Thứ Sáu, 25/10/2019, 14:39 [GMT+7]

'Thuốc xác sống' và nguy cơ đối với Việt Nam

Vốn là một loại thuốc bán theo đơn, thuốc giảm đau có chất gây nghiện opioid đã gây nên đại dịch nghiện ở Mỹ, cướp đi 400.000 sinh mạng từ năm 1999 đến 2018. Một trong những mối nguy hiểm là fentanyl - một loại opioid tổng hợp gây chết người, mạnh hơn 100 lần so với morphin.

Fentanyl còn được gọi là
Fentanyl còn được gọi là " thuốc xác sống" vì nó mạnh hơn heroin từ 30-50 lần, và mạnh gấp 100 lần so với morphine mà giá rất rẻ
Cuộc chiến bất tận với loại ma túy nguy hiểm nhất ở Mỹ
 
Hơn 1 triệu bưu kiện được gửi qua sân bay John F. Kennedy ở New York mỗi ngày khiến sân bay này trở thành chiến tuyến bất đắc dĩ trong cuộc chiến với thuốc giảm đau gây nghiện.
 
Kể từ năm 2016, một trong những ưu tiên hàng đầu của hải quan Mỹ là ngăn không cho fentanyl nhập lậu vào nước này. Dù là thuốc kê đơn, nhưng các loại thuốc giảm đau gây nghiện vẫn được rao bán công khai trên những trang web đen dưới dạng bột hoặc viên nén. Các nhân viên hải quan sẽ dùng máy X-quang để soi, trước khi quyết định rạch một bưu kiện để kiểm tra.
 
Dù với số lượng ít, fentanyl cũng có khả năng gây hại cho sức khỏe con người nếu vô tình hít phải. Như vậy, những nhân viên hải quan vẫn phải dùng máy móc để soi các bưu kiện, nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Hay khi thu giữ Fentanyl và các chất thuộc nhóm này, lực lượng cảnh sát cũng phải thận trọng không để chúng trực tiếp tiếp xúc với các bộ phận cơ thể.
 
Fentanyl vốn được dùng để làm thuốc gây mê trong y tế, có thành phần chiết xuất từ hóa học. Fentanyl được cho là mạnh hơn heroine tới 50 lần và100 lần so với morphine, nên còn được gọi là “thuốc xác sống”.
 
Việc sử dụng Fentanyl và các chất cùng loại không vì mục đích chữa bệnh có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe. Mức độ dung nạp và lệ thuộc đối với các chất này tăng rất nhanh và có thể đạt ngưỡng cao một cách kinh khủng. Nguy hiểm hơn cả là tình trạng chết do sử dụng quá liều gây ra bởi trạng thái ức chế đường hô hấp, một tác dụng phụ phổ biến đối với các chất nhóm opioid.
 
Thêm vào đó, do có thành phần là chất hóa học, nên việc điều chế fentanyl nhanh và rẻ hơn ma túy, nhưng lợi nhuận lại cao gấp 10 lần. Vì vậy, không chỉ những kẻ buôn ma túy, mà ngay các bác sĩ cũng tìm cách tuồn thuốc ra chợ đen để bán.
 
Mỹ là một trong những quốc gia sử dụng nhiều fentanyl nhất trên thế giới. Theo lực lượng chống ma túy Mỹ, 1kg fentanyl có giá trung bình 1,5 triệu USD. Năm 2018, hơn 1 tấn fentanyl được tiêu thụ tại Mỹ.
 
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), fentanyl là nguyên nhân của một trong 4 trường hợp tử vong do quá liều ở Mỹ vào năm 2018, giết chết hơn 18.000 người trong một năm và vượt qua heroin và oxycodone trở thành là loại ma túy nguy hiểm nhất nước này.
 
Phân tích các trường hợp tử vong do quá liều ma túy trong giai đoạn 2011-2016, fentanyl có liên quan đến gần 29% tổng số ca tử vong do quá liều trong năm 2016. Mặc dù nhiều chuyên gia chỉ ra việc kê đơn thuốc giảm đau theo toa là căn nguyên của cuộc khủng hoảng chất gây nghiện ở Mỹ, họ nói rằng nó đã tiến triển, đầu tiên là một cuộc khủng hoảng heroin và bây giờ trở thành dịch fentanyl.
 
Hiện Mỹ vẫn chưa có giải pháp triệt để cho cuộc khủng hoảng opioid và dường như những biện pháp hiện nay mới chỉ đang là bộ lọc để hạn chế fentanyl đến gần hơn với người dân.
 
Mới đây, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alexander Azar cho biết, ngoài việc chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ cấp 1,8 tỷ USD, Cơ quan quản lý chất ảnh hưởng sức khỏe tâm thần sẽ cấp 932 triệu USD cho tất cả 50 bang và vùng lãnh thổ của Mỹ. Khoản trợ cấp này được Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm 2018.
 
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng sẽ nhận được 900 triệu USD trong thời gian 3 năm. Các khoản trợ cấp này sẽ giúp các chính quyền bang và địa phương theo dõi tốt hơn dữ liệu về các trường hợp sử dụng thuốc giảm đau quá liều cũng như cung cấp các liệu pháp điều trị.
 
Nguy cơ đối với nước ta
 
Theo đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an, các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động này. Hiện nay qua công tác giám định chưa phát hiện Fentanyl và các chất dẫn xuất của nó thu giữ tại Việt Nam, ngoại trừ có một hai vụ đơn lẻ giám định trước đây phát hiện Fentanyl được tẩm trên miếng dán (có thể được sử dụng với mục đích y tế) ở phía Nam.
 
Có thể thấy Fentanyl và các chất dẫn xuất của nó chưa thực sự được thẩm lậu và sử dụng trái phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng không vì thế mà chủ quan với nguy cơ trong thời gian tới chúng sẽ xuất hiện và được sử dụng bất hợp pháp.
 
Để phòng ngừa việc vận chuyển, mua bán, sử dụng Fentanyl bất hợp pháp, Việt Nam đã đưa Fentanyl vào Danh mục II (các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền) tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.
 
Các dẫn xuất của Fentanyl như: Alfetanil, Remifentanil, Selfentanil, Acetylfentanyl, Butyrfentanyl, Furanylfentanyl… cũng được quy định trong Danh mục các chất ma túy thuộc Nghị định số 73.
.

Nguồn: Hoàng Anh/Chinhphu.vn

.