyện theo dõi, quản lý. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cũng cho rằng, dự án đã được yêu cầu ngừng thi công từ tháng 9/2019, từ đó đến nay dự án không triển khai bất cứ hoạt động nào. Về thông tin dư luận cho rằng, hiện nay dự án đã được Công ty Quốc Vương chuyển cho một đối tác khác thực hiện, ông Hải cho biết không nắm được thông tin này.
Thiết nghĩ, một dự án sinh thái nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái tự nhiên, thậm chí có thể gây hậu quả lớn hơn là ô nhiễm nguồn nước mặn nuôi trồng thủy sản của nhiều người dân, có thể gây ngập lụt khi mùa mưa bão đang đến gần. Quá trình san lấp, chưa có ý kiến thẩm định của cấp có cơ sở nhưng Công ty Quốc Vương vẫn tiến hành san lấp chủ yếu bằng rác thải vật liệu xây dựng, có dấu hiệu vi phạm hành lang đê điều. Thậm chí, dự án đã 2 lần quá thời hạn cho phép nhưng vẫn mặc nhiên tồn tại, gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là qua các đợt tiếp xúc cử tri. Đề nghị cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, đánh giá mức độ ảnh hưởng sinh thái, môi trường của dự án để sớm có phương án xử lý. Trường hợp cần thiết cần thu hồi, chấm dứt dự án theo quy định của luật pháp về đầu tư, xây dựng trên địa bàn.
.