Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201807/choang-voi-so-nan-nhan-cuc-khung-cua-chuong-trinh-trai-tim-viet-nam-806708/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201807/choang-voi-so-nan-nhan-cuc-khung-cua-chuong-trinh-trai-tim-viet-nam-806708/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Choáng với số nạn nhân cực 'khủng' của Chương trình 'Trái tim Việt Nam' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 30/07/2018, 11:08 [GMT+7]

Choáng với số nạn nhân cực 'khủng' của Chương trình 'Trái tim Việt Nam'

Ngày 27-7, Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, đề nghị truy tố 6 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, số lượng bị hại và số tiền các bị can chiếm đoạt rất lớn với thủ đoạn tinh vi.

Chỉ trong hơn 8 tháng hoạt động, bằng các thủ đoạn khuếch trương với nội dung gian dối, tuyên truyền và đưa ra chính sách hỗ trợ với mức lợi nhuận cao, Trần Đức Trung và các đồng phạm đã lôi kéo, vận động được hàng nghìn người ở 16 tỉnh, thành phố tham gia, huy động được số tiền trên 165 tỷ đồng.

Bài 1: Thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng

Từ phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng và đơn tố cáo của công dân về hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam, Cục An ninh Nông nghiệp, nông thôn - Bộ Công an đã phối hợp với Công an một số địa phương điều tra, xác minh ban đầu thấy có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 5-9-2016, Cục An ninh Nông nghiệp, nông thôn đã chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an.

Các đối tượng Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng.
Các đối tượng Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng.

Quá trình điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng trong đường dây gồm: Trần Đức Trung (57 tuổi) nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; Lê Thị Hằng (55 tuổi), nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới;  Bùi Thị Oanh  (62 tuổi, phường Mai Động, Hoàng Mai, TP Hà Nội); Phạm Văn Lực (40 tuổi, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương); Nhâm Sỹ Phúc (51 tuổi, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và Phan Thị Thoa (29 tuổi, ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Khoảng cuối tháng 3-2015, sau gần 2 năm hoạt động không có hiệu quả, Lê Thị Hằng đã giới thiệu Phạm Văn Lực vào làm việc tại trung tâm. Thời điểm này, Phạm Văn Lực cùng với Bùi Thị Oanh và Nhâm Sỹ Phúc đang điều hành “Câu lạc bộ triệu phú tích lũy làm giầu” (gọi tắt là Câu lạc bộ triệu phú) với mục đích hoạt động kinh doanh đa cấp nhưng chưa được cấp phép.

Vì thế, Lực đã giới thiệu Trung, Hằng gặp Oanh để bàn phương án kết hợp giữa Câu lạc bộ triệu phú với hoạt động của trung tâm, sau đó các bị can thống nhất sáp nhập Câu lạc bộ triệu phú với trung tâm. Ngày 31-3-2015, Lê Thị Hằng đã ký quyết định thành lập Câu lạc bộ triệu phú và bổ nhiệm Phạm Văn Lực làm Chủ tịch Câu lạc bộ; Bùi Thị Oanh làm Phó Chủ tịch Câu lạc bộ, Nhâm Sỹ Phúc làm Chuyên viên phát triển thị trường.

Trung cùng Hằng, Oanh, Lực thống nhất đưa ra chính sách nhằm thu hút người tham gia câu lạc bộ và giao cho Phạm Văn Lực ký “Bản quy định cho hội viên tham gia Câu lạc bộ tích lũy làm giầu” với vai trò là Chủ tịch Câu lạc bộ. Theo đó, mỗi hội viên mua 1 hộp thực phẩm chức năng với giá 1,2 triệu đồng để ủng hộ trung tâm và mua đủ 12 tháng thì hằng tháng sẽ nhận được tiền hỗ trợ của trung tâm nhưng không quy định số tiền cụ thể...

Thời gian sau đó, thấy chính sách hỗ trợ người tham gia Câu lạc bộ triệu phú chưa hấp dẫn, mức độ lan tỏa còn ít, Trung hủy bỏ toàn bộ các quyết định thành lập Câu lạc bộ triệu phú đồng thời tổ chức triển khai Chương trình “Trái tim Việt Nam” với một loạt thay đổi về cách thức tuyên truyền, quảng bá, lôi kéo người tham gia.

Để tuyên truyền, quảng bá và quản lý số người tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam”, Trung đã ký Hợp đồng thiết kế trang web và xây dựng phần mềm quản lý hội viên với ông Phạm Ngọc Phúc - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần TCG (địa chỉ: số 31, thôn Lộc, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội).

Đặc biệt, để nhằm thu hút, lôi kéo được nhiều người tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam”, Trần Đức Trung, Lê Thị Hằng, Bùi Thị Oanh, Phạm Văn Lực cùng thống nhất đưa ra các chính sách hỗ trợ với mức lợi nhuận cao... Thành viên tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam” sau khi đăng ký tham gia thông qua các điểm tư vấn sẽ được kích hoạt tài khoản cá nhân (ID) trên trang web “hotronguoingheo.vn” và được nhận 1 sản phẩm hỗ trợ là thực phẩm chức năng, phân vi sinh hoặc sách báo, trị giá 150 nghìn đồng, người giới thiệu được nhận 500 nghìn đồng.

