(Congannghean.vn)-Sai sót trong việc chậm cập nhật mã số thuế trong hóa đơn chứng từ với khách hàng, dù hành vi này chưa gây ra bất cứ hậu quả nào về kinh tế cho công ty, cũng không vì động cơ vụ lợi vì mục đích cá nhân nhưng một kế toán đã bị đuổi sau hơn 20 năm làm việc khiến người này bất bình, làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng. Vụ việc xảy ra tại Công ty CP Xuất nhập khẩu và Dịch vụ tổng hợp Nghệ An (Công ty CP XNK&DVTH Nghệ An).
Hơn 20 năm cống hiến, đuổi việc vì cho rằng “năng lực yếu”
Ông Phạm Văn Nam (SN 1974) trú tại xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu có đơn gửi cơ quan chức năng, cầu cứu về việc ông bị Công ty CP XNK&DVTH Nghệ An chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, gây tổn thất về tinh thần cũng như vật chất cho ông và gia đình, sau nhiều năm bản thân ông miệt mài cống hiến cho công ty. Cụ thể, theo trình bày của ông Nam, ngày 12/3/2020, ông Nam nhận được Quyết định số 10, do Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Phi Nam ký, về việc chấm dứt hợp đồng với ông Phạm Văn Nam, chức vụ là nhân viên kế toán Trung tâm kinh doanh xe máy. Cùng ngày, công ty ban hành Quyết định số 30, thông báo xử lý sai phạm tại Trung tâm kinh doanh xe máy. Theo thông báo này, cùng với ông Nam, còn có bà Đặng Thị Ái Vân, tổ trưởng tổ kế toán cũng bị cho thôi việc mà không nêu lý do. Theo ông Phạm Văn Nam, nhận được thông báo, ông rất bất ngờ vì trước đó bản thân không hề nhận được thông báo nào khác từ phía công ty.
Trụ sở Công ty CP XNK&DVTH Nghệ An |
Theo hồ sơ, ông Phạm Văn Nam ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với Công ty từ ngày 24/2/1999, chức vụ là nhân viên kế toán. Trong suốt hơn 20 năm công tác, ông Nam luôn làm tốt nhiệm vụ của mình, được bầu chọn là lao động loại A. Từ trước đến nay, bản thân ông luôn chấp hành điều lệ công ty, quy chế quản lý điều hành của công ty, chưa gây ra bất cứ thiệt hại nào, cũng chưa từng bị kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, không tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm theo điều lệ, quy chế của công ty. Mặt khác, HĐLĐ của ông Nam là không xác định thời hạn nên không có ngày hết hạn hợp đồng, bản thân ông và công ty cũng chưa hề có sự thỏa thuận nào về việc chấm dứt HĐLĐ.
Theo ông Nam, nguyên nhân chính dẫn đến việc ông bị đuổi việc, là do Công ty CP XNK&DVTH Nghệ An thay đổi mã số thuế mới nhưng ông Nam và bộ phận kế toán chưa cập nhật cho nhà máy Suzuki, vẫn để đơn vị này xuất hóa đơn theo mã số thuế cũ, dẫn đến sai tên đơn vị và mã số thuế. Tại bản tường trình ngày 15/2/2020, ông Nam cho biết, sau khi tiếp nhận công việc từ người tiền nhiệm vào thời điểm năm 2013, ông Nam theo dõi mảng phụ tùng xe máy Suzuki và mảng bảo hành xe máy Honda. Từ đó đến cuối năm 2018, cơ quan thuế vẫn tiến hành kiểm tra, thanh tra khấu trừ thuế toàn diện, làm thủ tục hoàn thuế đến tháng 1/2020. Ngày 30/1/2020, sau khi phát hiện sự sai lệch của nhà máy Suzuki xuất sai thông tin trên hóa đơn thuế, phòng kế toán đã có công văn gửi vào nhà máy, yêu cầu xác nhận sự sai lệch về 2 mã số thuế thực chất là một công ty. Vấn đề này, theo ông Nam lỗi là do kế toán của Suzuki không cập nhật thông tin, dù trước đó Công ty CP XNK&DVTH Nghệ An đã có văn bản thông báo gửi cho công ty Suzuki.
