Thứ Tư, 08/01/2020, 10:52 [GMT+7]

Nỗ lực vì một cái Tết không tiếng pháo

(Congannghean.vn)-Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm là thời điểm dân buôn lậu vào “mùa vụ chính”. Ngoài những mặt hàng gia dụng, quần áo, nhu yếu phẩm và thực phẩm thì pháo cũng là một mặt hàng được đánh giá siêu lợi nhuận mà dân buôn nhắm tới để vận chuyển về nước tiêu thụ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Công an tỉnh Nghệ An liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển pháo nổ trái phép với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Tuy nhiên, do lợi nhuận rất lớn nên các đối tượng vẫn nhập lậu pháo và tuồn vào nội tỉnh với số lượng lớn.

Công an huyện Đô Lương bắt giữ 2 đối tượng mua bán pháo trái phép
Công an huyện Đô Lương bắt giữ 2 đối tượng mua bán pháo trái phép

Chặn đứng nhiều con đường vận chuyển pháo lậu

Để chủ động triển khai sớm, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo, ngay từ đầu tháng 8/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch phòng, chống các hành vi vi phạm về pháo trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Thời gian thực hiện kế hoạch là từ ngày 5/8/2019 - 15/2/2020, được chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 5/8/2019 - 5/1/2020; đợt 2 từ ngày 6/1 - 15/2/2020.

Sau hơn 4 tháng triển khai, Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 110 vụ, 137 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, thu 2,9 tấn pháo các loại (so với cùng kỳ năm 2018 giảm 18 vụ, giảm 14 đối tượng, lượng pháo thu giữ giảm 1,1 tấn).

Điển hình, cuối tháng 8/2019, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An phát hiện một đường dây mua bán trái phép pháo với số lượng lớn, được vận chuyển từ phía Bắc về Nghệ An tiêu thụ, do Ngô Tuấn Anh (SN 1995) trú tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc và Đồng Văn Lực (SN 1984) trú tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cầm đầu.

Sau một thời gian nắm tình hình, 2 giờ ngày 1/9, trên Quốc lộ 1A qua xóm 8, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Ban chuyên án bắt quả tang 2 đối tượng đang có hành vi mua bán, vận chuyển 126 kg pháo trái phép trên chiếc xe container BKS 89C-128.94 do Lực điều khiển. Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng khai nhận, do có mối quan hệ quen biết trước đó nên đã bàn nhau làm ăn, trong đó, Lực có vai trò mua pháo từ các tỉnh phía Bắc rồi vận chuyển vào Nghệ An, còn Tuấn tìm các mối mua pháo để tiêu thụ.

Cũng trong thời gian này, Công an huyện Nghĩa Đàn bắt 2 đối tượng Trần Viết Dũng (SN 1986) trú tại thị trấn Nghĩa Đàn và Trương Trung Kiên (SN 1986) trú tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn mua 235 kg pháo nổ từ tỉnh Quảng Bình rồi giấu trong ca bin và phía dưới rơ-moóc xe ôtô BKS-37C-168.56 kéo theo rơ-moóc 37R- 003.90 để đưa về nhà cất giấu chờ Tết bán kiếm lời.

Với thủ đoạn tương tự, ngày 12/10, tại đường ven sông Lam thuộc địa phận khối 13, phường Bến Thủy, TP Vinh, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An chủ trì, phối hợp với Công an TX Thái Hòa, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 1 bắt quả tang Nguyễn Đăng Nhân (SN 1986) trú tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, là người điều khiển chiếc xe ôtô tải BKS 61C-315.08 đi theo đường tránh ven sông Lam hướng từ cầu Bến Thủy 1 về phía biển Cửa Hội, chở theo 7 bì các tông gồm 210 hộp pháo, trọng lượng 316,5 kg do nước ngoài sản xuất. Số pháo trên được lái xe cất giấu kỹ càng trong một ngăn riêng phía sau thùng xe. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Đăng Nhân khai nhận vận chuyển số pháo trên với giá 20 triệu đồng từ tỉnh Đắk Lắk ra các tỉnh phía Bắc để giao hàng.

