Pháp luật
Tội phạm mua bán người vẫn nhức nhối
09:25, 16/03/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Mặc dù cơ quan chức năng đã quyết liệt phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn, song vì lợi nhuận lớn, tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê…
Những người phụ nữ trở về từ bên kia biên giới
Hơn 10 ngày qua, ngôi nhà của chị Trương Thị Thìn (SN 1967) ở xóm Nam Lộc, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn luôn chộn rộn bước chân của những người quen, họ hàng đến chúc mừng sự trở về của người đàn bà này sau 23 năm được cho là mất tích. Trong niềm vui khôn xiết khi gặp lại người thân, chị Thìn không kìm được những giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc.
Theo lời kể của người phụ nữ này, vào năm 1997, chị đang là mẹ của 2 người con nhỏ 5 tuổi và 3 tuổi. Trong một lần sang xã Nghĩa Long để cắt thuốc nam chữa bệnh đau chân, chị Thìn bị một người phụ nữ ở xã này lừa đưa đi chữa bệnh rồi đưa lên xe ôtô, sau đó bị lừa cho uống thuốc mê rồi bán sang Trung Quốc. Tại xứ người, chị được định giá bằng nhân dân tệ, bị gả bán cho một người đàn ông bản địa ít hơn mình 7 tuổi, sinh sống ở đảo Hải Nam. Đau đớn, chị đã 2 lần tìm đến cái chết nhưng được chồng phát hiện và can ngăn. Thời gian qua đi, chị sinh hạ cho nhà chồng 2 đứa con, tạm chấp nhận cuộc sống làm vợ, làm mẹ nơi xứ người.
Công an huyện Kỳ Sơn đấu tranh với các đối tượng mua bán bào thai qua biên giới |
Trong thời gian đó, chị đã gửi hàng nghìn lá thư về Việt Nam nhưng không nhận được hồi âm. Gần đây, chị may mắn gặp một người ở Việt Nam, người này đã hướng dẫn chị dùng mạng xã hội nên nhờ đó, chị đã kết nối được với người thân, họ hàng ở quê nhà. Biết chị chưa thể quên được quê hương, bản quán nên người chồng tốt bụng đã bán 3 con bò đưa tiền cho vợ về quê. Ngày 27/2/2019, chị Thìn trở về trong niềm vui khôn xiết của con cái, anh em họ hàng ở quê nhà. Chị Thìn cũng đã trình báo sự việc lên chính quyền và Công an địa phương để vạch mặt kẻ đã nhẫn tâm lừa bán mình.
Một trường hợp khác là chị Hồ Thị Hoa (SN 1969) trú tại phường Mai Hùng, TX Hoàng Mai cũng vừa may mắn trở về từ bên kia biên giới sau 20 năm bị lừa bán. Trong suốt thời gian nói trên, chị Hoa phải làm vợ của người đàn ông lớn tuổi, sống cuộc sống khổ cực, thường xuyên bị chồng đánh đập. May mắn được giải thoát khỏi “kiếp vợ người”, song khi trở về vào tháng 12/2018 vừa qua, chị Hoa xót xa hơn khi chồng cũ đã có gia đình mới, 2 đứa con đang làm ăn tận miền Nam nên chị không có nơi túc tá, phải ăn nhờ ở đậu nhà người chị gái.
Theo lời kể của người phụ nữ này, năm 1998, khi cần tìm một công việc làm thêm và vì quá tin người bạn thân nên đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Trong 20 năm làm vợ xứ người, chị Hoa đã phải 5 lần vượt cạn, bị ngược đãi khi chồng và gia đình chồng không cho tiếp xúc, gần gũi với con cái. Không những thế, chị còn bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Đến lúc lâm bệnh nặng, chị bị đuổi ra khỏi nhà. Sau 2 tháng sống vật vạ cảnh ngày ăn xin, nhặt ve chai kiếm sống; đêm về chọn gầm cầu làm nơi ngả lưng, chị Hoa may mắn gặp người phụ nữ đồng hương Nghệ An. Người này đã đăng ảnh kèm thông tin lên mạng xã hội nên con cái chị Hoa ở Việt Nam biết tin, đã tìm cách đưa mẹ về đoàn tụ.
Câu chuyện chị Thìn, chị Hoa chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp của những người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc. Hằng năm, trên địa bàn Nghệ An nói riêng và ở cả nước nói chung vẫn có những câu chuyện đau lòng về những người phụ nữ bị lừa bán, cùng với đó là những người phụ nữ may mắn được giải thoát khỏi “kiếp vợ người” tận bên kia biên giới. Mỗi năm, cơ quan chức năng đã tiếp nhận, phối hợp và giải cứu hàng trăm nạn nhân mua bán người. Trên địa bàn Nghệ An, theo thống kê, hàng năm xảy ra từ 12 - 16 vụ mua bán người. Trước đây, nếu như nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em có độ tuổi từ 14 - 30 thì gần đây, xuất hiện tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, thậm chí cả mua bán bào thai qua biên giới.
Tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp
Chị Thìn (áo sọc) trở về sau 23 năm lưu lạc xứ người |
Chiêu bài chính của bọn buôn người vẫn là lợi dụng đời sống kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức về xã hội, pháp luật kém, đặc biệt là không có công ăn việc làm của đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt bán sang Trung Quốc. Các đối tượng buôn người chủ yếu đang làm ăn, sinh sống ở bên kia biên giới, trong số này có không ít người trước đó đã từng là nạn nhân của tội phạm này, đã móc nối với người bản địa để hoạt động phạm tội. Theo số liệu của Bộ Công an, từ năm 2010 đến hết quý III/2018, cả nước xảy ra hơn 3.000 vụ mua bán người với hơn 4.500 đối tượng lừa bán gần 7.000 nạn nhân. Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành.
Trước thực trạng này, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm mua bán người, bên cạnh việc nâng cao công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cho người dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số, cần có các chính sách tăng cường hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người trở về; đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, tránh việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người. Ngoài ra, hiện nay công tác phòng, chống mua bán người vẫn còn một số vướng mắc, liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phòng, chống mua bán người, nhất là các văn bản liên quan đến các lĩnh vực xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài.
Công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho chị em, đặc biệt là chị em vùng dân tộc thiểu số là rất quan trọng nhằm hạn chế tình trạng mua bán người hiện nay |
Tại Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2018, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 16 vụ, 26 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em và tiếp nhận, hỗ trợ, giải cứu 40 nạn nhân liên quan. Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Trong đó, toàn tỉnh hiện còn 263 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng mua bán bào thai qua biên giới gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Riêng địa bàn huyện Kỳ Sơn, thống kê cho thấy có 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai sang Trung Quốc sinh con, trong số đó đã xác minh làm rõ 6 trường hợp sau khi sinh con đã bán con lại bên Trung Quốc rồi trở về.
Trước tình hình đó, ngày 9/1/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 213/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai trên địa bàn. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh liên quan, UBND các huyện, thành, thị tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp có hiệu quả, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu địa phương và huy động sức mạnh tổng hợp của các hệ thống chính trị trong việc tham gia phòng, chống mua bán người, mua bán trẻ em, mua bán bào thai. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ANTT, nhất là quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, quản lý đối tượng, quản lý người nước ngoài, phụ nữ lấy chồng Trung Quốc về địa phương và các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT…; không để tội phạm mua bán người, mua bán bào thai lợi dụng hoạt động.
An Thùy