Ông Nam đã nhận trách nhiệm của bản thân, có thiếu sót trong việc tra soát hồ sơ chứng từ. Tuy nhiên, theo ông này, việc làm này chưa gây ra bất cứ thiệt hại nào về kinh tế cho công ty, bản thân ông cũng không có động cơ, mục đích cá nhân nên việc công ty đuổi việc ông là quá nặng, thậm chí là vi phạm trình tự, thủ tục. Bởi theo khoản 2, Điều 38 Luật Lao động năm 2012 thì, người sử dụng lao động nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì phải báo trước cho người lao động ít nhất là 45 ngày (đối với HĐLĐ không xác định thời hạn). Thậm chí, công ty còn có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động khi đột ngột ra Quyết định số 10 chấm dứt HĐLĐ với ông Nam. Sau khi chấm dứt HĐLĐ, công ty chỉ hỗ trợ cho ông Nam 1 tháng tiền lương.
Đuổi việc “đúng quy trình”?
Tại Công văn số 38 ngày 30/3/2020, ông Nguyễn Phi Nam, Phó Giám đốc Công ty, cũng là người đã trực tiếp ký quyết định đuổi việc ông Phạm Văn Nam, ông này cho rằng việc chấm dứt HĐLĐ là đúng quy trình. Bởi sau khi phát hiện lỗi, ông Nam đã làm bản tường trình. Tiếp đến, tổ kế toán họp kiểm điểm sai phạm, sau đó công ty tiến hành xử lý kỷ luật với đầy đủ thành phần, từ người vi phạm, đại diện phòng kế toán, đại diện công đoàn cơ sở và lãnh đạo công ty. “Xét thấy sai phạm của ông Nam gây ra cho công ty là sai sót trong thời gian dài, không thể nào khắc phục được, hệ lụy có thể gây tổn thất về tài chính rất lớn cho công ty. Bên cạnh đó, đây là lỗi sai cơ bản về nghiệp vụ kế toán, chứng tỏ năng lực yếu kém của ông Nam, gây ra tình trạng sai sót kéo dài”, công văn cho biết. Tuy nhiên, cũng tại công văn này, Công ty CP XNK&DVTH Nghệ An cho biết, việc đuổi ông Nam là áp dụng theo khoản a, Điều 27.2 Quy chế quản lý và điều hành của công ty là: “Nếu người lao động vi phạm quy chế quản lý của Nhà nước, chế độ quy định của công ty, thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì bị xem xét kỷ luật ở các mức sau: Không nâng lương khi đến thời hạn, hạ bậc lương đang hưởng, cách chức, bố trí công việc khác, không bố trí công việc hoặc chấm dứt HĐLĐ”.
Quyết định chấm dứt HĐLĐ gây tranh cãi với người lao động của Công ty |
Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với lý do đuổi việc ông Phạm Văn Nam, bởi đối chiếu lại suốt 20 năm công tác, cũng như lỗi không cập nhật mã số thuế cho nhà máy Suzuki của ông Nam, thì ông không thuộc diện phải đuổi việc. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với Giám đốc Công ty thì được giới thiệu gặp ông Nguyễn Phi Nam, Phó Giám đốc Công ty. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần hẹn, cuối cùng ông Nam thoái thác gặp vì cho rằng, mình quá bận rộn và không quên khuyến cáo phóng viên, nếu viết bài phải tìm hiểu cho cẩn thận. Được biết, Công ty CP XNK&DVTH Nghệ An trong những năm gần đây được biết đến với rất nhiều lùm xùm xung quanh vấn đề kinh doanh tại công ty. Tháng 6/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công ty này khi có dấu hiệu trốn thuế và có tình trạng ghi giá trị trên hóa đơn khác với giá trị thanh toán thực tế của khách hàng, gây thiệt hại đến lợi tức của cổ đông với số tiền hơn 700 triệu đồng.
Ầm ĩ nhất là vào tháng 10/2018, xuất phát từ mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa các cổ đông, một số cổ đông đã thuê một nhóm người lạ khoảng trên 20 người mình đầy xăm trổ, đến công ty khống chế cán bộ, nhân viên của Phòng tổ chức hành chính, kế toán ra khỏi phòng làm việc rồi dùng khóa mang theo khóa phòng lại. Nhóm người này còn khóa cả phòng làm việc của Chủ tịch HĐQT- Giám đốc công ty. Ngoài ra, 2 trung tâm kinh doanh xe máy của công ty tại đường Quang Trung và đường Phan Đình Phùng (TP Vinh) cũng xảy ra tình trạng nhân viên bị khống chế, cửa hàng bị nhóm người lạ dùng xích và khóa đã chuẩn bị sẵn, khóa cửa ra vào của cửa hàng này khiến mọi hoạt động của doanh nghiệp bị tê liệt hoàn toàn.