Thứ Sáu, 27/09/2019, 08:40 [GMT+7]

Báo động thực trạng công dân vi phạm pháp luật ở nước ngoài

(Congannghean.vn)-Theo nhận định của các cơ quan chức năng, thời gian qua, tình hình công dân Việt Nam vi phạm pháp luật tại nước ngoài có nhiều diễn biến khó lường; trong đó, Nghệ An cũng là địa phương có số lượng khá nhiều công dân bị bắt và trục xuất về nước. Qua đó, đặt ra yêu cầu cần các giải pháp quyết liệt hơn nữa để tiến tới chấm dứt thực trạng trên.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật liên quan khi làm việc, học tập, sinh sống tại nước ngoài cho công dân trước khi xuất cảnh (Trong ảnh: Các vấn đề về xuất khẩu lao động được nhiều người dân quan tâm tìm hiểu tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh)
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật liên quan khi làm việc, học tập, sinh sống tại nước ngoài cho công dân trước khi xuất cảnh (Trong ảnh: Các vấn đề về xuất khẩu lao động được nhiều người dân quan tâm tìm hiểu tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh)

Thời gian qua, tình hình công dân vi phạm pháp luật tại nước ngoài diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức như đánh bạc, gây gổ, đánh nhau, trộm cắp, cư trú bất hợp pháp, hoạt động mại dâm... Trên thực tế, việc lao động vi phạm pháp luật tại nước sở tại không chỉ gây thiệt hại cho chính bản thân họ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo hộ công dân, nhất là lao động bất hợp pháp khi xảy ra sự cố. Đơn cử như việc, vì không có hợp đồng lao động hợp pháp, những trường hợp lao động “chui” nếu không may bị tai nạn lao động, ốm đau, bệnh tật hay bị xâm phạm, quỵt lương, nợ lương… thì sẽ không được đảm bảo các chế độ bảo hiểm cũng như các chính sách, quyền lợi liên quan. Đối với trường hợp bị giết hại, bị bệnh qua đời, việc xác minh nhân thân hay sử dụng các biện pháp can thiệp để đưa thi thể về quê cũng gặp rất nhiều khó khăn…

Tại Nghệ An, từ năm 2017 đến nay, có hơn 1.000 người xuất cảnh sang Nhật Bản dưới nhiều hình thức như xuất khẩu lao động, du học, đi du lịch rồi trốn ở lại lao động bất hợp pháp... Đáng lưu tâm là trong số đó, có 47 công dân vi phạm pháp luật Nhật Bản bị chính quyền sở tại bắt và trục xuất về nước. Trước thực trạng đáng báo động trên, mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 6454 về một số biện pháp đối với hoạt động của người Việt Nam vi phạm pháp luật tại Nhật Bản.

Theo đó, để chủ động phòng ngừa, hạn chế tình trạng công dân người Nghệ An vi phạm pháp luật tại Nhật Bản, UBND tỉnh yêu cầu: Công an tỉnh thường xuyên phối hợp, trao đổi với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an để nắm chắc tình hình công dân Nghệ An vi phạm pháp luật tại Nhật Bản. Qua đó, kịp thời phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp điều tra, xác minh để xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, triển khai các kế hoạch nghiệp vụ chủ động phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động của các tổ chức, đối tượng tội phạm người Việt Nam tại Nhật Bản móc nối, lôi kéo công dân Nghệ An tham gia thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nước sở tại, ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam với Nhật Bản. Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh của công dân Nghệ An sang Nhật Bản để phát hiện, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi trốn ở lại cư trú, lao động bất hợp pháp và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đồng thời, chủ động phát hiện, đấu tranh với các hành vi phạm tội, trục lợi từ chính sách xuất khẩu lao động, du học giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhất là hoạt động môi giới đưa người sang Nhật nhằm mục đích trốn ở lại, hoạt động vận chuyển, tiêu thụ nguồn hàng có dấu hiệu phạm pháp từ Nhật Bản về Nghệ An.

Về phía Sở Ngoại vụ, thành lập các kênh liên lạc để quản lý công dân, hỗ trợ pháp lý đối với cộng đồng người Nghệ An sinh sống, làm việc, học tập ở Nhật Bản. Đồng thời, giám sát chặt chẽ công tác quản lý số lượng du học sinh, tu nghiệp sinh tại Nhật Bản.

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường thanh, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về hoạt động của các tổ chức liên quan đến hoạt động môi giới xuất khẩu lao động, tư vấn du học sang thị trường Nhật Bản; phát hiện, xử lý nghiêm đối với các tổ chức có vi phạm pháp luật. Đối với các trường hợp có dấu hiệu phạm tội, phải phối hợp với Công an tỉnh để điều tra, làm rõ và xử lý.

Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát, tham mưu kiến nghị chấn chỉnh những sơ hở, bất cập, thiếu sót về pháp lý là điều kiện để tổ chức, cá nhân trục lợi từ chính sách xuất khẩu lao động, du học từ thị trường Nhật Bản. Chỉ đạo các doanh nghiệp, công ty hoạt động trên lĩnh vực môi giới xuất khẩu lao động, tư vấn du học sang thị trường Nhật Bản đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trang bị đầy đủ thông tin về chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, kiến thức pháp luật liên quan khi làm việc, học tập, sinh sống tại Nhật Bản cho công dân trước khi xuất cảnh…

.

T.Dương

.