Thứ Ba, 02/07/2019, 16:05 [GMT+7]

Sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy là yêu cầu cấp thiết

Sau hơn 15 năm thi hành, Luật Phòng, chống ma túy đã bộc lộ nhiều bất cập, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống ma túy chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính; nhiều quy định không còn phù hợp làm hạn chế hiệu lực và hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy.
 
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 được Quốc hội thông qua ngày 9/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2001 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 (gọi chung là Luật Phòng, chống ma túy), đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Ngày càng có nhiều bạn trẻ sa chân vào con đường nghiện ngập. Đây là hình ảnh một vụ kiểm tra một quán bar ở TPHCM, phát hiện hàng chục thanh thiếu niên dương tính với ma túy. Ảnh tư liệu
Ngày càng có nhiều bạn trẻ sa chân vào con đường nghiện ngập. Đây là hình ảnh một vụ kiểm tra một quán bar ở TPHCM, phát hiện hàng chục thanh thiếu niên dương tính với ma túy. Ảnh tư liệu
Theo Bộ Công an, trong những năm qua việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nề nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy được nâng lên; công tác cai nghiện ma túy, tổ chức tốt cai nghiện và quản lý sau cai được đổi mới; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy đạt được nhiều kết quả tốt,...
 
Những kết quả triển khai Luật Phòng, chống ma túy nêu trên đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
 
Tuy nhiên, sau hơn 15 năm thi hành, Luật Phòng, chống ma túy đã bộc lộ nhiều bất cập, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống ma túy chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính; nhiều quy định không còn phù hợp làm hạn chế hiệu lực và hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy... đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật
 
Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy còn dàn trải, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Một số nơi, công tác tuyên truyền còn chưa thực sự xuống tới cơ sở, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, chưa tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức trong thanh thiếu niên và nhóm đối tượng có nguy cơ cao, đồng bào vùng sâu, vùng xa.
 
Tài liệu tuyên truyền còn thiếu, nội dung tuyên truyền chưa thực sự sáng tạo để vừa truyền tải được những yêu cầu tuyên truyền vừa thu hút được công chúng cùng tham gia. Một bộ phận cán bộ, người dân chưa thực sự nhận thức được tác hại, sự nguy hiểm của ma túy và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy nên chưa hợp tác với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy và tuyên truyền phòng, chống ma túy dẫn đến hiệu quả của công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy chưa cao.
 
Đội ngũ tuyên truyền viên còn thiếu và yếu về kiến thức, tài liệu và kỹ năng tuyên truyền do chưa được đào tạo, bồi dưỡng đúng theo yêu cầu. Công tác tuyên truyền ở cơ sở còn yếu, nhiều địa phương chủ yếu tập trung tuyên truyền vào “Tháng hành động phòng, chống ma túy” (tháng 6). Kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép vào nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị chức năng và đưa vào xã hội hóa, do vậy các ban, ngành, đoàn thể gặp khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch tuyên truyền theo nhiệm vụ được phân công. Ở một số nơi, các cấp lãnh đạo chưa thực sự sâu sát chỉ đạo và quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy.
 
Tình hình số người nghiện mới gia tăng trong khi công tác cai nghiện nói chung, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ tái nghiện ma túy nhiều; cán bộ làm công tác cai nghiện chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, chất hướng thần; chưa có quy định xử lý, quản lý và cai nghiện đối với người nước ngoài. Công tác xã hội hóa cai nghiện tự nguyện còn nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý khi thành lập.
 
Lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma túy còn mỏng; phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác còn hạn chế; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy chưa đáp ứng với thực tế, chưa thực sự tạo động lực yên tâm công tác.
 
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy là yêu cầu cấp thiết khách quan, nhằm khắc phục một số hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đẩy mạnh phòng, chống ma túy trong thời gian tới.
 
Chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
 
Theo Bộ Công an, một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự. Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy quy định nghiêm cấm các hành vi: "Trồng cây có chứa chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần...". Tuy nhiên, Điều 259 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thêm một số hành vi mới như: "Vi phạm quy định về tạm nhập, tái xuất, giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần".
 
