Thứ Năm, 13/06/2019, 08:16 [GMT+7]

Cần cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia

 
(Congannghean.vn)-Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa lấy ý kiến của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hôm 3/6. Tuy nhiên, liên quan đến việc cấm sử dụng rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án nhưng chưa nhận được đa số ý kiến của ĐBQH.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Nghệ An tăng cường kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Nghệ An tăng cường kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Cụ thể, liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông, dự thảo mới nhất của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đưa ra 2 phương án:
 
Phương án 1: Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn.
 
Phương án 2: Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
 
Với 2 phương án được nêu trên, chiều 3/6, biểu quyết bằng hệ thống điện tử đối với phương án 1, đã có 214/441 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 44,21% tổng số ĐBQH). Với phương án 2, đã có 240/417 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 49,59% tổng số ĐBQH). Kết quả biểu quyết cho thấy, cả 2 phương án đều chưa được quá 50% tổng số ĐBQH tán thành. Do đó sẽ chưa có phương án nào được đưa vào quy định trong dự luật.
Người Việt tiêu thụ rượu, bia đứng tốp đầu thế giới
Người Việt tiêu thụ rượu, bia đứng tốp đầu thế giới
Có thể thấy, sau khi công bố kết quả lựa chọn các phương án cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia hoặc cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia có nồng độ khí thở vượt mức cho phép chưa nhận được đa số ý kiến ủng hộ của ĐBQH đã khiến cho nhiều người không khỏi băn khoăn. Ngay sau đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cũng đã dấy lên những ý kiến mạnh mẽ xung quanh vấn đề này. Tất nhiên, có những quan điểm đồng tình với các ĐBQH chưa chọn phương án cấm sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhưng bên cạnh đó có không ít ý kiến cho rằng, cần phải cấm triệt để người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
 
Ông Nguyễn Hoàng ở phường Lê Lợi, TP Vinh nêu ý kiến, sử dụng rượu, bia thường xuyên sẽ có nhiều tác hại đối với sức khỏe con người, đặc biệt đối với người sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ có nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện đi đường. Ông Hoàng nói, uống nhiều rượu, bia sẽ làm cho người điều khiển phương tiện buồn ngủ hoặc hoa mắt, khi quá say sẽ không nhận biết được người và phương tiện đang tham gia giao thông, gây tai nạn cho người và các phương tiện khác. Do vậy, ông Hoàng đề nghị Nhà nước cần có biện pháp cấm triệt để đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia.
 
Cũng trao đổi vấn đề này nhưng anh Trần Quốc Khánh ở phường Quán Bàu, TP Vinh lại cho rằng, nếu cấm sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì sẽ rất khó thực hiện. Anh Khánh cho hay, người Việt xưa nay luôn lấy chén rượu để làm chất xúc tác trong các bữa ăn, dịp hiếu cũng như khi có đám vui, trong các cuộc giao lưu... Nếu đưa vào Luật mà không thực hiện được triệt để thì không có tác dụng, trong khi đó Luật Giao thông đường bộ cũng đã có quy định xử phạt cao đối với người sử dụng rượu, bia mà có khí thở vượt mức quy định. Theo anh Khánh, hãy thực hiện nghiêm việc xử lý người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức quy định như trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông nghiêm trọng - Ảnh minh họa
Sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông nghiêm trọng - Ảnh minh họa
Anh Phạm Việt Thắng ở TP Vinh nêu quan điểm: “Cấm lái xe khi đã sử dụng rượu, bia, hoặc khi có nồng độ cồn vượt quá giới hạn là gốc. Nghĩa là, anh không được lái xe khi đã uống rượu, tuyệt đối không được.
 
Còn lái xe khi có nồng độ cồn vượt quá quy định sẽ bị xử phạt, là ngọn. Nghĩa là không cấm, mà chỉ bị xử phạt. Nếu được xử lý từ gốc, thì số người vi phạm sẽ ít hơn từ ngọn”.
 
Còn nhớ, vụ tai nạn giao thông xảy ra vào đêm 21/10/2018 tại TP Hồ Chí Minh đã khiến 6 người thương vong. Tài xế điều khiển chiếc xe sang nhãn hiệu BMW được xác định là Nguyễn Thị Nga (SN 1972) trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh. Tại cơ quan chức năng, nữ tài xế thừa nhận đã uống rượu, bia trước khi lái xe và gây ra tai nạn trên. Sau đó, Công an tiến hành đo nồng độ cồn, kết quả cho thấy nồng độ cồn vượt quá cao so với quy định. Cụ thể, kết quả: 0,94 miligam/1 lít khí thở.
 
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, năm 2018 toàn quốc xảy ra hơn 18.700 vụ tai nạn giao thông, làm hơn 8.200 người chết, khoảng 14.800 người bị thương. Trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông khiến 23 người tử vong. 80% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ, còn lại là đường sắt và đường thủy.  Về nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông là lỗi của tài xế, với các vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, đi sai làn...
 
Thực tế cho thấy, việc sử dụng rượu, bia quá nhiều đã có tác động không tốt đến sức khỏe con người và là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nan y, không thể chữa trị. Bên cạnh đó, sử dụng rượu, bia trước và trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người và phương tiện khác. Hiện nay, trong một số văn bản Luật và đặc biệt là Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng đã có quy định xử phạt nghiêm đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định, song để cấm triệt để người sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì chưa có.
 
Tại Nghệ An, từ khi Chỉ thị 17-CT/TU về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh” ra đời thì việc uống rượu, bia trước, trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực đã giảm hẳn. 
 
Từ thực tế tác hại của rượu bia và các nguy cơ tiềm ẩn đối với người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, chúng tôi nghĩ rằng, việc cấm sử dụng rượu, bia đối với người điều khiển tham gia giao thông là cần thiết. Cũng giống như việc bắt buộc người điều khiển xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm trước đây, khi Luật được thi hành nghiêm, chắc chắn sẽ tác động vào ý thức người dân, dần dần sẽ hình thành thói quen!
.

Đ. Thắng

.