Mới đây, ngày 27/11, 2 đối tượng Nguyễn Đức Thống (SN 1994) trú tại huyện Thanh Chương và Hoàng Võ (SN 1989) trú tại huyện Diễn Châu vận chuyển 112 hộp pháo loại 35 quả và 5 bánh pháo tràng mà trước đó mua từ một người Trung Quốc, rồi giấu trên tàu thủy vận chuyển về cảng Hòn La, tỉnh Quảng Bình, sau đó thuê ôtô 7 chỗ BKS 37A-403.82 chở toàn bộ số pháo trên từ Quảng Bình về Nghệ An để bán kiếm lời thì bị Tổ tuần tra Trạm CSGT Diễn Châu thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, bắt giữ tại địa bàn xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu.

Trạm CSGT Diễn Châu bắt quả tang 2 đối tượng (X) mua bán, vận chuyển trái phép hơn 2,5 tạ pháo các loại
Trạm CSGT Diễn Châu bắt quả tang 2 đối tượng (X) mua bán, vận chuyển trái phép hơn 2,5 tạ pháo các loại

Có thể thấy, các đối tượng buôn pháo lậu luôn sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng như lén lút vận chuyển vào đêm tối hay rạng sáng, cất giấu trong các thùng hộp khó phát hiện... Đối tượng liên quan đến hoạt động này không có giới hạn về độ tuổi, vì lợi nhuận cao nên bất chấp, làm liều. Hầu hết các loại pháo được phát hiện đều ghi nơi sản xuất Trung Quốc, tuy nhiên, đường đi của gần 3 tấn pháo thu được trong thời gian qua không phải hoàn toàn giống nhau. Bằng nhiều con đường khác nhau, các đối tượng đang từng ngày, từng giờ tuồn từng bánh pháo vào nội tỉnh bằng vô số cung đường bí hiểm.  

Nỗ lực vì một cái Tết không có tiếng pháo

Mặc dù các quy định, chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán, tàng trữ pháo lậu là rất nặng nhưng do ham lợi nhuận nên các đối tượng vẫn bất chấp tất cả, sử dụng các phương thức vận chuyển ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Chưa năm nào mà Tết Nguyên đán không xảy ra tình trạng đốt pháo nổ. Trên thực tế, trước Tết Nguyên đán, các lực lượng làm nhiệm vụ như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường... của tỉnh Nghệ An đã tăng cường nắm tình hình, tuần tra kiểm soát ở tuyến biên giới, tuyến biển, đường tiểu ngạch, cửa khẩu, nhà ga, bến xe, bến tàu và đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ rất nhiều vụ vận chuyển pháo nổ trái phép từ biên giới, nội địa... đưa vào tỉnh tiêu thụ. Dù vậy, tình trạng nổ pháo vẫn diễn ra.

Ðiều 190, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6 đến dưới 40 kg thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Trường hợp sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 đến dưới 120 kg, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 5 đến 10 năm. Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120 kg trở lên sẽ bị phạt tù từ 8 đến 15 năm... Ðiều 10 Nghị định 167/2013/NÐ-CP, quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm cũng đưa ra nhiều mức hình phạt tương ứng đối với việc buôn bán, vận chuyển pháo nổ. Có thể thấy, chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ là rất nặng.

Tuy nhiên, do thói quen sử dụng pháo mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nên dù bị cấm, nhiều người vẫn lén lút tìm mọi cách mua bằng được vài ba bánh pháo. Thậm chí, khi không mua được thì một số người vẫn tìm cách tự cuốn pháo để nổ vào đêm Giao thừa. Và đi theo đó là nhiều hậu quả tai nạn đáng tiếc do pháo gây ra. Một số người bị tai nạn pháo nổ dẫn đến cụt tay, chân, mù mắt nhưng không dám nhận mình bị thương do pháo nổ.

Để kiên quyết ngăn chặn tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép dịp lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, để không còn những câu chuyện thương tâm do đốt pháo gây ra, ngay từ khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch, Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các ban, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân. Thường xuyên phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán, hộ gia đình, cá nhân có điều kiện, biểu hiện nghi sản xuất, mua bán, tàng trữ pháo trái phép trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phấn đấu làm giảm tối đa hoạt động đốt pháo trái phép trong đêm Giao thừa.

.

Minh Tâm

.