Tình trạng kinh doanh “bóng cười” thời gian qua còn tràn lan ở một số nhà hàng, quán karaoke trên địa bàn Hà Nội là do khí N2O không phải chất ma túy, không nằm trong danh mục kiểm soát chất ma túy mà nằm trong danh mục hóa chất công nghiệp nên khó có căn cứ để ngành Công an xử lý.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu rõ, theo quy định của pháp luật, khí N2O không phải là chất ma túy hoặc tiền chất ma túy, không nằm trong công ước về kiểm soát các chất ma túy. Khí N2O nằm trong danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, chịu trách nhiệm chính là Cục Hóa chất, Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, theo quy định của Pháp lệnh quản lý thị trường, chức năng thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính các cơ sở có biểu hiện kinh doanh “bóng cười”, “shisha” thuộc chức năng của lực lượng quản lý thị trường, Sở Công Thương (lực lượng Công an chỉ là thành viên đoàn kiểm tra liên ngành), do vậy, Công an thành phố Hà Nội (CATP) không thể chủ động trong công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm để có căn cứ xử lý, nên gây khó khăn, chậm trễ trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật lĩnh vực này.
Mặc dù các phương tiện truyền thông đã cảnh báo về hậu quả tác hại của "bóng cười", song việc sử dụng "bóng cười" đã trở thành trào lưu trong một bộ phận thạnh, thiêu niên, gây nên thực trạng đáng báo động, nhất là tại các khu vực gần trường học, quán cà phê, quán bia, quán bar, nhà hàng karaoke... Đã có những vụ việc đáng tiếc xảy ra, điển hình là vụ việc 7 người tử vong do sử dụng “bóng cười” cùng với các chất kích thích khác tại lễ hội âm nhạc điện tử ở Công viên nước Hồ Tây. Trước tình trạng sử dụng các chất gây nghiện trong một bộ phận thanh thiếu niên, CATP đã ban hành Kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, điều tra cơ bản, phòng ngừa, phát hiện đấu tranh, xử lý đối với hành vi kinh doanh các chất gây nghiện: “Bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “Tem giấy hay bùa lưỡi”. Từ ngày 18/4/2017 đến nay, đã phát hiện, xử phạt hành chính 156 trường hợp với số tiền trên 2 tỷ đồng.
Sử dụng “bóng cười” có thể gây rối loạn thần kinh, tổn thương não. Ảnh minh hoạ |
Theo UBND TP Hà Nội, một số khó khăn hiện nay khí N2O không phải là ma túy hay tiền chất; luật pháp không cấm các cá nhân tổ chức sản xuất, kinh doanh khí N2O do đây là loại khí thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp và được chỉ định sử dụng trong một số lĩnh vực y tế (gây tê, giảm đau); các quy định pháp luật, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm của các cơ sở, cá nhân kinh doanh khí N2O chưa rõ ràng, chỉ xử lý hành chính (không xử lý hình sự), mức độ xử lý còn nhẹ chưa mang tính răn đe các đối tượng vi phạm dẫn đến hiệu quả xử lý chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình.
Bên cạnh đó, các đối tượng kinh doanh, tàng trữ sử dụng trái phép “bóng cười” chuyển phương thức hoạt động, tiêu thụ vào các quán bar, vũ trường, thậm chí nhà ở... để đối phó sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Thời gian qua, CATP đã có văn bản báo cáo, đề xuất UBND TP kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng xử lý các vi phạm hoạt động kinh doanh khí N20, cụ thể như: Kiến nghị các Bộ Công an-Công Thương-Y tế đề xuất Quốc hội bổ sung quy định xử lý nghiêm khắc (xử lý hình sự) đối với các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý và sử dụng khí N2O; Kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu về mức độ nguy hại đến sức khỏe con người của khí N2O, thông báo rộng rãi các khuyến cáo phản ứng có hại đến sức khỏe con người khi sử dụng khí N2O sai mục đích, xem xét việc đưa khí N2O vào danh mục các chất cấm kinh doanh và sử dụng vào cơ thể con người sai mục đích, chỉ được sử dụng khí N2O trên cơ thể người đúng mục đích, liều lượng theo chỉ định y tế;
Kiến nghị Bộ Công thương quy định hướng dẫn việc quản lý, kinh doanh cũng như kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân khi sử dụng khí N2O và các hóa chất tương tự để hạn chế tình trạng sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của còn người; Kiến nghị Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung đẩy mạnh, tổng lực tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về tác hại của các loại chất gây nghiện, chất hướng thần, đặc biệt chú ý khí N2O không phải là chất gây nghiện nhưng có cơ chế tác động như chất gây nghiện...
Để nâng cao hiệu quả công tác xử lý các vi phạm của các cơ sở, cá nhân kinh doanh khí N2O, CATP kiến nghị UBND TP kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước, đưa việc kinh doanh khí N2O vào danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện để quản lý và áp dụng các chế tài xử lý phù hợp; Chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan chức năng rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm từ 1 lần trở lên.
.