Cả hai chính sách hỗ trợ đều quy định số tiền hỗ trợ vốn “nhanh hay chậm phụ thuộc vào nguồn vốn của trung tâm và nhận vào ngày 15 đến 20 hằng tháng”. Các chính sách này được đăng tải trên website “hotronguoingheo.vn” và in thành tờ rơi để tuyên truyền, phát cho các điểm, kèm theo các mẫu đơn tham gia. Để đối phó với các cơ quan chức năng, Trần Đức Trung và đồng phạm yêu cầu người tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam” buộc phải ký đơn tự nguyện theo mẫu của trung tâm đã in sẵn.

Ngoài các hình thức nêu trên, các đối tượng trong vụ án còn thường xuyên tuyên truyền tại buổi lễ ra mắt các điểm tư vấn, các buổi hội thảo. Quá trình tuyên truyền, các đối tượng đã đưa các thông tin sai sự thật về trung tâm là cơ quan Nhà nước, tuyên truyền về việc Chương trình “Trái tim Việt Nam” được sự ủng hộ của nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người có uy tín trong xã hội; nguồn vốn của trung tâm để chi trả cho người tham gia chương trình là rất lớn, ngoài tiền do người dân tham gia chương trình đóng góp thì còn có nguồn vốn do tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước, tổ chức từ thiện quốc tế tài trợ.

Nhằm phát triển, mở rộng mạng lưới, Trung ký thành lập điểm tư vấn và trưởng điểm tư vấn. Đối tượng tham gia  từ 500 suất sẽ được xét duyệt thành lập điểm tư vấn và được bổ nhiệm trưởng điểm tư vấn; được trung tâm trả lương hằng tháng và hỗ trợ 50 nghìn đồng đối với mỗi suất tham gia. Với các thủ đoạn như nêu trên, Trần Đức Trung, Lê Thị Hằng, Bùi Thị Oanh và đồng phạm đã lôi kéo được số lượng rất lớn người tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam” thành lập 26 điểm tư vấn và nhiều nhóm thu tiền tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sau khi thu tiền của người tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam”, các điểm tư vấn đều nộp về tài khoản của trung tâm, sau đó mới được Ngô Hồng Nhung, nhân viên kế toán kích hoạt mã.

Đến tháng 7-2015, do số lượng người tham gia đông, theo đề xuất của Ngô Hồng Nhung, Trần Đức Trung, Lê Thị Hằng đồng ý cho các điểm tư vấn cơ chế trung tâm sẽ ứng trước mã ID mỗi tháng (với số lượng nhất định) cho các điểm tư vấn và các điểm tư vấn được cấn trừ giữ lại tiền hoa hồng, tiền chi trả hỗ trợ cho các thành viên, phần còn lại nộp về trung tâm qua 3 tài khoản.

Ngoài ra, một số nhóm do Bùi Thị Oanh trực tiếp lôi kéo đã thu tiền của người tham gia nộp về văn phòng 102 Trường Chinh, TP Hà Nội do Bùi Thị Oanh điều hành. Như vậy, người tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam” đã nộp về trung tâm và văn phòng 102 Trường Chinh tổng cộng khoảng 148 tỷ đồng.

Sau khi phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về hoạt động của trung tâm có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền của các thành viên tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam”, ngày 4-12-2015, Hiệp hội đã có văn bản yêu cầu trung tâm tạm dừng các hoạt động liên quan đến Chương trình “Trái tim Việt Nam” kể từ ngày 7-12-2015 và ngày 30-12-2015 Hiệp hội tiếp tục ra Quyết định giải thể trung tâm, đã thông báo và yêu cầu Trung dừng mọi hoạt động của Chương trình “Trái tim Việt Nam” nhưng Trung và Hằng vẫn liên hệ với Nguyễn Tuấn Lân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc tế Newstar tổ chức Chương trình “Liên kết ba bên” để thu tiền của người tham gia...

Theo đó, thành viên nộp tiền tham gia Chương trình “Liên kết ba bên” cũng được kích hoạt tài khoản trên hệ thống trang web “hotronguoingheo.vn” và được Trung tâm cấp ID mới để theo dõi, quản lý. Trần Đức Trung yêu cầu những người đã tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam” phải nộp thêm tiền tham gia chương trình “Liên kết ba bên” thì mới tiếp tục được nhận tiền hỗ trợ nên các bị hại của Chương trình “Liên kết ba bên” đồng thời cũng là bị hại của Chương trình “Trái tim Việt Nam”.

Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về hoạt động của trung tâm có dấu hiệu vi phạm pháp luật và Công an Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên tiến hành điều tra, xác minh về hoạt động của trung tâm, để đối phó và che giấu hành vi phạm tội, Trung đã yêu cầu các điểm tư vấn nộp tài liệu, chứng từ, sổ sách của Chương trình “Trái tim Việt Nam” lên trung tâm để tẩu tán, đồng thời yêu cầu kế toán trung tâm và các điểm tư vấn xóa toàn bộ thông tin liên lạc, trao đổi trong hộp thư điện tử, dừng mọi hoạt động của trang web “hotronguoingheo.vn”.

.

Nguồn: Xuân Mai - Trần Xuân/Báo CAND

.