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, còn nhiều quy định mâu thuẫn với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính như: Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy quy định: "Cá nhân, tổ chức nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam về phòng, chống ma túy”.
 
Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp xử lý người nước ngoài sử dụng trái phép chất ma túy còn lúng túng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài, dẫn đến tình trạng người nước ngoài nghiện ma túy nhưng không có biện pháp xử lý, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
 
Khoản 1 Điều 27 Luật Phòng, chống ma túy quy định: Trường hợp người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện thì áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định nội dung này.
 
Khoản 2 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy quy định việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quy định Tòa án nhân dân cấp huyện mới có thẩm quyền áp dụng đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cũng tại khoản này của Luật quy định thời hạn cai nghiện bắt buộc là 1 đến 2 năm nhưng khoản 2 Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quy định thời gian này là 06 tháng đến 24 tháng.
 
Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy quy định người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người đủ 18 tuổi trở lên mới được áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
 
Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy quy định về  lao động, học tập, chữa bệnh để cai nghiện và góp phần đảm bảo đời sống trong thời gian cai nghiện. Tuy nhiên, Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính còn có biện pháp “học văn hóa, học nghề” cho người nghiện từ 18 tuổi trở lên.
 
Điều 32a Luật Phòng, chống ma túy quy định “Người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội, nếu thời gian bị phạt tù ít hơn thời gian cai nghiện ma túy thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù phải tiếp tục cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; trường hợp phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì vẫn phải thực hiện cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
 
Trong khi đó, Điều 117 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính trường hợp bị Toà án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành phần thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; nếu hình phạt được áp dụng không phải là hình phạt tù thì người đó có thể phải tiếp tục chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
 
Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy quy định về thời gian quản lý sau cai là 01 đến 02 năm, còn Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định về thời gian quản lý sau cai.
 
Ngoài ra, một số quy định tại Luật Phòng, chống ma túy đang mâu thuẫn với Luật Đầu tư, Luật Tương trợ tư pháp... Để đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, công tác phòng, chống ma túy nói riêng cần tiến hành sửa đổi các quy định cho phù hợp. Do đó, Bộ Công an đề xuất sửa đổi toàn diện các nội dung không còn phù hợp của Luật để đảm bảo phù hợp với quy định của các Bộ luật, Luật có liên quan.
 
Hoàn thiện thể chế để có nguồn lực cho các giải pháp
 
Liên quan đến lộ trình sửa đổi Luật Phòng, chống ma tuý, trả lời tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo kế hoạch chung, Bộ Công an đang báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội lộ trình sẽ xây dựng vào năm 2020.
 
Hiện nay, Bộ Công an đang tiến hành tổng kết, đánh giá lại việc thi hành luật, điều bất cập và tác động thực tế đối với vấn đề này. Cùng với đó, trao đổi với các ngành để có những định hướng chỉnh sửa Luật Phòng, chống ma túy và phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.... Lộ trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kế hoạch sẽ đưa ra tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, dự kiến thông qua sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 đầu năm 2021.
 
Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, vấn đề hoàn thiện thể chế phòng chống ma túy rất quan trọng, khi hoàn thiện rồi thì mới có nguồn lực cho các giải pháp giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại là 3 trụ cột chính trong phòng, chống ma túy.
 
Theo ông Đặng Thuần Phong, Luật Phòng, chống ma tuý đã lạc hậu, nếu nhiệm kỳ này không kịp sửa, để sang nhiệm kỳ sau thì quá muộn so với yêu cầu hiện nay. 
 
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Bộ Công an tổng kết, rà soát một cách tổng thể và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy (sửa đổi Luật phòng, chống ma tuý...) để sớm đề xuất hướng xử lý các bất cập trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý tội phạm trong lĩnh vực này.
.

Nguồn: Hoàng Anh/Chinhphu.vn

.